Bước đột phá về chất trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2021) đúng vào dịp Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa thành công rất tốt đẹp. Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng ta tôi luyện, thử thách và không ngừng trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm để ngày càng xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của Nhân dân. Ở mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng ta đều có những giải pháp xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tự đấu tranh, loại bỏ những tiêu cực, khắc phục những khuyết điểm, sai lầm nhằm không ngừng làm trong sạch đội ngũ của mình.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt Đại hội. Ảnh: Duy Linh

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt Đại hội. Ảnh: Duy Linh

Tự đấu tranh, loại bỏ những tiêu cực

Nhiều ý kiến đã chỉ ra, trong giai đoạn đất nước hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, thời cơ và thách thức đan xen, chúng ta phải tranh thủ các nguồn lực để phát triển đất nước, đồng thời phải thấy được đâu là điểm hạn chế để khắc phục. Muốn làm được điều này chỉ có đoàn kết, đồng lòng. Đoàn kết là sức mạnh, là chìa khóa để đất nước vững bước trên con đường hội nhập. Tuy nhiên, muốn người dân đồng lòng, Đảng không những phải phát huy những kinh nghiệm đã có, mà còn phải luôn xây dựng và chỉnh đốn, giữ gìn Đảng thật trong sạch, vững mạnh, đổi mới và sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, để xứng đáng với vai trò tiền phong. Muốn vậy, trong công cuộc chỉnh đốn Đảng, phải làm mạnh mẽ hơn nữa, để “bộ phận không nhỏ suy thoái về đạo đức, phẩm chất, lối sống” sẽ thành nhỏ, không còn tồn tại. Khi dân đã tin, sẽ ủng hộ hết lòng, đó là điểm tựa vững chắc nhất để cùng với Đảng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Như PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà (nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng) đã nhận định: Trong quá trình phát triển, Đảng cũng luôn nhận thức được nhiều vấn đề nội tại cần phải sửa, để đổi mới cho phù hợp. Có thể nói rằng, trong lịch sử xây dựng Đảng, chưa có giai đoạn nào chúng ta xử lý nhiều cán bộ, kể cả cấp cao như thế. Điều đó bước đầu mang lại niềm tin trong Nhân dân về việc xử lý tham nhũng, thoái hóa… không có vùng cấm. Nhìn từ nhiệm kỳ XII vừa qua có thể thấy, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra, trong đó đặc biệt là việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Cùng với đó, nhiều vấn đề khó, phức tạp và nhạy cảm được thực hiện từ nhiều năm trước nhưng hiệu quả thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra, trong nhiệm kỳ này đã tạo sự chuyển biến tích cực. Trong đó, công tác cán bộ được đổi mới mạnh mẽ trên tất cả các khâu, nhất là trong quy hoạch, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển. Tình trạng chạy chức, chạy quyền và những biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả.
Như những con số thống kê cho thấy, trong nhiệm kỳ khóa XII, đã thi hành kỷ luật hàng trăm cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý. Nhiều vụ án liên quan đến cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước đã được đưa ra xét xử, công bằng, nghiêm minh. Cùng với đó, rất nhiều địa phương đã đưa ra các quyết định kỷ luật, trong đó có cả quan chức cấp cao nhất của tỉnh. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Đảng ta đã dám nói lên sự thật và triệt tiêu tận gốc đối với tệ tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn. Nhưng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói: Xử lý vi phạm để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe ngăn ngừa là chính chứ không phải là cốt xử cho nhiều, xử cho nặng. Đây không chỉ là một "cao trào", càng không thể "chững lại". Bởi đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh lâu dài, đầy chông gai, khắc nghiệt.
Làm cho Đảng mạnh hơn
Có thể thấy rằng, những kết quả cụ thể, toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ đã góp phần quan trọng làm cho Đảng ta đoàn kết, thống nhất hơn; củng cố, tăng cường hơn niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Từ đó, tạo nền tảng và cơ sở vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới. Trong đó quan điểm “chống" là quan trọng, cấp bách, phải kiên quyết làm để răn đe, cảnh tỉnh, nhưng "xây" mới là cơ bản, lâu dài. Trong các quan điểm chỉ đạo cho nhiệm kỳ XIII và những năm tiếp theo, việc tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, tiếp tục được đặt ra trong cả nhận thức, hành động thực tiễn.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ - nội dung then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.
Cùng với đó, hoàn thiện thể chế, chính sách, luật pháp để không còn những "khoảng trống", "kẽ hở", để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không còn muốn tham nhũng. Bởi như các nhà nghiên cứu đã nhận định, xây dựng Đảng đâu phải chỉ là Nghị quyết mà là xây dựng con người, xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng tổ chức trong sạch vững mạnh. Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy Nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền.
Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng cũng là dịp để nhìn lại, đánh giá công tác chỉnh đốn Đảng, bởi làm tốt công tác cán bộ - công việc “gốc” của Đảng tiếp tục được nhắc đến như một yêu cầu cấp bách, song hành cùng xây dựng Đảng. Đây là vấn đề rất lớn đã được đặt ra và đang thực hiện nghiêm túc đối với thực tiễn xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhân lên niềm tin và hy vọng vào sự vững mạnh của Đảng.

Chưa có nhiệm kỳ nào BCH T.Ư ban hành tới 4 nghị quyết và 1 quy định về công tác xây dựng Đảng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng ban hành khoảng 130 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có nhiều quy định về công tác cán bộ. Đây là dấu ấn, là điểm sáng.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức T.Ư) Nguyễn Đức Hà

Trần Hà

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/buoc-dot-pha-ve-chat-trong-xay-dung-chinh-don-dang-409021.html