Bước đột phá về văn hóa công vụ trong các cơ quan nhà nước

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, kinh tế của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc cả về lượng và chất. Trong giai đoạn 1997-2022, tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân tăng 13,44%/năm. GRDP bình quân đầu người liên tục tăng trưởng, vượt mức bình quân chung của cả nước.

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,54% so với năm 2021, đây là mức tăng cao nhất từ năm 2014 đến nay, cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước và cao hơn so với mục tiêu kế hoạch đề ra (tăng 8,0-9,0%), đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 40.000 tỷ đồng (trong đó, 95% là thu hoạt động sản xuất), bằng 112,3% dự toán, tăng 8,8% so với năm 2021, đây là mức thu đạt cao nhất từ trước tới nay, đưa chỉ số thu ngân sách của tỉnh đạt mốc mới.

Cùng với sự phát triển kinh tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm xây dựng hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có tư duy khoa học, đổi mới, có phương pháp, kỹ năng, phong cách làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, bố trí đúng vị trí việc làm, khung năng lực, tiêu chuẩn chức danh cán bộ.

Từng bước hoàn thiện đồng bộ, đầy đủ, thống nhất hệ thống các quy định, quy chế, quy trình công tác cán bộ đảm bảo khoa học, khách quan, dân chủ, minh bạch, chặt chẽ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp bảo đảm tính kế thừa, liên tục, phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện nghiêm các quy định về kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; ý thức, trách nhiệm, hiệu quả trong giải quyết công việc không ngừng được nâng cao; tinh thần thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức có nhiều chuyển biến tích cực được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về văn hóa công vụ còn có lúc chưa kịp thời, thường xuyên, quyết liệt, chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của văn hóa công vụ đối với hoạt động và sự phát triển của cơ quan nhà nước. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chậm đổi mới, thiếu chủ động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ, chưa nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ chưa cao.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa được siết chặt, còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chưa chấp hành đúng thời gian làm việc, chưa tận tụy với công việc, trang phục chưa lịch sự. Môi trường làm việc của một số cơ quan, đơn vị chưa ngăn nắp, gọn gàng; chưa đảm bảo tính trang nghiêm, chuyên nghiệp của công sở. Trong thực thi nhiệm vụ còn tình trạng giải quyết công việc chậm, muộn, vi phạm kỷ cương hành chính, trong giao tiếp, ứng xử còn chưa lịch sự…

Nguyên nhân do người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các quy định về văn hóa công vụ; nhận thức về tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy chế văn hóa công vụ chưa thường xuyên, kịp thời, tính răn đe chưa cao; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, môi trường làm việc của một số cơ quan chưa đồng bộ, hiệu quả.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành văn bản còn chưa thường xuyên, kịp thời, đã ban hành từ năm 2012 như Chỉ thị số 11 ngày ngày 18/10/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức các ngày kỷ niệm, không uống rượu, bia trong ngày làm việc và không hút thuốc lá nơi công sở; Quyết định số 3569 ngày 5/12/2014 của UBND tỉnh về quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Một trong những đặc trưng của hoạt động công vụ là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước do các công chức, viên chức nhà nước tiến hành theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, phục vụ lợi ích Nhà nước và xã hội. Vì vậy, nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp không chỉ là nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức mà còn là trách nhiệm của các cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Để thực hiện 1 trong 3 giải pháp đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về công tác cán bộ, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trong đó giải pháp đầu tiên đó là lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm các quy định về văn hóa công vụ. Qua đó, nhằm tăng cường thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, đạo đức công vụ; tạo sự chuyển biến rõ nét trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, có năng lực đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới; nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh đối với nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật và củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và bộ máy chính quyền các cấp.

