Bước ngoặt nguy hiểm đe dọa sự ổn định của Trung Đông

Tính đến chiều tối 20/9, có 37 người đã thiệt mạng và 2.931 người bị thương trong vụ hàng loạt máy nhắn tin, bộ đàm và các thiết bị điện tử khác phát nổ tại Lebanon trong hai ngày 17-18/9. Các vụ nổ được xác nhận có liên quan đến các thiết bị di động được thành viên phong trào Hezbollah sử dụng.

Điều tra sơ bộ do Phái đoàn thường trực của Lebanon tại Liên hợp quốc (LHQ) công bố cùng ngày cho thấy, các thiết bị trên đã được gài sẵn thuốc nổ một cách chuyên nghiệp trước khi vào Lebanon và được kích nổ bằng cách gửi email đến những thiết bị đó.

Các nhân viên y tế đưa một người bị thương trong các vụ nổ tại Lebanon tới bệnh viện.

Các nhân viên y tế đưa một người bị thương trong các vụ nổ tại Lebanon tới bệnh viện.

Nhà lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah đã mô tả loạt tấn công trên là “hành động khủng bố, một vụ thảm sát, diệt chủng” của Israel và là một “lời tuyên chiến” sẽ đối mặt với “chỉ có sự trừng phạt”. Ông nhấn mạnh, kẻ thù đã cố gắng “phá hủy cơ cấu chỉ huy của Hezbollah và làm tổn thương các thủ lĩnh của tổ chức này cũng như gây hỗn loạn trong tổ chức của chúng ta” nhưng không thành công.

Ông cảnh báo rằng, “mặt trận Lebanon sẽ không dừng lại cho đến khi hành động của Israel gây hấn ở Gaza kết thúc”. Người Israel sẽ “không thể trở về” nhà của họ ở miền Bắc Israel chừng nào cuộc xâm lược ở Gaza vẫn tiếp tục, nhà lãnh đạo Hassan Nasrallah nói, đáp lại bình luận của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước đó một ngày rằng, Tel Avia sẽ “đưa cư dân phía Bắc” trở về ngôi nhà an toàn của họ. Ngoại trừ cố vấn của ông Benjamin Netanyahu, người đã có ám chỉ về trách nhiệm của Israel đối với vụ tấn công phá hoại hàng loạt, giới chức Israel đã không công khai phủ nhận hay xác nhận sự liên quan đến vụ việc. Một số chuyên gia mô tả loạt tấn công trên là một nỗ lực khác của Israel nhằm dụ Hezbollah vào một “cuộc chiến lớn”.

Trước bối cảnh nguy hiểm như vậy, cộng đồng quốc tế đã liên tục kêu gọi các bên liên quan cần hết sức kiềm chế, nhằm tránh leo thang thành một cuộc chiến toàn diện. Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ngày 19/9 (giờ địa phương) đã lên án mạnh mẽ vụ việc, tái khẳng định ủng hộ Lebanon và kêu gọi các tổ chức quốc tế có hành động thích hợp. Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm với các lãnh đạo chính trị và quân sự hàng đầu của Lebanon cũng như với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, kêu gọi các bên kiềm chế. Ông yêu cầu lãnh đạo Lebanon truyền đạt thông điệp tới các nhóm vũ trang, bao gồm Hezbollah, tránh leo thang căng thẳng.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và tránh leo thang xung đột tại Trung Đông. Phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Stephane Sejourne tại Paris, ông Antony Blinken nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm căng thẳng, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế đang nỗ lực nhằm đạt được lệnh ngừng bắn tại Gaza. Về phần mình, Ngoại trưởng Stephane Sejourne cũng bày tỏ lo ngại về tình hình tại Trung Đông. Ông khẳng định Paris và Washington đang phối hợp gửi thông điệp giảm leo thang tới các bên và cảnh báo “Lebanon sẽ không thể hồi phục sau một cuộc chiến toàn diện”.

Tương tự, Ngoại trưởng Anh David Lammy cũng kêu gọi phong trào Hezbollah và lực lượng Israel lập tức ngừng bắn. Phát biểu sau cuộc gặp với những người đồng cấp Pháp, Mỹ và Italy tại Paris, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn thấy một giải pháp chính trị được đàm phán” để người Israel ở miền Bắc nước này và người Lebanon có thể trở về nhà.

