Bước đột phá trong phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa - Bài cuối: Hình thành vùng chăn nuôi chủ lực giá trị kinh tế cao

Với tiềm năng đất đai, cộng với kinh nghiệm sản xuất của người dân, Tuyên Quang có đủ lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng. Trên thực tế ở các địa phương đã hình thành các vùng chăn nuôi với các sản phẩm chủ lực gồm: Trâu, cá đặc sản. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp là tập trung phát triển sản phẩm chủ lực, có lợi thế, bảo đảm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.

Bài 1: Khẳng định giá trị gỗ rừng trồng

Bài 2: Phát huy thương hiệu, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị

Vùng chăn nuôi trâu và cá đặc sản

Những năm gần đây, chăn nuôi trâu không còn nhỏ lẻ như trước mỗi hộ 1 - 2 con thả rông ở các bản làng vùng cao Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, thay vào đó là một mô hình mới, nuôi nhốt vỗ béo và có sự liên kết giữa hộ nông dân với các hợp tác xã ở từng địa phương, quy mô từ 10 - 40 con/hộ.

Anh Lê Văn Thứ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiến Quang, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) đầu mối liên kết chăn nuôi trâu cho biết, năm 2015 anh đầu tư chăn nuôi trâu vỗ béo theo hình thức nhốt chuồng, nguồn thức ăn chỉ là cám ngô, cám gạo và thức ăn thô xanh, sau 3 tháng chăm sóc trâu béo trông thấy, mỗi con trâu tăng ít nhất từ 90 - 130 kg, trừ chi phí thu lãi khoảng 5 triệu đồng/con. Thấy có hiệu quả, anh đã mạnh dạn tìm kiếm đối tác để cùng nhau mở rộng mô hình chăn nuôi. Theo anh Thứ năm đầu chỉ có 3 HTX trên địa bàn huyện Chiêm Hóa hợp tác chăn nuôi thì nay vượt qua ranh giới huyện Chiêm Hóa, đến 1 số xã của huyện Yên Sơn, Lâm Bình, Na Hang với 17 HTX, trên 1.000 hộ tham gia nuôi trâu nhốt chuồng.

Anh Đặng Văn Cảnh, thôn Tiên Hóa 2, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) chăn nuôi trâu theo mô hình nhốt chuồng vỗ béo.

Anh Đặng Văn Cảnh, thôn Tiên Hóa 2, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) chăn nuôi trâu theo mô hình nhốt chuồng vỗ béo.

Anh Đặng Văn Cảnh, thôn Tiên Hóa 2, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa), thành viên HTX Nông nghiệp Tiến Quang cho biết, năm 2016 anh đã đăng ký với HTX nhận nuôi 15 con trâu. Áp dụng kỹ thuật nuôi nhốt cho ăn thức ăn phối trộn và cỏ nên dù nuôi nhiều cũng chỉ tốn 1 công lao động. Bình quân mỗi năm anh Cảnh nuôi 3 lứa, mỗi lứa 10 - 15 con, trừ chi phí cho lãi bình quân gần 5 triệu đồng/con. Anh Cảnh khoe, không những gia đình anh mà các hộ có điều kiện về đất đai ở Tiên Hóa 1, Tiên Hóa 2 đều liên kết nhận chăn nuôi và tổ nhóm hợp tác nuôi trâu Tiên Hóa đã hình thành.

Ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khẳng định, mô hình liên kết chăn nuôi trâu nhốt chuồng theo hình thức vỗ béo của HTX Nông nghiệp Tiến Quang và các HTX trên địa bàn huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình đã hình thành vùng chăn nuôi trâu có quy mô tương đối. Đã có 108 trang trại, gia trại chăn nuôi trâu thịt theo hướng hàng hóa với quy mô từ 10 - 40 con; 2 nhãn hiệu trâu hàng hóa được xây dựng gồm: Trâu Chiêm Hóa và trâu ngố Tuyên Quang.

Cùng với trâu, cá, đặc biệt là cá đặc sản trở thành con chủ lực trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn. Ông Trần Văn Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, Chiêm Hóa là vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và quy mô lớn nhất tỉnh, đặc biệt là các loại thủy sản đặc sản. Trong tổng số 800 lồng cá đặc sản trên địa bàn tỉnh, có đến 500 lồng ở 2 vùng lòng hồ.

