Bước leo thang mới trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung

Trung Quốc vừa công bố lệnh cấm xuất khẩu sang Mỹ một số khoáng sản quan trọng như gali, germani, antimon và các vật liệu siêu cứng có khả năng ứng dụng trong quân sự, với lý do bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia. Động thái này diễn ra sau khi Mỹ tung đòn trừng phạt thứ ba trong vòng 3 năm qua đối với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc. Các chuyên gia nhận định rằng, lệnh cấm mới khiến cho căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng, đánh dấu một bước leo thang mới trong mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Động thái cứng rắn từ Trung Quốc

Trung Quốc đã chính thức công bố lệnh cấm xuất khẩu sang Mỹ các khoáng sản quan trọng, bao gồm gali, germani, antimon và các vật liệu siêu cứng đóng vai trò chủ chốt trong sản xuất chất bán dẫn và có ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực quân sự. Động thái này được cho là bước đi chiến lược nhằm củng cố vị thế của Trung Quốc trong cuộc đua công nghệ và giảm phụ thuộc vào phương Tây. Theo các chuyên gia, Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán hơn trong chính sách thương mại và bảo vệ lợi ích quốc gia.

 Trung Quốc công bố lệnh cấm xuất khẩu nhiều khoáng sản hiếm sang Mỹ

Trung Quốc công bố lệnh cấm xuất khẩu nhiều khoáng sản hiếm sang Mỹ

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, lệnh cấm này sẽ có hiệu lực ngay lập tức; trong khi đó, các mặt hàng khác như than chì vẫn sẽ được phép xuất khẩu, nhưng với điều kiện phải được kiểm soát chặt chẽ. Bộ cũng yêu cầu giám sát nghiêm ngặt hơn về mục đích sử dụng cuối cùng của than chì xuất khẩu sang Mỹ.

Những nguyên liệu này không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn có vai trò sống còn trong các ngành công nghiệp mũi nhọn. Theo đó, gali và germani là thành phần quan trọng trong sản xuất chip, với germani còn được ứng dụng trong công nghệ hồng ngoại, cáp quang, và năng lượng mặt trời; trong khi đó antimon được sử dụng để chế tạo đạn dược và các loại vũ khí khác. Và than chì là thành phần lớn nhất trong pin xe điện tính theo thể tích.

Lệnh cấm của Trung Quốc được công bố ngay sau khi Mỹ đưa ra đòn giáng thứ ba trong vòng 3 năm qua nhằm vào ngành bán dẫn của Trung Quốc, gồm áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với 140 công ty của Bắc Kinh, cùng với các biện pháp bổ sung khác. Các biện pháp này nhằm kìm hãm tham vọng sản xuất chip của Trung Quốc, bao gồm kiểm soát xuất khẩu chip nhớ tiên tiến, các thiết bị sản xuất chip quan trọng, và siết chặt việc xuất khẩu thiết bị từ các nước thứ ba.

Thêm vào đó, dường như Bắc Kinh đang chuẩn bị tung thêm các biện pháp trả đũa. Hôm 3.12, các tổ chức công nghiệp Trung Quốc kêu gọi thành viên mua chip sản xuất trong nước. Hiệp hội Internet Trung Quốc kêu gọi các doanh nghiệp nội địa cân nhắc kỹ trước khi mua chip Mỹ và tìm kiếm đối tác từ các quốc gia khác; đồng thời khuyến khích sử dụng chip từ các nhà sản xuất trong nước hoặc từ các doanh nghiệp quốc tế đặt tại Trung Quốc.

Peter Arkell, Chủ tịch Hiệp hội Khai thác toàn cầu của Trung Quốc nhận định rằng: “Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc phản đòn bằng cách siết chặt nguồn cung khoáng sản chiến lược. Nhưng đây là một cuộc chiến thương mại mà không bên nào thực sự chiến thắng”.

Tác động đến Mỹ ra sao?

Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết đang đánh giá động thái mới nhất của Bắc Kinh. Các quan chức nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “tăng cường nỗ lực với các quốc gia khác để giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa chuỗi cung ứng quan trọng khỏi Trung Quốc”.

 Trung Quốc công bố lệnh cấm xuất khẩu một số khoáng sản quan trọng trong đó có antimon sang Mỹ

Trung Quốc công bố lệnh cấm xuất khẩu một số khoáng sản quan trọng trong đó có antimon sang Mỹ

Tương lai của ngành bán dẫn dành cho các thiết bị quốc phòng Mỹ phụ thuộc vào nguồn cung cấp gallium và germanium tinh khiết ổn định. Một báo cáo gần đây của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ dự tính, GDP nước này có thể giảm 3,4 tỷ USD nếu Trung Quốc thực hiện lệnh cấm hoàn toàn xuất khẩu gali và germani. Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã sản xuất 98% nguồn cung gali thô của thế giới vào năm 2023. Trung Quốc hiện nắm giữ 94% sản lượng gali, 83% sản lượng germani toàn cầu và chiếm gần một nửa sản lượng antimon toàn cầu. Theo công ty tư vấn Project Blue, năm nay Trung Quốc sản xuất 59,2% lượng germani tinh chế và 98,8% gali tinh chế toàn cầu.