Các vụ nổ trên đã đánh dấu một bước leo thang quan trọng trong cuộc xung đột tiêu hao giữa Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và Hezbollah. Chúng không chỉ gây ra thương vong lớn mà còn làm tê liệt hệ thống liên lạc và chỉ huy của Hezbollah. Hàng nghìn thành viên của nhóm, bao gồm nhiều quan chức cấp cao đã bị thương. Các bệnh viện tại Lebanon đang phải đối mặt với lượng lớn thương vong, khiến hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho Hezbollah trong việc tiếp tục duy trì hoạt động quân sự hiệu quả. Tuy nhiên, vụ việc có thể đẩy Hezbollah vào tình thế phải đưa ra một phản ứng cứng rắn để không mất mặt trước đối thủ và bảo vệ uy tín của mình.

Các chuyên gia dự đoán, nhà lãnh đạo Hassan Nasrallah có thể đang phối hợp với Iran để đưa ra quyết định cuối cùng về chiến lược phản ứng. Iran là một đồng minh quan trọng của Hezbollah và Đại sứ của nước Cộng hòa Hồi giáo tại Lebanon cũng đã bị thương trong các vụ nổ. Điều đó càng làm gia tăng tính phức tạp của tình hình và bất kỳ hành động quân sự nào từ phía Hezbollah cũng sẽ phải cân nhắc đến mối quan hệ này. Tuy nhiên, hiện Iran đang ở trong thế khó. Trong 2 tháng qua, Iran đang giải quyết vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas tại Tehran.

Giờ đây, đại sứ của nước này lại nằm trong số những người bị nhắm mục tiêu ở Liban. Mặc dù Tehran đã lên án hành động của Israel, nhưng các chuyên gia tin rằng, cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Israel là điều không thể xảy ra. Mặc dù vậy, Iran có thể khởi xướng các hành động trả đũa thông qua các lực lượng ủy nhiệm, như Hezbollah, để củng cố ảnh hưởng trong khu vực.

Về phía Israel, họ cũng đứng trước hai lựa chọn quan trọng. Lựa chọn đầu tiên là tạm dừng và chờ đợi, tận dụng sự bất lợi hiện tại của Hezbollah và tìm cách giảm bớt căng thẳng trong khu vực. Đây có thể là cơ hội để Israel giải quyết các vấn đề chính trị và quân sự ở phía Bắc, trong khi tiếp tục theo dõi tình hình ở Gaza. Tuy nhiên, lựa chọn này có nguy cơ không mang lại kết quả lâu dài, bởi khả năng thành công trong việc duy trì hòa bình với Hezbollah là rất thấp.

Lựa chọn thứ hai, mạo hiểm hơn, là Israel có thể lợi dụng sự bối rối và tổn thương của Hezbollah sau các vụ nổ để thực hiện các cuộc tấn công mới nhằm làm suy yếu thêm lực lượng này. Hành động đó có thể làm giảm khả năng quân sự của Hezbollah và hạn chế sự liên kết của nhóm với các cuộc xung đột ở Gaza. Tuy nhiên, việc gây áp lực thêm lên Hezbollah có thể dẫn đến một cuộc xung đột quy mô lớn, không chỉ với Hezbollah mà còn với toàn bộ phe người Shiite trong khu vực, bao gồm cả Iran.

Dù Hezbollah có phản ứng ngay lập tức hay không, các vụ nổ đã đẩy hai bên vào một quỹ đạo đối đầu ngày càng nguy hiểm. Nguy cơ về một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Israel và Hezbollah đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Với tình hình ở Gaza vẫn căng thẳng, bất kỳ sự leo thang nào ở phía Bắc cũng có thể khiến Israel phải đối mặt với một cuộc xung đột trên nhiều mặt trận, từ Lebanon đến Syria và cả Gaza. Và cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah không chỉ đơn thuần là vấn đề nội bộ giữa hai bên mà còn có sự tham gia của các cường quốc khu vực và quốc tế như Iran. Điều này khiến tình hình trở nên phức tạp và khó lường, khi mỗi động thái quân sự đều có thể kéo theo sự tham gia của nhiều bên liên quan, đẩy khu vực vào tình trạng bất ổn lâu dài.

Tóm lại, vụ nổ hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah đã gây ra một bước ngoặt lớn trong cuộc xung đột kéo dài giữa nhóm này và Israel. Trong khi Hezbollah phải đối mặt với tổn thất nặng nề và mất khả năng tổ chức phản ứng tức thì Israel cũng đang cân nhắc các lựa chọn chiến lược tiếp theo. Cả hai bên đều đang bước trên một lằn ranh nguy hiểm và nếu không có sự kiềm chế và đối thoại, cả hai sẽ bị kéo vào một cuộc xung đột quân sự kéo dài với hậu quả sâu rộng đối với sự ổn định và an ninh của Trung Đông.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/buoc-ngoat-nguy-hiem-de-doa-su-on-dinh-cua-trung-dong-i744724/