Bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng toàn cầu

Một cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đang được trông đợi có thể mở ra bước ngoặt quan trọng không chỉ thúc đẩy một giải pháp cho cuộc xung đột quân sự tại Ukraine mà còn giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa hai cường quốc này cũng căng thẳng trên toàn cầu.

Tín hiệu rõ ràng về cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump - Vladimir Putin

Trong cuộc trả lời phỏng vấn CBS News ngày 18-5, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết Tổng thống Donald Trump muốn tổ chức một cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin càng sớm càng tốt. Theo Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, Mỹ và Nga hiện đang trong quá trình thảo luận để xác định thời gian, địa điểm và nội dung chính của cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp năm 2018 bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp năm 2018 bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20

Người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ cho biết thêm, Tổng thống Donald Trump đã công khai đề xuất về cuộc gặp này bởi “ông ấy rất mong muốn điều đó xảy ra trong thời gian sớm nhất có thể”, tuy việc thu xếp một cuộc gặp như vậy cần thêm thời gian để lên kế hoạch cụ thể. Cũng theo Ngoại trưởng Mỹ, phía Nga cũng đã bày tỏ thiện chí tương tự và “giờ đây, vấn đề còn lại là hai bên cùng ngồi lại để thống nhất thời gian, địa điểm và các chủ đề sẽ được đưa ra thảo luận”.

Trước tín hiệu rõ ràng về cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Donald Trump và Vladimir Puntin, giới quan sát cho rằng, cuộc gặp đầu tiên giữa hai nguyên thủ quốc gia Mỹ và Nga trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump có thể là bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng toàn cầu, đặc biệt liên quan đến xung đột Ukraine và quan hệ Nga - Mỹ đang ngày càng phức tạp.

Quan hệ Nga - Mỹ được cải thiện sau khi chiến tranh lạnh kết thúc đã dần trở lên căng thẳng trở lại. Có thể thấy mối quan hệ này dần lao dốc ngày càng trở lên căng thẳng sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và rơi vào tình trạng đối đầu kể khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào tháng 2-2022. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phản ứng một cách cứng rắn bằng cách dẫn đầu liên minh phương Tây viện trợ quân sự, tài chính, và tình báo quy mô lớn cho Ukraine, đồng thời áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt chưa từng có nhằm cô lập và gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Nga.

Không chỉ dừng ở các biện pháp đối đầu kinh tế và quân sự, Washington dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden còn đóng băng toàn diện các kênh ngoại giao cấp cao với Mátxcơva. Trong suốt nhiệm kỳ của mình (2021-2025), Tổng thống Joe Biden không có bất kỳ cuộc gặp chính thức nào với Tổng thống Vladimir Putin. Các hội nghị quốc tế có sự góp mặt của Nga thường xuyên bị phái đoàn Mỹ tẩy chay, hoặc diễn ra trong bầu không khí thù địch. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov vào cuối năm 2024 từng thẳng thắn mô tả mối quan hệ Mỹ - Nga là “gần như bằng 0”. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thì nhấn mạnh rằng liên lạc giữa hai nước suốt gần 3 năm qua “chỉ dừng ở mức kỹ thuật, chứ không còn là một cuộc đối thoại chính trị thực sự”.

Mối quan hệ căng thẳng tới mức đối đầu gay gắt giữa Mỹ và Nga dưới chính quyền Joe Biden không chỉ làm trầm trọng thêm cuộc xung đột tại Ukraine mà còn kéo theo hàng loạt hệ lụy địa chính trị khác: từ cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, sự phân cực trong các thể chế quốc tế, cho tới sự chia rẽ sâu sắc trong các khối liên minh toàn cầu.

Tuy nhiên, việc Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ hai đã mang đến trông đợi về một giai đoạn “tái khởi động” quan hệ Mỹ - Nga. Ngay trong suốt thời gian tranh cử, ông Donald Trump nhiều lần chỉ trích chính sách ngoại giao của chính quyền tiền nhiệm, đặc biệt là trong vấn đề Ukraine. Ông tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột tại Ukraine “trong vòng 24 giờ” và đặt mục tiêu làm dịu căng thẳng quốc tế để tập trung cho tăng trưởng kinh tế nội địa - một phần trong khẩu hiệu quen thuộc “Nước Mỹ trên hết”.

