Bước ngoặt thu hút FDI
Năm 2020, Việt Nam kỳ vọng sẽ có bước ngoặt quan trọng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Dấu ấn 2019
Năm 2019 là một năm đầy cảm xúc với thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Lý do trước hết đến từ con số trên 38 tỷ USD vốn đăng ký mới và gần 20,4 tỷ USD vốn thực hiện, mà dù xét ở góc độ nào, thì đây cũng đều là thành tựu ấn tượng.
Đầu năm, sau con số kỷ lục gần 35,5 tỷ USD của năm 2018, nhiều kỳ vọng đã được đặt ra cho năm 2019 - năm được dự báo là sẽ có nhiều thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, bởi đây là năm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực, trong khi Việt Nam được coi như “vịnh tránh bão” an toàn trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng.
Thế nhưng, trái ngược mọi dự báo và kỳ vọng, ngoại trừ vốn giải ngân vẫn khá tích cực, thì vốn đăng ký luôn trong xu hướng sụt giảm so với cùng kỳ. Một nỗi lo mơ hồ về một năm không thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài đã xuất hiện. Gió chỉ đảo chiều vào cuối tháng 9/2019, khi Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, trong 9 tháng, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã đạt trên 26 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Sau đó, vốn nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng tốc và con số cuối cùng được công bố là hơn 38 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2018.
Đầu năm, nỗi lo vốn Trung Quốc “đổ bộ” đã xuất hiện, khi liên tiếp các dự án lớn của đối tác Trung Quốc được cấp chứng nhận đầu tư. Vốn FDI đăng ký mới từ đối tác này liên tiếp đứng “đầu bảng”. Nhưng cuối năm, đã có một “cú” xoay chuyển khá ngoạn mục, khi Hàn Quốc vẫn đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, với 7,9 tỷ USD, cao hơn hẳn nhà đầu tư Trung Quốc, cả về vốn FDI lẫn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần. Khi Hàn Quốc tiếp tục giữ ngôi vương, Singapore và Nhật Bản vẫn tiếp tục đứng ở top 5, thì lòng tin về chất lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thêm lớn.
Nhưng dấu ấn thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm 2019 không hẳn đến từ những con số, mà quan trọng hơn hết, là đến từ quyết định lịch sử của Bộ Chính trị, khi lần đầu tiên ban hành Nghị quyết số 50/NQ-TW về hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trong đó, chỉ riêng việc nhấn mạnh câu chuyện “hợp tác đầu tư nước ngoài”, thay vì bị động “thu hút” như trước đây, đã khẳng định sự chủ động, bình đẳng và quyền lựa chọn của Việt Nam trong “cuộc chơi” với các đối tác nước ngoài. Vì vậy, đây được coi là cú hích, là nền tảng quan trọng để năm 2020 sẽ tạo một bước ngoặt lớn cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Bước ngoặt 2020
Cuối năm 2018, khi Chính phủ tổng kết 30 năm thu hút FDI, những định hướng chiến lược quan trọng của Việt Nam trong thu hút FDI đã được gửi tới cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài. Một năm sau đó, Bộ Chính trị chính thức ban hành Nghị quyết số 50/NQ-TW.
Nghị quyết đã ban hành, nhưng điều quan trọng, theo GS-TSKH Nguyễn Mại, chuyên gia lâu năm về đầu tư nước ngoài, là trong năm 2020, cần triển khai có hiệu quả nghị quyết này theo xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế và đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư...
38 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới vào Việt Nam trong năm qua là một thành tích ấn tượng, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu có xu hướng giảm. Thêm vào đó, vốn giải ngân đạt mức kỷ lục, với gần 20,4 tỷ USD. Đây chính là một con số đáng ghi nhận, một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã một lần nữa giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc sớm hoàn thiện Kế hoạch Hành động triển khai Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược thu hút FDI theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW.
Thực tế cho thấy, sau tổng kết 30 năm FDI, cũng đã có những bước chuyển khá quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, khi ngày càng nhiều địa phương thực hiện “quyền lựa chọn” dự án của mình, theo hướng ưu tiên những dự án công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, chỉ lựa chọn những dự án có tác động tích cực tới kinh tế - xã hội địa phương.
Một ví dụ cụ thể là việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, dù vào năm 2016 đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng nhà máy nhiệt điện với Công ty Banpu (Thái Lan), nhưng với mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững theo hướng phát triển xanh, trong quy hoạch các ngành công nghiệp, tỉnh đã định hướng không đầu tư nhiệt điện từ than đá. Điều này đã buộc Banpu phải xin chuyển nghiên cứu nhà máy điện nói trên từ nhiệt điện sang điện khí, một lĩnh vực sản xuất được cho là “sạch hơn” so với nhiệt điện.
“Tôi nghĩ, đây là thời điểm cần cài đặt một bộ lọc để có thể chọn được những nhà đầu tư thật sự có năng lực, thân thiện với môi trường, bởi vì đã qua thời kỳ trải thảm đỏ với tất cả nhà đầu tư”, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đã nói như vậy và cũng đã nhiều lần đề xuất việc thực thi có hiệu quả Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị.
Năm 2019, Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng nhìn lại, các chuyên gia cũng đã chỉ ra một số điểm yếu, như thiếu vắng dự án quy mô lớn, vẫn còn nhiều dự án quy mô nhỏ - chứng tỏ định hướng nâng cao chất lượng dòng vốn FDI chưa đạt kỳ vọng; hay vốn đầu tư vẫn chủ yếu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á, mà vẫn ít vốn đến từ Mỹ, châu Âu…
Thực thi nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết số 50/NQ-TW sẽ góp phần quan trọng để thu hút FDI của Việt Nam có những bước ngoặt lớn trong năm 2020.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/buoc-ngoat-thu-hut-fdi-d114827.html