Bước khởi đầu cho bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ
'Luồng ủng hộ bình thường hóa bắt nguồn từ chỗ Việt Nam mở cửa Đổi mới, trở thành một thị trường tiềm năng, hứa hẹn nhiều cơ hội làm ăn, hợp tác. Trong số những người ủng hộ, ngoài chính khách các nước, còn có Việt Kiều ở Pháp, Mỹ, Đức, Úc, Thái Lan...' – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết trả lời phỏng vấn Tạp chí Công Thương về chuyện bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Đầu những năm 1990, ông Nguyễn Cơ Thạch đi nhiều nước vận động, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đi nhiều. Mỗi lần Thủ tướng đi, phần lớn có tôi đi cùng. Trong những lần đi, các đối tác, bạn bè của mình đều nói là Việt Nam phải khởi động cùng lúc hai vấn đề, gia nhập WTO, và bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Có một lần ngài Boutros Boutros-Ghali, Tổng Thư ký Liên hợp quốc mời Việt Nam qua Mỹ, trưởng đoàn là tôi. Khi tôi tới nơi, ngài Boutros Boutros-Ghali nói, Bộ trưởng Thương mại Mỹ có nhã ý muốn gặp tôi để bàn những vấn đề hai bên cùng hợp tác, ý của ông thì sao? - Tổng Thư ký Liên hợp quốc hỏi tôi. Tôi đồng ý. Khi hai bên gặp nhau, ông Boutros-Ghali nói, hai ngài biết ý kiến của tôi rồi, một bên muốn gặp một bên đồng ý gặp. Cuộc gặp này có lợi ích cho cả hai bên, có thành công hay không do hai ngài quyết định.
Mở đầu, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ nói, tôi vui mừng thông báo với ngài, Tổng thống Bill Clinton sắp tới sẽ xóa bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam, để xây dựng lại mối quan hệ bình thường giữa hai nước. Tôi thông báo cho ngài thông tin đó và rất vui mừng được nghe ý kiến của ngài trong vấn đề này như thế nào, đặc biệt là ngài Thủ tướng của Việt Nam và ngài Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Việt Nam, chính kiến của hai ngài đó như thế nào?
Tôi biết đây là sự thăm dò ý kiến. Tôi mới nói, tôi rất vui mừng được biết thông tin đó và tôi cũng thấy thông tin đó bổ ích cho cả Mỹ lẫn Việt Nam. Còn chính kiến của Thủ tướng ra sao, của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ra sao thì chắc là tôi còn phải nghe ý kiến của các vị đó.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ nói, tôi muốn nghe ý kiến của ông? Tôi bảo rằng, theo tôi, nếu như ở trong xóm có hai anh hàng xóm đánh lộn nhau, rồi thì họ cũng phải làm lành chứ, họ thù nhau mãi hay sao? Giờ chuyện đã xảy ra từng ấy năm rồi, lịch sử sang trang rồi, chúng ta cứ giữ cái thù hận nhau thì không nên, bất lợi cho bên kia, bất lợi cho bên này. Đây là việc tốt, là cơ sở để xây dựng mối quan hệ giữa hai bên.
- Nếu xây dựng mối quan hệ đó thì phải làm sao? Bộ trưởng Thương mại Mỹ hỏi tiếp.
- Theo tôi, nên để Bộ trưởng Ngoại giao hai nước gặp nhau để bàn. Đồng ý thì lập biên bản, rồi để nguyên thủ hai quốc gia đó có ý kiến.
- Theo ông, ý kiến hai nguyên thủ sẽ thế nào?
Tôi nói có thể “positive” (đồng ý) có thể “negative” (không đồng ý) nhưng tôi nghĩ “positive” phần nhiều hơn.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ nói rất vui vẻ, nếu hai bên bình thường hóa, thì chúng ta hãy phác họa những việc làm sắp tới của hai Bộ trưởng Bộ Thương mại chúng ta.
Sau đó, Chính phủ giao cho Bộ Ngoại giao cùng với Bộ Thương mại chủ trì, chuẩn bị vấn đề này để báo cáo trước Bộ Chính trị. Tinh thần chung là các quan chức của Mỹ và Việt Nam đều vui mừng trước bước tiến triển này.