Bước ngoặt đáng chú ý trong chính sách tiền tệ của FED
Sau 4 lần tăng liên tiếp vào năm ngoái, trong năm 2019, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 3 lần cắt giảm lãi suất cơ bản.
Đây là bước ngoặt lớn và đáng chú ý trong chính sách tiền tệ của FED, phản ánh đánh giá của giới chức ngân hàng này rằng các nguy cơ đối với nền kinh tế đầu tàu thế giới đã thay đổi đáng kể trong năm qua do tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu, căng thẳng thương mại leo thang và sức ép lạm phát.
Các nhà hoạch định chính sách của FED dường như tin rằng 3 lần hạ lãi suất trong năm qua đã giúp tạo ra một cú "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế Mỹ. Nhằm ngăn chặn một "sự thay đổi lớn" trong triển vọng tăng trưởng kinh tế, FED có kế hoạch giữ nguyên lãi suất đến hết năm 2020.
Một năm trước, FED đã nâng phạm vi lãi suất mục tiêu từ 2,25% lên 2,5% trong lần tăng lãi suất thứ 4 trong năm 2018 và lần thứ 9 kể từ cuối năm 2015 khi ngân hàng này bắt đầu tiến trình bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Thời điểm đó, các quan chức FED khẳng định cần tiếp tục tăng lãi suất ít nhất 2 lần vào năm 2019 để kiềm chế đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ và duy trì lạm phát dưới mức mục tiêu 2%. Tuy nhiên, do những rủi ro gia tăng đe dọa tăng trưởng kinh tế Mỹ, FED đã thay đổi quan điểm vào đầu năm 2019, khẳng định không vội tăng lãi suất trong tương lai.
Tháng 3/2019, FED để ngỏ khả năng giữ nguyên lãi suất cơ bản trong những tháng còn lại của năm, đồng thời công bố kế hoạch ngừng thu hẹp bảng cân đối kế toán vào tháng 9 nhằm nới lỏng chính sách tiền tệ. Đến tháng 7, FED đã lần đầu tiên hạ lãi suất sau hơn 1 thập kỷ, trong bối cảnh gia tăng mối lo ngại về căng thẳng thương mại, kinh tế toàn cầu giảm tốc và sức ép lạm phát.
Sau khi thị trường trái phiếu Mỹ hồi tháng 8 phát tín hiệu cảnh báo về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới, FED đã tiếp tục cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và tháng 10. Với những điều chỉnh chính sách này, phạm vi lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ hiện được áp dụng ở mức 1,5-1,75%.
Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu và căng thẳng thương mại gia tăng là những yếu tố đang đè năng lên nền kinh tế Mỹ. Ông nhấn mạnh FED thay đổi quan điểm trong chính sách tiền tệ là để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ giải quyết những thách thức đe dọa tăng trưởng, cũng như cung cấp một số "sự đảm bảo" để ứng phó với các rủi ro kết hợp.
Số liệu thống kê của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy kinh tế nước này trong quý III/2019 tăng trưởng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng nhẹ so với mức 2% trong quý II nhưng giảm mạnh so với mức 3,1% trong quý I đầu năm.
Giữa tháng 10 vừa qua, các nhà hoạch định chính sách của FED tuyên bố bắt đầu mở rộng bảng cân đối kế toán, với việc mua 60 tỷ USD tín phiếu kho bạc Mỹ mỗi tháng nhằm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Biện pháp này phần nào đảo ngược quá trình thu hẹp bảng cân đối kế toán được ngân hàng này thực hiện kể từ tháng 10/2017.
Tuy nhiên, ông Powell cho biết chương trình mua tín phiếu kho bạc khác với chương trình thu mua trái phiếu hoặc nới lỏng định lượng mà FED triển khai trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, do biện pháp này nhằm tạo điều kiện cho vay ngắn hạn để giúp kiểm soát lãi suất cơ bản.
Theo dự báo của các quan chức FED công bố mới đây, lãi suất cơ bản trung bình của FED được dự báo ở mức 1,6% vào cuối năm 2020, cho thấy nhiều khả năng ngân hàng này sẽ không cắt giảm hoặc tăng lãi suất trong năm tới.
Nhà kinh tế trưởng Joseph Brusuelas của hãng tư vấn, kiểm toán và thuế RSM US LLP dự báo FED sẽ giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 đang đến gần. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế tại công ty quản lý đầu tư toàn cầu PIMCO, Tiffany Wilding, cho rằng những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế Mỹ kể từ khi FED hạ lãi suất vào tháng 10 vừa qua dường như đã củng cố niềm tin của ngân hàng này rằng sự "điều chỉnh giữa chu kỳ" đã giúp nền kinh tế "hạ cánh mềm".
Tuần trước, Chủ tịch FED chi nhánh Boston, Eric Rosengren, cũng cho rằng FED sẽ không thay đổi chính sách lãi suất do triển vọng lạc quan của kinh tế Mỹ trong năm 2020. Theo ông, FED nên áp dụng lộ trình lãi suất thận trọng và chỉ nên tăng lãi suất nếu có một sự "thay đổi lớn" đối với triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng tỷ lệ lạm phát thấp có thể sẽ khiến FED cắt giảm lãi suất ít nhất 1 lần nữa trong năm 2020.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần gây sức ép yêu cầu FED phải hạ lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trên mạng Twitter tuần trước, ông Trump nói: "Sẽ thật tuyệt nếu FED tiếp tục cắt giảm lãi suất và nới lỏng định lượng. Đồng USD đang rất mạnh so với các đồng tiền khác và gần như không có lạm phát. Đây là thời điểm để làm điều đó".