Bước ngoặt mới cho Lương An Trà

Cùng với hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM), đời sống vật chất và tinh thần của người dân xã Lương An Trà (Tri Tôn, An Giang) cũng được nâng lên. Trong tương lai gần, Lương An Trà càng có điều kiện vươn mình phát triển khi nhiều dự án lớn được doanh nghiệp đến đây đầu tư. Cùng với đó, cụm công nghiệp Lương An Trà hình thành góp phần tạo việc làm tại chỗ cho người dân.

Niềm vui nông thôn mới

Sáng nay (24-7), UBND huyện Tri Tôn long trọng tổ chức lễ công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã Lương An Trà đạt chuẩn “Xã NTM” năm 2019 (Quyết định số 3261/QĐ-UBND, ngày 31-12-2019, do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình ký). Đây là niềm vui, sự mong đợi bấy lâu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lương An Trà khi buổi lễ đã bị trì hoãn tổ chức do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.

Không vui sao được khi mấy mươi năm trước, thời điểm xây dựng kinh tế mới, xã Lương An Trà được biết đến như một vùng đất “khỉ ho cò gáy”. Rất nhiều nông dân đến đây khai hoang, mở đất phải nản lòng khi đụng “rốn phèn”, sạ lúa thì lúa chết, nước ngọt không có mà dùng. “Thời đó dân cư thưa thớt, chỉ những người nghèo khó lắm mới bám trụ với vùng đất này” - ông Nguyễn Lợi Đức (một trong những nông dân lập nghiệp thành công ở xã Lương An Trà) chia sẻ.

Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi. Lương An Trà nằm trên tuyến đường quan trọng Tri Tôn - Vàm Rầy, nối An Giang xuống Hà Tiên (Kiên Giang). Cùng với tuyến đường chính qua trung tâm xã, 28 tuyến đường giao thông nông thôn được nâng cấp, mở rộng với chiều dài hơn 40km, đảm bảo không lầy lội mùa mưa. Dọc các tuyến kênh, tuyến đường nông thôn, hệ thống 13 cây cầu bê-tông cốt thép cùng nhiều cầu treo kết nối thông suốt.

Người dân có thể “bon bon” xe máy đến tận mảnh ruộng của mình; vận chuyển hàng hóa, nông sản dễ dàng bằng xe cơ giới. Tất cả 11 tuyến kênh do xã Lương An Trà quản lý đều được UBND xã huy động, kêu gọi nhân dân đóng góp nạo vét, đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất toàn bộ 18.000ha đất của bà con nông dân (đạt 100%).

Chủ tịch UBND xã Lương An Trà Lê Văn Dùm cho biết, cùng với hoàn thành xây dựng NTM, đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng được nâng lên. Đến nay, toàn xã có 1.886/1.917 hộ sử dụng điện an toàn thường xuyên, đạt tỷ lệ 98,38%. Trong số 4 trường học trên địa bàn xã, có 3 trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất (tỷ lệ 75%).

Cùng với nhà văn hóa ngoài trời rộng rãi, xã Lương An Trà còn xây dựng được 2 điểm sinh hoạt, vui chơi giải trí cho người già và trẻ em. Các câu lạc bộ bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, võ thuật (vovinam) ra đời và thường xuyên tập luyện. Tất cả 5 ấp (Cà Na, Giồng Cát, Ninh Phước, Cây Gòn và Phú Lâm) đều được xây dựng mới Văn phòng Ban Nhân dân ấp, có điểm hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao từ 300m2 trở lên...

Tiếp tục nỗ lực

Từ vùng đất chỉ sản xuất 1 vụ/năm nhưng thường xuyên thất bát, nông dân Lương An Trà giờ đây đã canh tác được liên tục 3 vụ lúa/năm, đẩy mạnh áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, cơ giới hóa vào đồng ruộng. Ông Dùm cho biết, cùng với cây lúa, nông dân còn chuyển đổi trồng hoa màu, trồng cây dược liệu, mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế vườn, chăn nuôi gia súc... mang lại hiệu quả cao, đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng trong cải thiện phát triển kinh tế hộ gia đình.

Được UBND tỉnh cho chủ trương thành lập cụm công nghiệp, lợi thế đất rộng của xã Lương An Trà đã thu hút nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn như: Trịnh Văn Phú, gạo Hạnh Phúc, Hải Thuận, Việt Thắng... Qua đó, đã giải quyết được việc làm tại chỗ cho một số lượng lớn lao động của địa phương, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã đến cuối năm 2019 đạt hơn 46 triệu đồng/người/năm; kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2,97%.

Chủ tịch UBND xã Lương An Trà Lê Văn Dùm cho biết, dù được công nhận đạt chuẩn “Xã NTM” nhưng địa phương không thỏa mãn, chủ quan, tiếp tục phân công chặt chẽ nhiệm vụ, thực hiện các giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Các ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể xã đều có kế hoạch tập trung thực hiện các tiêu chí có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình trong những năm tiếp theo.

Địa phương sẽ vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cộng đồng tham gia đầu tư phát triển sản xuất, dịch vụ và xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng ở nông thôn. Qua đó, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng NTM theo hướng bền vững.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/buoc-ngoat-moi-cho-luong-an-tra-a279103.html