Trong biện pháp được đưa ra lần này, Trung Quốc không cấm hoàn toàn việc xuất khẩu graphite, nhưng sẽ tiếp tục siết chặt hơn nữa quy định hạn chế xuất khẩu nguyên liệu này, vốn được áp đặt từ năm 2023. Trung Quốc hiện chiếm 77% sản lượng graphite tự nhiên, hơn 95% sản lượng graphite tổng hợp và gần 100% công suất tinh chế graphite toàn cầu. Trong khi đó, trữ lượng graphite của Mỹ chỉ dưới 1% toàn cầu và nước này hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. Mặc dù một số dự án sản xuất graphite tổng hợp đang được triển khai, nhưng năng lực sản xuất vẫn còn hạn chế.

Vì vậy, Mỹ cần phải triển khai các chính sách khuyến khích và công cụ tài chính để thúc đẩy đầu tư với các nước đối tác nhằm bảo đảm nguồn cung cấp các tài nguyên thiết yếu. Trước những quy định hạn chế mới về graphite, các khoản đầu tư vào ba quốc gia châu Phi là Madagascar, Mozambique và Tanzania sẽ rất quan trọng. Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (USIDFC) đã cấp khoản vay 150 triệu USD cho một dự án khai thác graphite tại Mozambique trong năm nay.

Hiện tại, lệnh cấm lần này dù có tác động hạn chế; tuy nhiên, Trung Quốc có vị thế thống trị không chỉ 4 loại khoáng sản này mà còn nhiều mặt hàng khác, việc siết chặt kiểm soát xuất khẩu hơn nữa rất có khả năng xảy ra khi chính quyền mới của ông Donald Trump lên nắm quyền, với các chính sách thuế quan mạnh mẽ và tiền lệ về bất đồng thương mại với Trung Quốc.

Ảnh hưởng toàn cầu

Trung Quốc đang gia tăng sức ép trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực chip và khoáng sản quan trọng. Những động thái này không chỉ đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn buộc các quốc gia khác phải tìm kiếm chiến lược tự chủ mới để giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh; ông Jack Bedder - người đồng sáng lập công ty tư vấn Project Blue cho biết: “Động thái này là sự leo thang đáng kể của căng thẳng trong chuỗi cung ứng, nơi khả năng tiếp cận nguyên liệu thô vốn đã eo hẹp ở phương Tây”.

Theo Guardian trích dẫn dữ liệu từ hải quan Trung Quốc cho biết, thực tế các lô hàng gali, germani và antimon xuất sang Mỹ đã giảm đáng kể năm nay, sau khi Bắc Kinh áp dụng biện pháp hạn chế từ 2023. Theo đó, giá ba loại kim loại này liên tục tăng. Giá gallium tăng hơn 23%, hiện ở mức trên 930 USD mỗi kilogam do nhu cầu đi lên của ngành bán dẫn, viễn thông và năng lượng tái tạo. Việc hạn chế xuất khẩu loại nguyên liệu này của Trung Quốc sang Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản năm ngoái đã đẩy giá lên cao, khi các công ty phương Tây tranh giành nguồn cung hạn chế.

Giá antimon đã tăng gấp đôi trong năm nay, lên hơn 25.000USD một tấn. Một số công ty phương Tây thấy trước tình hình và đã có sự chuẩn bị. Military Metals (Canada) gần đây mua lại các mỏ antimon tại Bắc Mỹ và châu Âu. Họ đặt mục tiêu cung cấp cho phương Tây nguồn vật liệu này độc lập để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Việc nước này cấm bán các kim loại làm chip cho Mỹ, cùng với đó là sự trở lại của ông Donald Trump vào 2025 với lập trường cứng rắn có thể càng áp lực lên nguồn cung và giá cả. Khi ấy, Áo sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên chịu ảnh hưởng, bởi các dự án năng lượng tái tạo nước này ước tính sẽ cần gấp 4,5 lần sản lượng gallium toàn cầu hiện tại. Con số này cho thấy quy mô của sự thiếu hụt sắp xảy ra, khi kim loại này trở thành một phần không thể thiếu trong các kế hoạch về năng lượng và môi trường của một số nước.

Thêm vào đó, do sự phổ biến ngày càng tăng của các hệ thống hỗ trợ lái tiên tiến (ADAS), germani trở thành vật liệu chủ chốt trong các thiết bị nhìn ban đêm và camera nhiệt. Việc mở rộng ứng dụng của vật liệu này trong phát hiện điểm mù, lái xe tự động và tự động hóa an ninh dự kiến sẽ đẩy nhu cầu lên mức chưa từng có. Trong bối cảnh hiện nay, các nước châu Âu và Bắc Mỹ đang tiết kiệm germani bằng các giải pháp tái chế, nhưng vẫn không đủ và buộc phải nỗ lực tìm nguồn cung.

Chuyên gia Claire Reade của Arnold & Porter cho rằng, nhìn chung Trung Quốc dần quyết đoán hơn trong nỗ lực thoát khỏi phụ thuộc phương Tây. Nhiều chuyên gia cho rằng, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai cường quốc sẽ ảnh hưởng đến lệnh cấm khoáng sản và đây là một cuộc chơi chiến lược dài hạn, nơi lợi ích kinh tế, an ninh và vị thế chính trị đều được đặt lên bàn cân. Trong tương lai, các quốc gia khác, bao gồm cả những đồng minh của Mỹ, sẽ buộc phải cân nhắc lại vị trí của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi đối mặt với sự thay đổi chính sách quyết liệt từ Trung Quốc.

Châu Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/buoc-leo-thang-moi-trong-cuoc-chien-cong-nghe-my-trung-post398543.html