Buộc ô tô cá nhân gắn thiết bị giám sát để quản lý có cần thiết không?

Dự thảo Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ yêu cầu: bắt buộc ô tô cá nhân phải gắn thiết bị giám sát hành trình như xe kinh doanh. Nội dung này được đưa vào dự thảo là do ngành giao thông gặp khó khăn trong quản lý hoạt động của loại hình xe ghép, xe đi chung, xe trung chuyển. Tuy nhiên, đề xuất này, nếu được thông qua và thực hiện, sẽ khiến người sở hữu ô tô cá nhân phải chi thêm tiền để làm hộp đen rất tốn kém, chưa kể quyền riêng tư cá nhân cũng bị ảnh hưởng.

Trong bản dự thảo Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ Công an đề xuất không chỉ ô tô kinh doanh vận tải, mà ô tô cá nhân cũng bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình ô tô (hộp đen). Đề xuất này của Bộ Công an được Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) lý giải là do ngành giao thông gặp khó khăn trong quản lý hoạt động của loại hình xe ghép, xe đi chung, xe trung chuyển.

Theo các cơ quan quản lý nhà nước này, một số xe cá nhân đã gom khách lẻ để chở khách liên tỉnh, làm rối loạn môi trường kinh doanh vận tải và đẩy các đơn vị kinh doanh vận tải như taxi, xe chở khách tuyến cố định vào cảnh khó khăn. Núp bóng xe cá nhân, các xe này không đăng ký kinh doanh vận tải, không đổi biển số màu vàng, nên khó khăn trong việc quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm(*).

Vì không quản lý nổi tình trạng này, hai ngành công an và giao thông muốn bắt buộc toàn bộ ô tô lắp hộp đen và chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình cho cảnh sát giao thông để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, phạt nguội.

Theo số liệu của ngành đăng kiểm, cả nước hiện có hơn 5 triệu ô tô, trong đó có 1 triệu xe kinh doanh vận tải. Với đề xuất trên tại dự thảo Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ, gần 4 triệu ô tô cá nhân sẽ phải lắp đặt thiết bị camera giám sát hành trình như xe kinh doanh.

Quy định này sẽ gây tốn kém rất lớn cho người dân. Khảo sát trực tiếp từ trang web một nhà cung cấp thiết bị cho thấy, giá bình quân một bộ hộp đen là 3 triệu đồng, nếu có thêm camera giám sát tài xế thì tốn thêm 1-1,5 triệu đồng. Ngoài ra, từ năm thứ hai sau khi lắp đặt, chủ xe phải đóng phí duy trì dịch vụ là 1,5 triệu đồng/năm, khoản này bao gồm phí SIM dữ liệu Internet 4G/5G và dịch vụ máy chủ quản lý(**).

Như vậy, nếu áp dụng theo đề xuất này, dự kiến mỗi ô tô cá nhân tốn 3 triệu đồng tiền gắn hộp đen, khoản tiền này nhân với 4 triệu ô tô cá nhân là 12.000 tỉ đồng. Chưa hết, từ năm thứ nhì trở đi mỗi năm 4 triệu xe này phải chi tiếp 6.000 tỉ đồng phí duy trì dịch vụ. Không rõ khoản tốn kém khổng lồ này của người dân đã được cơ quan soạn thảo luật tính đến hay chưa?

Việc 4 triệu ô tô cá nhân bị bắt buộc gắn hộp đen đồng nghĩa với quyền riêng tư cá nhân (được Hiến pháp bảo vệ) của hàng chục triệu người sẽ bị ảnh hưởng. Cuối cùng, chỉ vì một số ít xe núp bóng kinh doanh vận tải mà buộc gần 4 triệu ô tô cá nhân gắn thiết bị giám sát hành trình thì có thật sự cần thiết không? Bởi lẽ, chủ xe nào phạm luật thì cơ quan chức năng phải có biện pháp chế tài xử phạt rồi.

Thiết nghĩ, trách nhiệm của ngành giao thông là phải tìm ra cách quản lý phù hợp tình trạng ô tô cá nhân núp bóng kinh doanh vận tải. Đâu thể nào vì không quản lý nổi mà cơ quan chức năng lại trút gánh nặng lên các chủ xe cá nhân. Trả lời VietNamNet sáng 19-9, đại diện Cục CSGT cho hay đề xuất xe cá nhân lắp camera giám sát chỉ mới là dự thảo và chỉ khuyến khích người dân để đảm bảo an toàn giao thông.

(*) https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/de-xuat-xe-o-to-ca-nhan-phai-lap-camera-giam-sat-hanh-trinh-20230915085019932.htm

(**) https://viethansecurity.com/hop-den-o-to-adsun-tms-t89-dinh-vi-gps-giam-sat-hanh-trinh-xe.html

Mục Nhĩ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/buoc-o-to-ca-nhan-gan-thiet-bi-giam-sat-de-quan-ly-co-can-thiet-khong/