Bước phát triển mới của mạng 5G: Thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng cho chuyển đổi số là phát triển hạ tầng và sớm thương mại hóa mạng 5G. Bước phát triển mới của mạng 5G thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số trong hoạt động của các doanh nghiệp.

Nghiên cứu và triển khai thành công mạng 5G SA đầu tiên tại Việt Nam

Ngày 19/8, sau hơn 3 tháng kể từ khi được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép sử dụng tần số để nhà mạng thương mại hóa 5G, Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) cho biết đã nghiên cứu và triển khai thành công mạng 5G SA đầu tiên tại Việt Nam (mạng 5G độc lập). Đây là bước tiến mới của Viettel khẳng định sứ mệnh tiên phong về công nghệ cũng như dấu ấn chào mừng 20 năm chính thức kinh doanh dịch vụ di động tại Việt Nam.

Đại diện Viettel Telecom cho biết so với mạng 5G không độc lập (5G Non Standalone - NSA), việc triển khai mạng 5G SA khó khăn hơn nhiều do chi phí đầu tư lớn, đồng thời phải cấu hình để kết nối hệ thống bằng tất cả thiết bị theo tiêu chuẩn 5G.

Công nghệ này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái 5G, từ đó các nhà mạng có thể cung cấp các dịch vụ đa dạng hơn cho các nhóm đối tượng, trong đó có doanh nghiệp. Theo đó các nhóm dịch vụ gồm: nhóm dịch vụ data tốc độ cao, cuộc gọi trên 5G SA thông minh có chức năng tự dịch ngôn ngữ, hiển thị phụ đề…

Bộ Thông tin và Truyền thông xác định năm 2024 sẽ thương mại hóa 5G trên toàn quốc. Viettel cho biết đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hãng smartphone lớn như Apple, Samsung, Xiaomi, Oppo… nâng cấp firmware thương mại cho thiết bị smartphone hỗ trợ mạng 5G SA với mục tiêu cung cấp mạng 5G hiện đại nhất vào thời điểm khai trương.

Mạng 5G thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp

Mạng 5G cung cấp internet tốc độ cao giúp tạo ra môi trường thuận lợi cho các ứng dụng kinh doanh trực tuyến, giao dịch tài chính. Bên cạnh đó, 5G có khả năng hỗ trợ kết nối hàng tỷ thiết bị IoT cùng một lúc, do đó sẽ giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa quản lý chuỗi cung ứng, giám sát sản xuất và tạo ra các ứng dụng mới. Trong lĩnh vực công nghiệp, 5G cho phép tự động hóa quy trình sản xuất, từ dây chuyền lắp ráp đến quản lý kho hàng, giúp tối ưu hóa năng suất và giảm lãng phí từ đó thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả.

Sự phát triển về công nghệ, được hỗ trợ bởi 5G sẽ mở rộng hệ sinh thái di động sang các ngành công nghiệp mới. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết việc đẩy mạnh ứng dụng 5G trong các ngành là yếu tố tiên quyết để triển khai toàn diện 5G tại Việt Nam.

Với mạng 5G SA cùng các tiện ích dịch vụ đi kèm, các doanh nghiệp sẽ có thể đạt được những kết quả chuyển đổi số tích cực hơn. Do vậy, khi 5G SA được triển khai trên diện rộng, doanh nghiệp cần bắt kịp xu hướng, ứng dụng vào thực tiễn chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng lợi nhuận cho sự phát triển bền vững.

Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022.

Doanh nghiệp có thể tham gia tự đánh giá trực tuyến mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tại đây.

Thu Phương

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/kinh-te-so/buoc-phat-trien-moi-cua-mang-5g-thuc-day-chuyen-doi-so-doanh-nghiep/20240826031926677