Bước ngoặt nào cho Thổ Nhĩ Kỳ?
Vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ xem như đã bắt đầu vào ngày 20/5, khi các công dân Thổ Nhĩ Kỳ ở nước ngoài tiến hành bỏ phiếu.
Ngày 28/5 tới, cuộc bầu cử vòng 2 trên toàn quốc sẽ chính thức diễn ra. Và, không phải ngẫu nhiên, các chuyên gia phân tích quốc tế xem đây sẽ là một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất thế giới trong năm 2023.
Hai tầm nhìn về phía tương lai
“Một người không hề biết e ngại về tình trạng hỗn loạn và luôn tôn vinh quá khứ Hồi giáo của Thổ Nhĩ Kỳ. Người kia hứa hẹn đem đến cho đất nước bị chia rẽ sâu sắc ấy một tương lai yên bình và thịnh vượng hơn” - hãng thông tấn AFP đặt đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cùng đối thủ của ông, Kemal Kilicdaroglu “lên bàn cân”.
Dĩ nhiên, AFP, cũng như “những người khổng lồ thông tấn phương Tây” khác, như AP hay Reuters, vẫn thể hiện những quan điểm không được công bằng cho lắm, phản chiếu cách mà các cường quốc phương Tây đánh giá về Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, kể từ sau những biến động chính trị năm 2016, cũng như cách hành xử “ương ngạnh” của ông trong quãng thời gian tiếp nối.
Dù vậy, AFP vẫn cố gắng tỏ ra khách quan: “Erdogan là người đã lớn lên từ một khu vực nghèo khó của Istanbul, để trở thành nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Tín đồ Hồi giáo sùng đạo 69 tuổi ấy là “cơn đau đầu kinh niên” dành cho phương Tây, song lại là người hùng đối với các tầng lớp lao động Thổ Nhĩ Kỳ”. Nói như Sennur Henek, một công dân Thổ Nhĩ Kỳ 48 tuổi: “Erdogan là thủ lĩnh, còn chúng tôi là binh sĩ của ông ấy”.
Trong khi đó, ông Kilicdaroclu - là một cựu công chức xuất thân từ nhóm người Kurd bị đàn áp trong lịch sử, người đã nhiều lần thất bại trước ông Erdogan. Tuy nhiên, những cuộc trò chuyện thẳng thắn với cử tri, được ghi hình trực tiếp từ... nhà bếp, đã biến người đàn ông 74 tuổi ấy thành một ngôi sao trên mạng xã hội. Ông Kilicdaroclu từng cam kết sẽ nghỉ hưu sau khi “truất phế” được ông Erdogan, để “dành thời gian cho đàn cháu nhỏ”.
Một cách ngắn gọn, trong mắt truyền thông phương Tây và một bộ phận cử tri Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan đại diện cho trật tự thủ cựu, mang khuynh hướng độc tài, còn ông Kilicdaroclu nổi lên như hình ảnh mang ngọn cờ đối nghịch. Thậm chí, như AFP tiết lộ: “Nhiều cử tri Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ bỏ phiếu cho ông Kilicdaroclu, đơn giản vì ông không phải là Erdogan”.
Vấn đề là, ông Kilicdaroclu đã hứa hẹn những gì trong cương lĩnh của mình để so kè từng điểm ở vòng bầu cử thứ nhất (với tỷ lệ ủng hộ chênh lệch sít sao 49,52% - 44,88% nghiêng về phía ông Erdogan), để đưa được “cuộc chơi” vào vòng 2?
“Tôi sẽ mang mùa xuân đến cho mảnh đất này. Tôi sẽ trả lại sự thanh bình” - một tuyên ngôn đầy sức hấp dẫn đối với giới trẻ Thổ Nhĩ Kỳ (vốn đã liên tục bị phương Tây nhắm vào, bằng các thông điệp về dân chủ, như những gì đã từng diễn ra trước khi Mùa xuân Arab quét qua Bắc Phi - Trung Đông 10 năm về trước), cùng những công dân Thổ Nhĩ Kỳ nuôi giữ những nỗi “oán hận” đối với đương kim tổng thống. Cụ thể hơn, ông Kilicdaroclu cam kết sẽ trả tự do cho nhiều nhân vật nổi tiếng bị chính quyền giam giữ, sau cuộc đảo chính thất bại năm 2016. Đồng thời, ông Kilicdaroclu hứa hẹn sẽ đẩy mạnh nữ quyền, cũng như chấm dứt sự kỳ thị với cộng đồng đồng tính luyến ái.
Ngược lại, ông Erdogan vẫn kiên định con đường mà ông đã và đang lựa chọn - cũng chính là những gì đối thủ của ông muốn đảo ngược: Một chính quyền trung ương mạnh mẽ đến hà khắc, đặc biệt là trong việc trấn áp các thành phần đối lập; một cung cách quản trị nền kinh tế - xã hội theo hướng kiểm soát cực kỳ chặt chẽ; một đường lối đối ngoại vừa “gai góc” với phương Tây (như chuyện sẵn sàng phớt lờ sự khó chịu của nước Mỹ để mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga), vừa uyển chuyển với nước Nga (dù Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là thành viên cốt cán của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO), vừa “diều hâu” với bất cứ mối đe dọa nào đối với lợi ích quốc gia (đơn cử như việc sẵn sàng xua quân vượt biên giới Syria để tiến công các chiến binh người Kurd đòi Kurdistan độc lập, hay việc liên tục gây căng thẳng với Hy Lạp), để đưa Thổ Nhĩ Kỳ từng bước trở thành một “người chơi chính” trong khá nhiều điểm nóng quốc tế.
Nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Washington - ông Soner Cagaptay bình luận về cuộc bầu cử: “Hoặc Erdogan thua cuộc, mở đường để Thổ Nhĩ Kỳ có cơ hội khôi phục nền dân chủ toàn diện. Hoặc ông ta lại giành chiến thắng và sẽ có thể nắm quyền trong suốt phần đời còn lại của mình”.
Tuy vậy, một nhà quan sát quốc tế kỳ cựu khác, ông Timothy Ash đặt câu hỏi: “Liệu các cử tri sẽ chọn Erdogan hay chọn một liên minh chính trị chưa từng được kiểm chứng và có khả năng dễ dàng tan rã ngay sau cuộc bầu cử? Riêng với Erdogan, rất nhiều cử tri Thổ Nhĩ Kỳ biết rằng ông ấy vẫn sẽ thể hiện sức mạnh trên trường quốc tế, đấu tranh cho những gì mà ông và nhiều người khác nữa xem là lợi ích thiết yếu của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Và trước khi vòng 1 cuộc bầu cử diễn ra, Tổng thống Erdogan viết trên Twitter: “Tất cả 85 triệu người dân, bất kể già hay trẻ, nam hay nữ đều sẽ được hưởng lợi (nếu ông tái đắc cử). 81 tỉnh của chúng ta từ Đông, Tây, Bắc, Nam đều sẽ chiến thắng. Người Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd, người Arab, người Sunni, người Alawite, cũng như tất cả các thành phần trong xã hội của chúng ta sẽ chiến thắng... (đảng đối lập) đảng Nhân dân Cộng hòa, đảng Tốt, đảng Hạnh phúc cũng sẽ chiến thắng!”. Một lời hiệu triệu đầy tự tin.
Tiêu điểm của cả thế giới
Khoảng 3,4 triệu công dân Thổ Nhĩ Kỳ ở nước ngoài đủ tư cách sẽ đi bỏ phiếu từ ngày 20 đến 24/5. Hãng thông tấn chính thống Anadolu cho biết: Cuộc bỏ phiếu bắt đầu tại các nước châu Á và châu Âu. Đức là nước có cộng đồng người gốc Thổ Nhĩ Kỳ đông nhất với khoảng 1,5 triệu người đủ tư cách đi bỏ phiếu.
Theo Reuters, chính khối cử tri ở nước ngoài này cũng như các cử tri mới (đặc biệt là từ cộng đồng người Kurd, hiện chiếm 20% dân số Thổ Nhĩ Kỳ) tạo nên cơ may chiến thắng cho phe đối lập. Không chỉ vậy, hiện trạng cấu trúc xã hội Thổ Nhĩ Kỳ đang bộc lộ những dấu hiệu đòi hỏi thay đổi, như: Lạm phát tăng cao, đồng lira mất giá, mức sống sụt giảm mạnh, cùng các hệ lụy chưa thể được giải quyết từ trận động đất kinh hoàng hồi tháng 2/2023 (khiến hơn 50.000 người thiệt mạng cùng hàng triệu người mất nhà cửa).
Tóm lại, lý do để giới quan sát quốc tế đặc biệt chú ý đến cuộc bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là việc nó được kỳ vọng sẽ tạo nên bước ngoặt trong vòng 100 năm qua, không chỉ quyết định người lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn ảnh hưởng tới những quyết sách tương lai trong quản lý đất nước, giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, định hình chính sách đối ngoại của quốc gia thành viên NATO này trong giai đoạn tới.
Chuyên gia kinh tế David Goldman viết trên Asia Times: Dư luận quốc tế thời gian qua tập trung chú ý vào vai trò của Trung Quốc trong trung gian khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Iran với Saudi Arabia. Song, theo một số cách, trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác có tầm ảnh hưởng nhất định trong thỏa thuận này.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng đang đóng vai trò chủ chốt trong việc ngăn chặn xung đột leo thang tại cuộc nội chiến diễn ra âm ỉ suốt hơn thập kỷ qua ở Syria. Ngày 25/4, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran và Syria đã tổ chức các cuộc đàm phán “mang tính xây dựng”. Hiện tại, cho dù có thể xem là phụ thuộc về kinh tế đối với nhiều đối tác nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đang nổi lên như một cường quốc quân sự đích thực ở Tây Á.
Với những lý do này, cộng thêm những mối dây liên hệ phức tạp và chồng chéo mà Thổ Nhĩ Kỳ dưới quyền ông Erdogan đã thiết lập với cả NATO, Nga lẫn khối Arab Hồi giáo, một sự “thay triều đổi đại” ở Istanbul đương nhiên sẽ tạo nên những xáo trộn mạnh mẽ. Không loại trừ khả năng, có nhiều tiến trình quốc tế sẽ bị tác động mạnh mẽ, đến mức có thể buộc phải làm lại từ đầu.
Vậy nên, cho dù việc đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thất cử đúng là điều phương Tây mong muốn hay không thì các nhà hoạch định chiến lược của họ vẫn phải theo dõi sát sao diễn biến của cuộc bầu cử, để lập tức phác họa những kế hoạch hành động. Không phải ai khác, chính truyền thông phương Tây đặt nghi vấn: Liệu một nhà độc tài đã ngự trị 2 thập niên trên đỉnh cao quyền lực có “nhã nhặn thừa nhận thất bại và lặng lẽ rời nhiệm sở” (Reuters)? Họ, dường như, đã phác họa sẵn một cuộc khủng hoảng chính trị có yếu tố xung đột vũ trang cho Thổ Nhĩ Kỳ...
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/buoc-ngoat-nao-cho-tho-nhi-ky--i694521/