Bước đột phá trong lĩnh vực cấy ghép tạng
Các bác sĩ Mỹ đã cấy ghép một quả tim heo được chỉnh sửa gene cho một người đàn ông 57 tuổi. Lần đầu tiên một ca ghép tạng loại này được thực hiện, mở ra hướng giải quyết cho tình trạng thiếu tạng trầm trọng hiện nay.
“Chết hoặc là thực hiện ca cấy ghép này. Tôi muốn được sống. Dù đó chỉ là hy vọng mong manh, nhưng là lựa chọn duy nhất của tôi”. Đây là những chia sẻ của ông David Bennett với các bác sĩ của Trường Y thuộc Đại học Maryland, một ngày trước khi tiến hành ca cấy ghép.
Ông Bennett hiểu rằng không có gì đảm bảo ca phẫu thuật sẽ thành công, nhưng ông sắp chết và không đủ điều kiện để cấy ghép tim người. Do đó, các bác sĩ đã thử nghiệm đặt vào người ông Bennett một quả tim heo được chỉnh sửa gene để duy trì sự sống cho ông.
Ngày 10-1, 3 ngày sau ca phẫu thuật, sức khỏe của ông Bennett ổn định. Theo các bác sĩ của Đại học Maryland, hiện còn quá sớm để khẳng định ca cấy ghép có thực sự thành công hay không, nhưng nó đánh dấu một bước tiến trong hành trình kéo dài hàng thập niên với mục tiêu dùng nội tạng động vật để cấy ghép cho người. Các chuyên gia cho hay, ca cấy ghép đã chứng tỏ một quả tim từ động vật được chỉnh sửa gene có thể hoạt động trong cơ thể người mà không bị đào thải ngay.
Theo Mạng lưới chia sẻ các cơ quan nội tạng (UNOS) của Mỹ, có hơn 3.800 ca ghép tim (một con số kỷ lục) được tiến hành tại nước này vào năm ngoái. Sự thiếu hụt lớn về số lượng các cơ quan nội tạng người được hiến tặng buộc các nhà khoa học phải tìm cách sử dụng nội tạng động vật để thay thế.
“Ca cấy ghép này nếu thành công sẽ mở ra một nguồn cung cấp nội tạng vô hạn cho những bệnh nhân đang phải chịu đau đớn vì bệnh tật”, tiến sĩ Muhammad Mohiuddin, Giám đốc khoa học chương trình cấy ghép tạng động vật cho người của Đại học Maryland, nhận định.
Nhiều ca cấy ghép tạng động vật cho người (ghép dị chủng) trước đây đã gặp thất bại, phần lớn là do cơ thể người bệnh nhanh chóng đào thải nội tạng động vật. Chỉ có một trường hợp đáng chú ý vào năm 1984, khi Baby Fae, một trẻ sơ sinh sắp chết, đã sống được 21 ngày với một trái tim của khỉ đầu chó. Sự khác biệt trong ca cấy ghép của ông Bennett là các bác sĩ đã sử dụng một quả tim trải qua quá trình chỉnh sửa gene nhằm loại bỏ một loại đường trong tế bào - nguyên nhân được xem là gây ra sự đào thải nội tạng “siêu” nhanh.
Tiến sĩ David Klassen, Giám đốc Y tế của UNOS, mô tả ca cấy ghép của Đại học Maryland là sự kiện khởi nguồn, nhưng cũng lưu ý đây chỉ là bước đầu tiên để khám phá xem liệu phương pháp ghép dị chủng có thực sự hiệu quả hay không.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đang áp dụng quy chế cho phép các ca phẫu thuật dạng này thực hiện theo quy định ủy quyền khẩn cấp, trong các trường hợp bệnh nhân bị đe dọa đến tính mạng mà không có lựa chọn nào khác.
Tháng 9 năm ngoái, các chuyên gia ở New York (Mỹ) đã tiến hành một thí nghiệm cho thấy nội tạng của heo có nhiều tiềm năng cấy ghép cho người. Các bác sĩ đã ghép một quả thận của heo vào cơ thể một người đã chết và theo dõi hoạt động của quả thận này. Theo tiến sĩ Robert Montgomery, người dẫn đầu cuộc thử nghiệm ghép thận trên, ca cấy ghép của Đại học Maryland đã đưa việc thử nghiệm lên tầm cao mới và đây là bước đột phá thực sự.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/buoc-dot-pha-trong-linh-vuc-cay-ghep-tang-787986.html