Bước ngoặt 'lành ít dữ nhiều' của Syria

Syria đứng trước bước ngoặt mang tính lịch sử sau khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ, nhưng đây là một bước ngoạt được dự báo nhiều bất định và đầy thách thức.

Ngày 7/12, một cuộc họp quan trọng đã diễn ra tại Doha (Qatar) với sự tham dự của các đại diện từ Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út, Iraq, Ai Cập, Jordan và Qatar. Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh lực lượng nổi dậy đã tiến sát thủ đô Damascus của Syria chỉ sau 10 ngày phát động tấn công.

Kết quả là các bên đã đồng thuận về việc chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad không thể tiếp tục tồn tại và kêu gọi một quá trình chuyển đổi chính trị khẩn cấp. Trong đêm đó, Tổng thống al-Assad đã bí mật cùng gia đình rời Damascus để bay sang Nga tị nạn.

"Không ai tin rằng điều đó (chính quyền Assad sụp đổ) có thể xảy ra", Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cho biết trên truyền hình. "Điều đáng ngạc nhiên là đầu tiên, quân đội Syria không có khả năng đối phó với tình hình, và thứ hai, tốc độ sụp đổ diễn ra quá nhanh".

Những diễn biến chớp nhoáng tại Syria đã làm đảo lộn tình hình địa chính trị không chỉ ở quốc gia này, mà còn là cả khu vực Trung Đông.

"Vết xe đổ" của Lybia

Syria hiện tại đang đứng trước nhiều thách thức phức tạp. Với dân số hơn 23 triệu, bao gồm nhiều nhóm sắc tộc như Arab, Alawite, Druze và Kurd … cùng nhiều tôn giáo khác nhau như Hồi giáo với các hệ phái lớn nhỏ và Thiên Chúa giáo, việc quốc gia này có thể duy trì ổn định và ngăn chặn nguy cơ xung đột trước mắt là một nhiệm vụ khó khăn.

Bản thân lịch sử Syria cũng chứa đựng nhiều bất ổn, khi đã chứng kiến 20 cuộc đảo chính lớn nhỏ suốt gần 30 năm kể từ thời điểm giành độc lập năm 1946. Đến năm 1970, tướng Hafez Al-Assad lên nắm quyền và tiếp tục mở ra thời kỳ cai trị kéo dài 53 năm của gia tộc mình, cho đến khi người con trai thứ hai của ông, Tổng thống Bashar al-Assad, bị lật đổ sau hơn 1 thập kỷ nội chiến.

Một tay súng phiến quân đứng trước đám đông đang ăn mừng việc lật đổ chế độ Tổng thống Assad ở trung tâm Damascus, Syria. Ảnh: The Washington Post

Một tay súng phiến quân đứng trước đám đông đang ăn mừng việc lật đổ chế độ Tổng thống Assad ở trung tâm Damascus, Syria. Ảnh: The Washington Post

“Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc”, Geir O. Pedersen - Đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Syria, cảnh báo, đồng thời cho biết nhiều bên trong khu vực vẫn tỏ ra lo ngại đối với Hay’at Tahrir al-Sham (HTS), lực lượng chính lãnh đạo phe nổi dậy và hiện nắm quyền hành lớn nhất tại Syria. Các lãnh đạo chủ chốt của HTS trong quá khứ đều có mối liên hệ với 2 tổ chức khủng bố khét tiếng là Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Theo ông Pedersen, một kịch bản tương tự Lybia sau khi nhà lãnh đạo Muammar al-Gaddafi bị lật đổ có nguy cơ lặp lại đối với Syria, nhất là trong bối cảnh có tới 6 lực lượng vũ trang và sắc tộc khác nhau cùng tuyên bố chủ quyền ở quốc gia vốn nhiều bất ổn này. “Sẽ cần một phép màu trong những ngày và tuần tới để đảm bảo mọi thứ không trở nên tồi tệ ở Syria”, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.

"Tứ bề thọ địch"

Thủ lĩnh HTS Ahmed al-Sharaa, người vốn được biết đến với bí danh Abu Mohammed al-Jolani, đã cam kết chính quyền mới sẽ không “đi vào vết xe đổ” của Iraq sau năm 2003 hay một số nước sau phong trào “Mùa xuân Arab”. Dù vẫn bị phương Tây truy nã do quá khứ từng tham chiến cho cả Al-Qeada và IS, al-Sharaa giờ đây đang cố gắng thay đổi hình ảnh bản thân theo cách “ôn hòa” hơn, khi thường xuyên sử dụng tên thật và giao quyền điều hành đất nước cho một chính phủ dân sự.

Tuy nhiên, tình hình trước mắt còn nhiều bất ổn với việc IS manh nha hoạt động trở lại, cùng những căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng dân quân người Kurd ở phía Bắc Syria. Cùng thời điểm, lực lượng phòng vệ Israel đã tiến vào một phần lãnh thổ Syria và thực hiện nhiều cuộc không kích phá hủy các kho vũ khí và cơ sở hạ tầng quân sự trọng yếu của nước này.

Như vậy, chỉ 1 tuần sau khi chế độ Tổng thống Assad bị lật đổ, 3 cường quốc đã thực hiện các chiến dịch quân sự riêng biệt trên lãnh thổ Syria: Mỹ chống IS, Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào các lực lượng người Kurd, và Israel tấn công các mục tiêu quân sự ở Syria.

Trong khi đó, các nước láng giềng vẫn theo dõi tình hình bên trong Syria với tâm lý dè chừng. Sở hữu vị trí chiến lược khi giáp với 5 quốc gia Trung Đông, và là điểm giao thoa của nhiều tôn giáo và tư tưởng khác nhau, Syria từ lâu đã có tầm quan trọng đặc biệt trong khu vực. Do đó, sự thay đổi cán cân quyền lực ở Damascus cũng đồng thời thay đổi cục diện địa chính trị khu vực, từ trục liên minh Iran-Iraq-Lebanon tới trục Thổ Nhĩ Kỳ-Jordan- các nước Vùng Vịnh.

Theo Ibrahim Hamidi – nhà báo Syria lưu vong tại Ả-rập Xê-út, nội chiến tại đất nước của ông có nguy cơ tiếp diễn nếu bên thắng cuộc tìm cách trả thù, các lực lượng nổi dậy gặp bất đồng và các thế lực nước ngoài cố gắng can thiệp bằng ngoại giao hoặc vũ lực. “Việc chế độ Assad sụp đổ là là một phép màu, nhưng vẫn còn nhiều thách thức và vấn đề khó khăn ở phía trước”, ông cho biết.

Dù vậy, vẫn có những cơ hội để đất nước này tránh được kịch bản xấu nhất. Quá trình chuyển đổi chính trị theo Nghị quyết 2254 của Liên Hợp Quốc, cùng với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và mong muốn hòa bình của người dân Syria, có thể giúp đất nước này vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại và hướng tới một tương lai ổn định hơn.

“Người Syria đang kiệt sức sau cuộc chiến kéo dài suốt 13 năm qua, nhưng nếu nhận thức được những hiểm nguy, họ vẫn có thể vượt qua chúng”, nhà báo Hamidi nhận định.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/buoc-ngoat-lanh-it-du-nhieu-cua-syria.html