Bước đột phá về nhân lực để trạm y tế chuyển đổi sang y học gia đình
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phân tích, trạm y tế xã - y tế cơ sở được xem như là 'người gác cổng' trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân cần được phát huy các thế mạnh.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hệ thống y tế Việt Nam có mạng lưới rộng khắp từ Trung ương đến xã, phường, trong đó riêng tuyến xã, phường có hơn 11.000 trạm y tế xã.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phân tích, trạm y tế xã - y tế cơ sở được xem như là “người gác cổng” trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân cần được phát huy các thế mạnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh đó vẫn còn nhiều trạm y tế xã năng lực chuyên môn của thầy thuốc còn yếu, chưa thực hiện hết danh mục kỹ thuật theo quy định, cho nên chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Đổi mới sâu rộng
Khảo sát của Viện Chiến lược và chính sách y tế cho thấy năng lực của đội ngũ y bác sỹ tại trạm y tế xã rất yếu, nhiều trường hợp không thể chẩn đoán và điều trị các bệnh thông thường như ỉa chảy, nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em, dấu hiệu nguy hiểm trong thai nghén, cấp cứu ngộ độc, tăng huyết áp. Một số kiến thực và kỹ năng về chăm sóc không được cập nhật thường xuyên với các khuyến cáo chuyên môn mới dẫn đến lạc hậu trong tiếp cận chẩn đoán và điều trị.
Trước đòi hỏi cấp bách là phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, ngành y tế đang triển khai 1 chương trình đổi mới sâu rộng mạng lưới y tế cơ sở trong toàn quốc.
Đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu là giải pháp để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu mang tính toàn diện, liên tục và đáp ứng tốt hơn với sự thay đổi về mô hình bệnh tật hiện nay.
Dự án “Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế - HPET’ là một trong số rất ít Dự án của Bộ Y tế được sử dụng vốn vay tập trung cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế toàn diện từ ở các tuyến, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.
Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở thông qua các chương trình đào tạo liên tục định hướng theo nguyên lý y học gia đình bằng cách đổi mới hệ thống giáo dục nhân lực y tế từ đào tạo liên tục cho cán bộ đang công tác trong ngành y tế, từ tuyến trung ương tới tuyến địa phương.
Trong giai đoạn 2015-2018, dự án đã tập trung việc rà soát đánh giá nhu cầu, tổ chức đào tạo đội ngũ giảng viên tuyến tỉnh, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu công tác tại Trạm y tế xã/phường bao gồm bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, cán bộ dược, cán bộ quản lý (gọi tắt là đội chăm sóc sức khỏe ban đầu) theo các chương trình do dự án xây dựng và được Bộ Y tế phê duyệt.
Các chương trình đào tạo liên tục của Hợp phần 3 được xây dựng dựa trên việc đánh giá nhu cầu thực tế, lấp khoảng trống trong kiến thức, thái độ và kỹ năng thực hành lâm sàng cho các cán bộ tuyến xã với cách tiếp cận theo nguyên lý y học gia đình – chăm sóc toàn diện, liên tục, phối hợp và lấy người bệnh làm trung tâm, hướng tới dự phòng cho cộng đồng.
Trên cơ sở các chương trình và tài liệu đào tạo được phê duyệt, Ban quản lý dự án HPET đã phối hợp với các trường Đại học Y Dược để tổ chức hơn 30 lớp đào tạo giảng viên nguồn tuyến tỉnh các đối tượng bác sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, cán bộ dược, trưởng trạm trong giai đoạn 2017-2018 cho 15 tỉnh dự án.
Hơn 1100 giảng viên nguồn đối tượng bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, cán bộ dược, trưởng trạm y tế xã đã được đào tạo chuyên môn về định hướng y học gia đình và phương pháp sư phạm y học.
Đến tháng 3/2019, tổng số đã có hơn 250 khóa đào tạo đã được tổ chức cho gần 8.000 cán bộ chăm sóc sức khỏe ban đầu công tác tại trạm y tế xã bao gồm cả bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, cán bộ Dược, cán bộ quản lý trạm y tế xã, đào tạo về siêu âm, y học cổ truyền theo nhu cầu của địa phương nhằm phục vụ công tác triển khai đề án y tế cơ sở.
Cú hích để chuyển đổi mô hình trạm y tế xã
Lần đầu tiên Bộ Y tế triển khai dự án có hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cho cả đội làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở. Từ lãnh đạo trạm y tế, bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, cán bộ dược đều được tham dự các khóa học phù hợp với chuyên môn, vị trí việc làm của mình để có khả năng phối hợp cùng nhau trong công việc hằng ngày.
Kết quả cho thấy, đội ngũ nhân lực chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến y tế cơ sở đã được đào tạo đạt khoảng 80% chỉ tiêu đề ra, cho tất cả các đối tượng: bác sỹ, y sỹ, điều đưỡng, hộ sinh, cán bộ dược và cán bộ quản lý trạm y tế. Số lượng đã đào tạo trong thời gian vừa qua tập trung nhiều tại các tỉnh được sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Liên minh châu Âu.
Báo cáo ban đầu cho thấy đạt và vượt chỉ tiêu mong muốn. Tỷ lệ cán bộ trạm y tế xã sau đào tạo được cải thiện tối thiểu 20% về kiến thức và kỹ năng lâm sàng trong một số trường hợp xác định đạt 80%. Việc tạo đội ngũ chăm sóc sức khỏe ban đầu thời gian qua đã theo đúng mục tiêu, đạt chỉ tiêu, tiến độ và góp phần quan trọng để thực hiện kế hoạch triển khai đề án y tế cơ sở của Bộ Y tế.
Những kết quả trên có ý nghĩa hết sức quan trọng để trạm y tế chuyển đổi một cách nhanh chóng và hiệu quả sang hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Thực tế cho thấy, quá trình tổ chức đào tạo theo nguyên tắc chú trọng đến tính bền vững và tự chủ của các địa phương để sau khi dự án kết thúc các địa phương có đủ năng lực duy trì đào tạo liên tục để nâng cao năng lực cho đội ngũ chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Thời gian qua, với sự hỗ trợ của dự án HPET, các hoạt động về đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Chăm sóc sức khỏe ban đầu công tác tại Trạm Y tế xã theo định hướng y học gia đình và đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu đã góp phần tạo ra một nguồn nhân lực không nhỏ, đóng góp cho việc thực hiện các mục tiêu trong Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới giai đoạn 2018 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo QĐ số 2348/QĐ-TTg (Đề án 2348)./.