Buộc Facebook phải nộp thuế

Facebook sẽ không còn đứng ngoài vòng pháp luật nữa, mà phải nộp thuế và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

.

Khóc ròng vì Facebook

Hơn một tháng qua, chị Nguyễn Bảo Linh (Mỹ Đình, Hà Nội), người mở shop hàng online mỹ phẩm, hoa quả, thực phẩm tươi sống ở quê, cứ đăng bài viết, hình ảnh về sản phẩm kèm giá bán là bị Facebook chuyển sang trang bán hàng Marketplace của Facebook.

“Cứ gõ các chữ liên quan đến bán hàng như giá bán, tên nhãn hiệu sản phẩm, hình ảnh lặp lại… là bị Facebook chuyển sang trang bán hàng của họ. Tôi đã dùng thủ thuật tránh các từ bị Facebook nhận diện bằng các ký tự thì lại bị Facebook hạn chế tương tác. Trước đây, một bài đăng có hàng trăm like, share, comment, thì nay chỉ lèo tèo chưa đến 10 lượt tương tác. Lượng bán hàng giảm rất lớn”, chị Linh bức xúc.

Trường hợp khác, chị Hoài Thanh (phố Kim Mã, Hà Nội) mở cửa hàng làm đẹp từ đầu năm 2020. Chị lên trang cá nhân quảng bá các dịch vụ, nhưng bài viết của chị có lượng tương tác rất thấp, thậm chí những khách hàng quen, người thân cũng không thấy các bài viết của chị xuất hiện trên bảng tin của họ.

“Tôi nghĩ, Facebook đang hạn chế bán hàng online trên trang cá nhân, ép những người bán hàng online vào các fanpage để bán quảng cáo. Tôi đã quay lại cách truyền thống là làm bảng điện tử đặt ở vỉa hè. Lượng khách mới đã xuất hiện ngày một tăng”, chị Thanh nói.

Mặt khác, nhiều chủ shop online mua quảng cáo Facebook phản ánh, Facebook ép người bán hàng mua quảng cáo thông qua các đại lý ở Việt Nam.

“Các đại lý đã dùng thủ thuật để tăng lượng tương tác, cạnh tranh với nhau, nên số lượng tương tác tăng, nhưng toàn tài khoản ảo, không có tiềm năng mua hàng. Mặt khác, gần đây, hộp tin nhắn các shop thường bị lỗi, nên việc trả lời, tư vấn cho khách bị trục trặc, gây bất tiện trong kinh doanh”, anh Chu Quang Hùng, chủ shop quần áo ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay.

Gần đây, trên Facebook lan truyền thông tin về việc Facebook hạn chế, thậm chí không cho phép các hình thức rao bán hàng hóa hoặc quảng cáo trên trang cá nhân.

Về thông tin này, đại diện truyền thông của Facebook tại Việt Nam khẳng định: “Đây là thông tin không chính xác”.

Liên quan vấn đề hạn chế bán hàng online trên trang cá nhân, Facebook cho biết, vì không gian bảng tin bị giới hạn số lượng bài hiển thị, nên Facebook ưu tiên những bài đăng từ bạn bè, gia đình của người dùng và các cập nhật tạo ra những cuộc trò chuyện có ý nghĩa. Còn các nội dung được đăng tải công khai, bao gồm cả video, bài viết từ doanh nghiệp thì ít được hiển thị hơn.

Trước việc Facebook chuyển trang cá nhân thành fanpage để dễ bề bán quảng cáo, nhiều shop bán hàng đã chuyển sang các nền tảng mạng xã hội mới miễn phí hoặc trả phí thấp để bán hàng online. Đây chỉ là một trong nhiều vấn đề mà người dùng Việt Nam bức xúc với các chính sách, hoạt động của Facebook.

Thu thuế và luật hóa quy định quảng cáo của Facebook

Facebook đang thu lợi lớn từ quảng cáo tại Việt Nam, nhưng lại đang “né” việc đóng thuế. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2018, doanh thu từ quảng cáo trên Facebook ở Việt Nam khoảng 1 tỷ USD, nhưng chưa đóng thuế. Nếu truy thu thì số thuế thu được có thể lên tới hàng trăm triệu USD.

“Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước có phương án kiểm soát các giao dịch thanh toán xuyên biên giới. Các giao dịch mua bán trên Facebook thực hiện qua thẻ tín dụng, nên ngân hàng có thể kiểm soát được dòng tiền này và sẽ chặn trong trường hợp phát hiện vi phạm”, ông Hùng nói.

Cơ quan thuế Indonesia vừa bổ sung một số doanh nghiệp vào danh sách phải đóng 10% thuế VAT. Đó là Facebook, TikTok, Apple, Walt Disney (Đông Nam Á) và các công ty con của Amazon. Facebook cho biết, họ sẽ tuân thủ quy định mới của Indonesia và bắt đầu nộp thuế VAT từ ngày 1/9/2020.

Còn ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định, các doanh nghiệp xuyên biên giới kinh doanh, có doanh thu, lợi nhuận tại Việt Nam sẽ phải đóng thuế. Theo quy định của Luật Quản lý thuế, cứ phát sinh doanh thu trên lãnh thổ Việt Nam là phải có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế.

“Ngành thuế sẽ phối hợp với các đơn vị như các công ty quản lý về hạ tầng, các ngân hàng thương mại, kể cả các trung gian thanh toán để hỗ trợ ngành thuế chia sẻ thông tin, tăng cường quản lý và làm việc trực tiếp với các công ty công nghệ nước ngoài như Google, Facebook, Amazon...”, ông Minh cho biết.

Trong một diễn biến mới, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013. Nội dung của nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo, đặc biệt là với các hoạt động quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới.

Theo đề xuất của đơn vị soạn thảo nghị định mới, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới trên môi trường mạng có phát sinh doanh thu hoặc có người sử dụng tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, trong đó có luật về quảng cáo, quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải nộp thuế theo quy định pháp luật. Các đơn vị này có nghĩa vụ phải kiểm tra, rà soát sản phẩm quảng cáo để đảm bảo quy định tại Điều 8, Luật Quảng cáo.

Nghị định cũng yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải có giải pháp bảo đảm người phát hành quảng cáo ở Việt Nam có khả năng kiểm soát, phát hiện và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm quy định pháp luật.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/buoc-facebook-phai-nop-thue-d129481.html