Bước ngoặt mới cho rừng tràm Trà Sư

Việc đầu tư phát triển các loại hình du lịch mới trong 'Bảo tàng tràm nhiệt đới' rừng tràm Trà Sư mang lại nhiều lợi ích, vừa nâng cao ý thức về bảo tồn hệ sinh thái rừng tràm, vừa khai thác hiệu quả các dịch vụ, kinh tế từ rừng. Trong đó, việc đón nhận kỷ lục Việt Nam 'Rừng tràm Trà Sư - Rừng tràm đẹp và nổi tiếng nhất ở Việt Nam để du lịch vào mùa nước nổi' và kỷ lục 'Cầu tre trong rừng tràm dài nhất Việt Nam' được xem là bước ngoặt mới trong thu hút du khách đến với vùng Bảy Núi.

Hấp dẫn du khách

Biết thông tin Điểm du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, Tịnh Biên, An Giang) vừa đưa vào sử dụng “cầu tre vạn bước”, vợ chồng anh Đặng Sơn Bình và Lê Thị Thu Cúc (ngụ quận 9, TP. Hồ Chí Minh) cùng 2 con tranh thủ ghé tham quan, chụp hình “check-in” dịp năm mới. “Tôi quê xã An Phú (Tịnh Biên) nên rừng tràm Trà Sư đối với tôi khá quen thuộc. Tuy nhiên, sinh sống và làm việc nhiều năm ở TP. Hồ Chí Minh, nay ghé rừng tràm Trà Sư thấy thay đổi rất nhiều.

Thong thả trên cây cầu tre, ngồi xuồng bơi tay ngắm chim, cò hay tản bộ giữa 2 hàng rừng tràm rợp bóng mát nghe chim hót như thấy cuộc sống nhẹ nhàng, sảng khoái, tạm quên đi những mệt mỏi, bộn bề của phố thị. Hai đứa con tôi sinh ra và lớn lên ở TP. Hồ Chí Minh nên thấy cảnh đẹp của rừng tràm, được chơi đùa với bồ câu, chúng rất thích. Tôi nghĩ đây sẽ là điểm du lịch hấp dẫn” - anh Bình nhận xét.

Cầu tre là điểm nhấn trong rừng tràm Trà Sư

Sức hút của rừng tràm Trà Sư được thể hiện rõ qua con số khi năm 2019, nơi đây đã đón trên 200.000 lượt khách đến tham quan, du lịch, trong đó khách quốc tế chiếm gần 11.000 lượt. Giám đốc Điểm du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư Đinh Quang Thái cho biết, khi đưa vào khai thác giai đoạn 1 của “cầu tre vạn bước” (từ ngày 1-1-2020), lượng du khách đến đây đông đảo hơn, nhất là khách quốc tế. “Du khách sau khi mua vé xong, sẽ được tắc ráng luân chuyển vượt qua kênh Trà Sư, trước hết là chiêm ngưỡng “lâu đài bồ câu” và chơi đùa với những chú chim bồ câu thân thiện khi mang thức ăn cho chúng.

Tiếp theo, du khách có thể lựa chọn đi tắc ráng len lỏi vào rừng hoặc tự do khám phá, “check-in” bằng “cầu tre vạn bước” xuyên qua rừng. Sau đó, du khách chia nhỏ ra ngồi xuồng bơi tay chầm chậm để ngắm những loài chim quý hiếm, đắm mình trong những âm thanh líu lo của chim chóc, hòa mình với thiên nhiên.

Xuồng cập lại bến, du khách có thể tản bộ trong rừng rậm bóng mát, tận hưởng không khí trong lành, có thể leo lên tháp quan sát cao 25m chiêm ngưỡng cả một vùng rừng tràm xanh bao la ngút ngàn. Sau khi đã chơi vui, nhà hàng sẽ phục vụ các món ăn dân dã, đồng quê như: bánh xèo rau rừng, cá lóc nướng trui, gà hấp lá chúc…” - ông Thái giới thiệu.

Xứng danh “Bảo tàng tràm nhiệt đới”

Sau sự kiện công bố kỷ lục Việt Nam “Rừng tràm Trà Sư - Rừng tràm đẹp và nổi tiếng nhất ở Việt Nam để du lịch vào mùa nước nổi” và “Cầu tre trong rừng tràm dài nhất Việt Nam”, rừng tràm Trà Sư càng nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, ít người biết rằng, để đạt những kỷ lục này là quá trình phấn đấu không mệt mỏi.

Theo Chi cục Kiểm lâm An Giang, năm 1983, rừng tràm Trà Sư do Lâm trường Tịnh Biên quản lý vẫn là 1 vùng trũng hoang hóa, bị nhiễm phèn nặng nên không thể trồng lúa, chỉ có cây tràm thích nghi và phát triển tốt. Do vậy, Tổ lâm nghiệp (thuộc Phòng Nông nghiệp huyện Tịnh Biên) đã trồng tràm để cải tạo đất và ngăn lũ đầu nguồn.

Đến nay, rừng tràm Trà Sư đã phát triển được 845ha, giữ vai trò rất quan trọng đối với môi trường nước và điều hòa khí hậu cho cả vùng Bảy Núi. Nơi đây có hàng ngàn cá thể chim, cá, lưỡng cư, loài bò sát, côn trùng quý hiếm, nằm trong sách đỏ sinh sống trong rừng, tạo nên sự đa dạng của hệ sinh thái đất ngập nước, bảo tồn nguồn gen tốt.

Năm 2003, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đồng ý đề xuất của UBND tỉnh, xây dựng rừng tràm Trà Sư trở thành Khu bảo tồn thiên nhiên để mọi người đến tham quan và nghiên cứu khoa học. Năm 2017, theo chủ trương xã hội hóa ngành du lịch, UBND tỉnh đã đồng ý giao cho Công ty Cổ phần du lịch An Giang (thành viên Tập đoàn Sao Mai) thuê 159ha cảnh quan môi trường rừng tràm Trà Sư làm du lịch.

Công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng “thay áo mới” bằng xây dựng chuỗi hạng mục: khu cầu tàu trung tâm, sân ngắm chim, công viên hoa, bè hoa, khu dịch vụ ăn uống, quầy kinh doanh đặc sản An Giang, nạo vét các luồng lạch, mua sắm mới hàng chục phương tiện đưa rước khách, bổ sung thêm các giống loài động - thực vật quý hiếm…

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, nhờ sự chủ động, tích cực của ngành nông nghiệp, các sở, ngành và Tập đoàn Sao Mai nên rừng tràm Trà Sư đã được Hội Kỷ lục gia Việt Nam trao 2 bằng chứng nhận xác lập kỷ lục “Rừng tràm Trà Sư - Rừng tràm đẹp và nổi tiếng nhất ở Việt Nam để du lịch vào mùa nước nổi” và “Cầu tre trong rừng tràm dài nhất Việt Nam”. Những kỷ lục này sẽ tạo thêm điểm nhấn du lịch hấp dẫn, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch An Giang, cũng như đóng góp trở lại vào công tác bảo vệ rừng.

Từ 30 tháng Chạp đến mùng 3 Tết Nguyên đán Canh Tý sắp tới, Điểm du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư còn phục vụ buffet Lộc Xuân với các loại bánh dân gian, trái cây, nước uống, phát miễn phí cho khách đến tham quan.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/buoc-ngoat-moi-cho-rung-tram-tra-su-a262658.html