Bước ngoặt Nhật Bản tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vừa có chuyến thăm Indonesia, Thái Lan và Việt Nam nhằm thúc đẩy các thỏa thuận đầu tư và quốc phòng.
Tăng cường ảnh hưởng của Nhật Bản ở Đông Nam Á
Theo Asia Times, chuyến thăm của của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định định hướng rõ ràng về chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thập kỷ qua. Không chỉ riêng ông Fumio Kishida, trước đó hai lãnh đạo tiền nhiệm của Nhật Bản, cựu Thủ tướng Shinzo Abe và cựu Thủ tướng Yoshihide Suga cũng đều lựa chọn Đông Nam Á là điểm đến chính thức đầu tiên, khẳng định vị trí trung tâm trong chiến lược khu vực của Tokyo.
Bắt đầu lên nắm quyền vào cuối năm 2012, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lựa chọn các quốc gia thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm nước ngoài của ông. Chỉ vài tháng lên nắm quyền, ông Abe đã thăm hai quốc gia Đông Nam Á là Thái Lan và Indonesia. Đến năm 2020, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cũng đã tiếp bước lãnh đạo tiền nhiệm, lựa chọn Việt Nam và Indonesia là điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm nước ngoài của ông sau khi lên nắm chính quyền. Và hiện tại, tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tiếp tục xem Đông Nam Á là ưu tiên chính sách đối ngoại quan trọng của Nhật Bản.
Sau chuyến thăm Campuchia, Thủ tướng Fumio Kishida tiếp tục chuyến công du nước ngoài kéo dài một tuần. Các điểm đến là Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Theo Asia Times, Nhật Bản hiện được biết đến như một đối tác quốc phòng và chiến lược quan trọng của nhiều quốc gia Đông Nam như Philippines, Indonesia, Việt Nam và Malaysia. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy các nhà hoạch định chính sách luôn đánh giá cao đối với Nhật Bản và xem nước này là đối tác nước ngoài đáng tin cậy của ASEAN.
Trong chuyến thăm tới một số nước Đông Nam Á, Thủ tướng Kishida đã tìm cách củng cố và mở rộng mối quan hệ chiến lược đang phát triển với các quốc gia trong khu vực. Trong gần một thập kỷ qua, Nhật Bản là đầu tàu công nghiệp hóa và phát triển kinh tế ở khu vực Đông Nam Á. Cho dù trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, Nhật Bản vẫn khẳng định tầm ảnh hưởng về kinh tế đối với khu vực này.
Trong những năm gần đây, các cam kết đầu tư của Nhật Bản ở khu vực đang tăng lên 367 tỷ USD, lớn hơn rất nhiều so với 255 tỷ USD Trung Quốc đầu tư vào khu vực này. Ngay cả khi đại dịch, thương mại song phương giữa Nhật Bản và ASEAN vẫn đạt 204 tỷ USD trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào Đông Nam Á lên tới 8,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng trở thành điểm đến xuất khẩu lớn của các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong lĩnh vực hàng hóa trung gian. Trong một thập kỷ qua, Tokyo đã trở thành cường quốc đa chiều hơn trong khu vực, tận dụng ảnh hưởng kinh tế để xây dựng mối quan hệ quốc phòng và chiến lược với các quốc gia ASEAN quan trọng.
Hợp tác quốc phòng và chiến lược
Theo Asia Times, chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Kishida có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy tầm ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á. Trong năm 2022, Indonesia hiện đảm nhiệm cương vị Chủ tịch G20 và Thái Lan là chủ tịch Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).
Vào ngày 29/4, Thủ tướng Kishida đã gặp gỡ Tổng thống Indonesia Joko Widodo để thảo luận về quan hệ song phương hai nước cũng như các vấn đề chiến lược rộng lớn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Cả hai bên đã cam kết duy trì quan hệ hướng đến vì một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở cũng như thực hiện Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
"Chúng ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Việc duy trì củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tự do và cởi mở đang trở nên quan trọng hơn", Thủ tướng Kishida nói trong cuộc họp báo chung với lãnh đạo đồng cấp Indonesia. Và trong chuyến thăm Việt Nam, theo Asia Times, Thủ tướng Kishida cũng tăng cường thúc đẩy hợp tác quốc phòng và chiến lược với quốc gia Đông Nam Á này.
Trong chuyến thăm Thái Lan, Thủ tướng Kishida đã gặp Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha. Hai bên nhất trí thúc đẩy hoạt động hỗ trợ nhân đạo và duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nhân dịp chuyến thăm, ông Kishida đã thông báo gói hỗ trợ trị giá 385 triệu USD cho Thái Lan để thúc đẩy khắc phục đại dịch Covid-19 đồng thời hai bên cũng đã hoàn tất thỏa thuận quốc phòng mới mang tính đột phá.
"Việc ký kết thỏa thuận chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng giữa chúng ta là một bước tiến quan trọng trong việc mở rộng hợp tác quốc phòng song phương", Thủ tướng Kishida nói trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thái Lan sau khi hai bên chứng kiến ký kết thỏa thuận quốc phòng mới.
Thủ tướng Thái Lan cũng đánh giá cao thỏa thuận mới giữa Thái Lan và Nhật Bản, xem đây là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào ngành công nghiệp quốc phòng của Thái Lan đồng thời tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên "đối tác chiến lược toàn diện"./.