UBND tỉnh đã ban hành ngay các văn bản, quy định để lãnh, chỉ đạo về văn hóa công vụ; đồng thời là cơ chế để xử lý các trường hợp vi phạm quy chế văn hóa công vụ như Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 5/3/2021 về việc tăng cường thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 14/4/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện văn hóa công vụ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 69/2021/QĐ-UBND ngày 25/12/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế văn hóa công vụ tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tỉnh Vĩnh Phúc; Hướng dẫn số 01/HD-SNV ngày 16/6/2022 của Sở Nội vụ về việc giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh và quán triệt sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, ngày 4/3/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Đặc biệt, Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành Đề án về thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao văn hóa công vụ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 để giải quyết tổng thể các nhiệm vụ về văn hóa công vụ như đầu tư, chỉnh trang cơ sở hạ tầng, môi trường và trang thiết bị làm việc, điều chỉnh tăng mức chi phí quản lý hành chính; ban hành quy chế, thể chế, quy trình nghiệp vụ, tiêu chí định hướng cho sự thay đổi tích cực đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; các biện pháp, giải pháp để thay đổi căn bản ý thức, tinh thần, thái độ, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kế hoạch, thời gian, lộ trình thực hiện đổi mới về văn hóa công vụ… tương xứng với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng và hết sức cần thiết.

Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thanh, kiểm tra công vụ. Hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ để kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, văn hóa công sở, đạo đức công vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao văn hóa công sở, đạo đức công vụ; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm trong thực thi công vụ, văn hóa công sở, giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật, phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của UBND tỉnh.

Từ năm 2018, tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ để thực hiện thanh, kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ đối với 377 lượt cơ quan, đơn vị qua kiểm tra đã chỉ ra được tồn tại, hạn chế, đồng thời kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm các trường hợp vi phạm.

Kết quả đã kiểm điểm đối với 36 tập thể và 324 cá nhân, đặc biệt đã kiến nghị kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với 20 cá nhân vi phạm. Qua thanh, kiểm tra và tiếp nhận, xác minh các thông tin được phương tiện thông tin đại chúng và công dân phản ánh cho thấy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã cơ bản chấp hành, thực hiện đúng quy định của Nhà nước.

Công tác kiểm tra công vụ góp phần chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính và thái độ, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; góp phần kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính của công dân, tổ chức; góp phần phòng ngừa, phát hiện các thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong thực thi công vụ; giúp lãnh đạo các cơ quan, đơn vị rút kinh nghiệm, chấn chỉnh các thiếu sót, khuyết điểm của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý.

Việc xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp có vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính đã thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý cán bộ, công chức; có tác dụng tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính cho các đơn vị, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát cơ cấu công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm, thực hiện nghiêm việc sắp xếp theo đúng khung năng lực, bản mô tả vị trí việc làm đã được tỉnh phê duyệt. Qua đó, đã phát huy được trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và sở trường công tác của từng cán bộ; cán bộ có thể thực hiện các công việc có tính tương tác, hỗ trợ lẫn nhau trong chuyên môn nghiệp vụ, sẵn sàng làm ở các vị trí khác nhau để thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ hoặc thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định.

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về đạo đức công vụ nhằm giúp cán bộ, công chức, viên chức nâng cao nhận thức và thực hiện tốt văn hóa công sở, đạo đức công vụ, các quy tắc ứng xử, kỹ năng hoạt động đối thoại, kỹ năng quan hệ với truyền thông trong thế giới hiện đại, kỹ năng trình bày và nói trước công chúng, vai trò điều hành hoạt động công sở.

Đồng thời, siết chặt khâu phân loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức bằng sản phẩm, thực hiện đánh giá hằng quý để việc đánh giá dần đi vào thực chất, đúng người, đúng việc, không cào bằng.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện kỷ cương hành chính luôn được thực hiện thường xuyên, gắn với công tác thanh, kiểm tra công vụ, kiểm tra công tác cải cách hành chính, kiểm tra việc quản lý tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, biên chế, vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Qua thời gian thực hiện các quy định về văn hóa công vụ, nhìn chung các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai và thực hiện tốt các quy định về văn hóa công vụ, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã có những chuyển biến bước đầu trong thực hiện các chuẩn mực về văn hóa công vụ.