Có thể là “chìa khóa để tháo gỡ bế tắc”

Ông Donald Trump ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017-2021) cũng như suốt quá trình tranh cử, đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai và từ khi chính thức nhậm chức tới nay, lại có quan điểm khác với người tiền nhiệm trong quan hệ với Nga. Tổng thống Donald Trump không ít lần lên tiếng phê phán trực diện chính sách đối ngoại của chính quyền tiền nhiệm, đặc biệt là chính sách đối với Ukraine cũng như cách thức xử lý cuộc xung đột tại Ukraine.

Trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên của mình, Tổng thống Donald Trump thường gây căng thẳng, áp lực từ các đồng minh ở châu Âu đến đối thủ Trung Quốc, song lại thường có những lời lẽ, cách ứng xử mềm mỏng hơn với Nga và nhất là Tổng thống Vladimir Putin.

Ông Donald Trump từng nổi tiếng với tuyên bố lúc tranh cử là sẽ “chấm dứt xung đột tại Ukraine trong vòng 24 giờ”, cho biết sẽ tập trung ưu tiên để giải quyết hai cuộc xung đột quy mô lớn tại Ukraine và Trung Đông vốn tác động tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai này sẽ ưu tiên có những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để ngăn không có các cuộc cuộc xung đột tại Trung Đông cũng như Ukraine ảnh hưởng tới môi trường cho sự phát triển kinh tế Mỹ theo đúng như quan điểm xuyên suốt “Nước Mỹ trên hết”.

Sau khi trở lại Nhà Trắng tháng 1-2025, Tổng thống Donald Trump đã tiến hành hai cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin nhằm thảo luận về việc cải thiện quan hệ song phương và đặc biệt là tìm giải pháp, sớm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine. Điều đó khẳng định cách tiếp cận hoàn toàn khác của chính quyền Tổng thống Donald Trump so với chính quyền tiền nhiệm trong quan hệ với Nga cũng như giải quyết các vấn đề nóng bỏng, cấp bách toàn cầu như cuộc xung đột tại Ukraine.

Việc Mỹ và Nga đang thu xếp cho cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống hai nước sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ hai đang mang tới những nhận định, đánh giá khác nhau trong đó có có những chuyên gia cho rằng là một tín hiệu về việc quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này sẽ được “cài đặt” lại trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump. Bản thân Tổng thống Donald Trump sau khi chính thức nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 20-1-2025 đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng thảo luận với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Trong bối cảnh thế giới đang trải qua hàng loạt cuộc khủng hoảng, từ xung đột vũ trang, bất ổn an ninh năng lượng đến sự chia rẽ trong lòng các liên minh…, một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga mang ý nghĩa vượt xa khuôn khổ song phương. Nó có thể là thông điệp cho thấy, ngay cả khi căng thẳng leo thang và quan hệ đóng băng, đối thoại chứ không phải đối đầu vẫn là giải pháp khả thi và hiệu quả.

Ngoại trưởng Marco Rubio khi thông tin về việc chuẩn bị cho cuộc gặp giữa hai Tổng thống Donald Trump và Vladimir Putin đã nhận định, trong bối cảnh tình hình quốc tế đang căng thẳng, một cuộc đối thoại trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga có thể là “chìa khóa để tháo gỡ bế tắc”. “Tổng thống Donald Trump tin rằng, đây là điều cần thiết, và ông ấy đã thể hiện mong muốn rõ ràng về việc đó. Hy vọng mọi thứ sẽ sớm được sắp xếp ổn thỏa” - ông Marco Rubio cho biết.

HOÀNG HÀ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/buoc-ngoat-quan-trong-trong-no-luc-ha-nhiet-cang-thang-toan-cau-post612175.antd