Anh Phạm Anh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH thủy sản Đức Nguyên, một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia khai thác nguồn nước tại lòng hồ thủy điện Tuyên Quang cho rằng, để phát triển chăn nuôi cá đặc sản, ngoài quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh tốt thì diện tích lớn, nguồn nước sạch là yếu tố tiên quyết để nuôi trồng thủy sản, đặc biệt đối với thủy sản đặc sản được coi là khó tính nhất như: Bỗng, lăng chấm, chiên, cá quả... Gần 10 năm nuôi trồng thủy sản trên vùng lòng hồ với quy mô 30 lồng, trong đó có 10 lồng cá đặc sản song chưa năm nào gặp bất lợi, cá sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi con cá chiên, lăng chấm sau 3 năm chăn nuôi đạt trọng lượng từ 2,5 - 3 kg, với giá từ 480 - 600 nghìn/kg mang lại nguồn thu không nhỏ cho công ty.

Tại hồ thủy điện Chiêm Hóa có 3 doanh nghiệp tham gia đầu tư khai thác mặt nước để nuôi trồng thủy sản đặc sản với quy mô 50 lồng. Anh Lê Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và thương mại Long Giang (TP Tuyên Quang) đầu tư nuôi trồng thủy sản tại hồ thủy điện Chiêm Hóa cho biết, công ty có 10 lồng cá đặc sản gồm: Bỗng, chiên, cá quả... với 400 - 500 con/lồng. Doanh thu mỗi năm đạt khoảng 500 - 600 triệu đồng.

Không riêng trên lòng hồ thủy điện, dọc theo 2 bên bờ sông Gâm, sông Lô người dân đã tận dụng dòng sông để làm lồng nuôi các loại cá đặc sản. Ông Phạm Văn Bình, thôn Bình Thuận, xã Thái Hòa (Hàm Yên), người có thâm niên nuôi cá chiên cho biết, nghề nuôi cá chiên xuất hiện khoảng hơn chục năm trở lại đây. Nếu trước đây bà con chăn nuôi theo kiểu “cò con”, nhỏ lẻ thì nay đã hình thành những vùng chăn nuôi, ngay tại thôn Bình Thuận cũng đã có 11 hộ nuôi với 30 lồng cá, trong đó chủ yếu là cá đặc sản có giá trị kinh tế cao.

Vùng tập trung nuôi cá đặc sản trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang.

Vùng tập trung nuôi cá đặc sản trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang.

Chiến lược phát triển vùng chăn nuôi chủ lực

Phát triển vùng chăn nuôi chủ lực bền vững, tỉnh đã có những quyết sách và bước đi bài bản. Năm 2014, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, trong đó 2 con chủ lực được ưu tiên đầu tư phát triển là trâu và cá đặc sản.

Theo đó, tỉnh ưu tiên hỗ trợ vốn vay ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu chăn nuôi trâu đực giống, trâu sinh sản, cá đặc sản. Năm 2016, UBND tỉnh cũng đã phê quyệt Quy hoạch phát triển thủy sản Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035. Tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi trâu hàng hóa theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025. Vùng được quy hoạch để tập trung đầu tư phát triển nuôi trâu, cá đặc sản gồm: Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình và một số xã của huyện Yên Sơn.

Ông Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, với các cơ chế, chính sách đã được triển khai phát triển chăn nuôi theo vùng góp phần tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân hàng năm đạt 4%, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra. Từ một tỉnh chưa có tên trong bản đồ các sản phẩm nông nghiệp, Tuyên Quang giờ đã vươn tầm đứng thứ 6 khu vực miền Bắc và thứ 8 toàn quốc về chăn nuôi trâu hàng hóa. Sản phẩm trâu thịt đã được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và một số nước khác. Sản lượng và quy mô chăn nuôi thủy sản, đặc biệt là cá đặc sản cũng đứng thứ 4 trong khu vực miền Bắc và thứ 40 toàn quốc. Năm 2017, cá sạch nuôi trên vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh sách “Địa chỉ xanh, nông nghiệp sạch” trên phạm vi toàn quốc.

Để phát triển chăn nuôi trâu và cá, đặc biệt là cá đặc sản, vấn đề đặt ra là tạo nguồn con giống chất lượng. Trung tâm thủy sản tỉnh đã thành công cho cá đặc sản sinh sản bằng phương pháp nhân tạo. Tuy vậy số lượng con giống cũng chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu chăn nuôi của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình trên địa bàn. Chăn nuôi trâu, dù đem lại hiệu quả kinh tế khá cao nhưng nguồn con giống tại chỗ gần như đã cạn kiệt, hầu hết trâu đưa về chăn nuôi được nhập từ các tỉnh miền Trung, miền Nam, từ nước Lào, Campuchia, Thái Lan. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay, ngành Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi cần xây dựng các trung tâm sản xuất con giống đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa theo vùng, tạo tiền đề để nông nghiệp Tuyên Quang bứt phá, thực sự là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/buoc-dot-pha-trong-phat-trien-nong-lam-nghiep-hang-hoa-bai-cuoi-hinh-thanh-vung-chan-nuoi-chu-luc-gia-tri-kinh-te-cao-125644.html