Bước đột phá trong phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa - Bài 1: Khẳng định giá trị gỗ rừng trồng

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh xác định phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực là một trong ba khâu đột phá để thực hiện mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có các chủ trương, cơ chế, chính sách đồng bộ nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa giá trị, nâng cao đời sống người dân.

Bài 2: Phát huy thương hiệu, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị

Nhân lên giá trị xanh

Trong 4 năm qua, trung bình mỗi năm, tỉnh trồng mới trên 10.000 ha rừng. Quan điểm của tỉnh là rừng nguyên liệu khai thác đến đâu được trồng mới ngay đến đó, do đó, tỷ lệ che phủ rừng mỗi năm một tăng lên. Đến nay, tỷ lệ che phủ rừng đạt 65%, đứng thứ 3 toàn quốc, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra 5%. Đây là “kho báu” để Tuyên Quang thu hút đầu tư chế biến lâm sản, nâng cao giá trị kinh tế gỗ rừng trồng.

Có được thành tựu đó, tỉnh đã triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ hơn 2.000 ha rừng trồng bằng cây keo lai mô và keo tai tượng hạt ngoại, với 1.455 hộ gia đình tham gia; triển khai cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC; rà soát, điều chỉnh hợp lý quy hoạch phân 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) gắn với điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Đến nay, toàn tỉnh có trên 422.000 ha rừng, trong đó rừng trồng gần 200.000 ha.

Người dân thôn Đồng Hoan, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) chăm sóc rừng keo 5 năm tuổi.

Người dân thôn Đồng Hoan, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) chăm sóc rừng keo 5 năm tuổi.

Bảo đảm không ngừng nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, từ năm 2015, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên kết với Công ty cổ phần Woodsland Việt Nam mời các chuyên gia Quỹ phát triển rừng Quốc tế hỗ trợ làm rừng FSC. Từ một tỉnh đi sau nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chức năng, Tuyên Quang hiện đứng đầu cả nước về diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC với trên 25.000 ha, chiếm tỷ lệ khoảng 10% trong tổng số diện tích rừng sản xuất toàn tỉnh. Giá trị gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC tăng lên từ 10 đến 20% so với gỗ thường, tạo động lực lớn để người dân gắn bó với nghề rừng. Thôn Nghẹt, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) có 110 hộ dân, chủ yếu là người Dao Quần trắng.

Ông Lý Văn Dau, thôn Nghẹt có 2,2 ha được cấp chứng chỉ rừng cho biết, giá trị gỗ rừng được cấp chứng chỉ của gia đình ông sẽ tăng lên khoảng 15%, tạo động lực cho gia đình gắn bó với nghề rừng. Gia đình ông và người dân trong thôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc, khai thác rừng theo chuẩn FSC, khai thác rừng đến đâu lại trồng rừng ngay đến đó nên ở Phú Thịnh không còn đất trống đồi núi trọc.

Người dân thôn Đa Năng, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) chăm sóc rừng keođã được cấp chứng chỉ rừng quốc tế FSC. Ảnh: Cao Huy

Vươn ra thế giới

Giá trị gỗ rừng trồng của Tuyên Quang không ngừng được nâng lên, đây là điều kiện quan trọng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang (tháng 12-2018), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao nỗ lực của Tuyên Quang trong bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt tỷ lệ rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC cao hơn bình quân chung của cả nước 10%. Đây là lợi thế lớn để Tuyên Quang thu hút các dự án chế biến lâm sản, trở thành trung tâm sản xuất lâm nghiệp của cả nước. Với chính sách thu hút đầu tư phù hợp, Tuyên Quang đang là điểm đến của các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Từ nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng, Tuyên Quang duy trì hoạt động hiệu quả của các nhà máy chế biến lâm sản hiện có như: Nhà máy Bột giấy và giấy An Hòa với công suất tiêu thụ 600.000 m3 gỗ nguyên liệu giấy/năm, Nhà máy đũa Phúc Lâm (Chiêm Hóa) công suất 250 triệu tấn sản phẩm/năm, nhu cầu nguyên liệu 10.000 m3 gỗ; Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy Na Hang, công suất 7.500 tấn sản phẩm, nhu cầu nguyên liệu khoảng 25.000 tấn/năm và trên 300 cơ sở chế biến gỗ. Tỉnh còn thu hút được công ty lớn đầu tư vào lĩnh vực này là Công ty cổ phần Woodsland Việt Nam.

Sản phẩm gỗ thanh của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang được xuất khẩura thị trường nhiều nước trên thế giới.

Hiện công ty có 4 nhà máy đang hoạt động tại huyện Yên Sơn với tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng, với công suất các loại sản phẩm 170.000 m3/năm đã cho thấy niềm tin của công ty vào nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng của Tuyên Quang. Các sản phẩm gỗ dán, gỗ ép, gỗ thanh và đồ nội thất khác được xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Mỹ, Nhật và tập đoàn AIKEA (tập đoàn đồ gỗ nội thất hàng đầu châu Âu). Theo bà Đỗ Thị Bạch Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty, sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của công ty đứng vào tốp đầu của thế giới, đây là động lực để Tuyên Quang tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu chất lượng, nhất là xây dựng thương hiệu gỗ FSC mang tên Tuyên Quang.

Như vậy, đến nay, Tuyên Quang có nhiều sản phẩm từ gỗ rừng trồng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Ngoài các sản phẩm của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang còn có các sản phẩm bột giấy trắng, giấy in, giấy viết, giấy photocopy của Công ty cổ phần Giấy An Hòa; đũa của Nhà máy đũa Phúc Lâm đã xuất khẩu sang thị trường nhiều nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Băngladet…

Bảo đảm nguồn nguyên liệu, không ngừng nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình hoạt động đã tạo sức bứt phá trong phát triển kinh tế lâm nghiệp của Tuyên Quang. Đồng thời, đã mở ra triển vọng lớn cho nền công nghiệp chế biến nông, lâm sản và xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ rừng trồng mang thương hiệu Tuyên Quang.

Bài, ảnh: Thành Công
(còn nữa)

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/buoc-dot-pha-trong-phat-trien-nong-lam-nghiep-hang-hoa-bai-1%C2%A0khang-dinh-gia-tri-go-rung-trong-125401.html