Nhiều cơ quan, địa phương kể cả cấp xã đã có những kết quả thay đổi rõ nét như các cơ quan đã thực hiện bài trí, sắp xếp, bố trí, chỉnh trang công sở phù hợp với tình hình thực tế, bãi đỗ xe ngăn nắp, vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng; phong cách làm việc, ứng xử của đội ngũ cán bộ đã thay đổi, dần đi vào nền nếp, chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, thời gian làm việc.

Các cơ quan đang tiến hành sửa đổi, bổ sung ban hành các quy chế, quy trình làm việc…đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp, hiệu quả, phục vụ nhân dân. Số lượng công việc giải quyết chậm muộn giảm cơ bản, không còn quá hạn, chậm hạn kéo dài.

Thực hiện cải cách thủ tục hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về cải cách hành chính được nâng lên; tinh thần, thái độ và ý thức trách nhiệm trong giải quyết công việc được nâng cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và mang lại hiệu quả cao; thể chế, bộ máy các cơ quan hành chính ngày càng hoàn thiện, phát huy dân chủ và thực hiện chế độ công khai, minh bạch.

Nhờ đó, các chỉ số của tỉnh trong những năm gần đây luôn được Trung ương đánh giá nằm trong top đầu các địa phương, cụ thể: Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh năm 2019 đạt 83,37 điểm, xếp vị trí 10/63; năm 2020 đạt 85,41 điểm, xếp vị trí 15/63; năm 2021 đạt 89,28, xếp thứ 5/63 tỉnh thành phố (tăng 10 bậc so với năm 2020).

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc (PAPI) năm 2021 đạt 42,82 điểm, xếp thứ 23/63 tỉnh thành phố; năm 2022 đạt 44,30 điểm, xếp thứ 9/63 tỉnh thành phố, tăng 14 bậc so với năm 2022.

Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc (PCI) năm 2021 đạt 69,69 điểm, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố; năm 2022 đạt 68,91 điểm xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố. Với kết quả nêu trên các chỉ số đều đạt mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Với quan điểm chỉ đạo thực hiện các quy định văn hóa công vụ xuất phát từ yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh để thay đổi căn bản ý thức, tinh thần, thái độ, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tương xứng với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tình hình mới, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp có đủ năng lực xây dựng nền hành chính tiên tiến, hiện đại.

Việc thực hiện các quy định về văn hóa công vụ được UBND tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thực hiện nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Vì vậy, để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, UBND tỉnh tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các chuẩn mực về văn hóa công vụ và tạo thành nền nếp, quy chuẩn trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Để tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, thu hút đầu tư, thực hiện nền kinh tế mở thì các cơ quan nhà nước phải cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp và công dân khi đến giao dịch. Cán bộ, công chức, viên chức là người đầu tiên giao tiếp với tổ chức, doanh nghiệp và công dân, để đội ngũ cán bộ của chúng ta thay đổi theo chiều hướng tích cực thì phải có quy chế, quy trình làm việc khoa học, rõ ràng để chỉ rõ trách nhiệm của từng cán bộ phải tuân thủ những yêu cầu gì trong thực hiện chức trách nhiệm vụ.

UBND tỉnh sẽ quyết tâm chỉ đạo để việc thực hiện các quy định về văn hóa công vụ của tỉnh sẽ làm thay đổi về hình thức (bên ngoài) và nội dung (chất lượng phục vụ) của đội ngũ cán bộ công chức viên chức đã, đang và sẽ hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực cho đội ngũ thực thi công vụ.

Đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi công vụ, cải cách nền hành chính theo hướng phục vụ nhân dân, đáp ứng nhu cầu và tạo niềm tin từ nhân dân.

Nguyễn Phú Sơn

(Giám đốc Sở Nội vụ)

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/94824//buoc-dot-pha-ve-van-hoa-cong-vu-trong-cac-co-quan-nha-nuoc