Bước phát triển mới của Taekwondo Đơn Dương
Từ một điểm dạy võ hằng đêm ở thị trấn Thạnh Mỹ với vài mươi môn sinh, đến nay Taekwondo Đơn Dương đã có bước phát triển mới khi có thêm 5 điểm tập nữa trong huyện với trên 300 môn sinh tập luyện hằng ngày.
Những phòng tập ở xã
Cứ chiều tối trong khuôn viên Hội trường Thôn 2 - Suối Thông B xã Đạ Ròn, Đơn Dương lại vang lên tiếng cười nói và tiếng hô đều nhịp của một lớp tập võ.
Đó là lớp tập võ Taekwondo của huấn luyện viên Đinh Nguyễn Minh Tiến. Thầy giáo dạy võ năm nay còn rất trẻ, mới 22 tuổi nhưng đã mang đai đen 3 đẳng của bộ môn này. Minh Tiến học hết lớp 9 rồi ở nhà làm vườn cùng gia đình, học võ và theo nghiệp võ luôn. Còn môn sinh cũng trong độ tuổi rất trẻ, chủ yếu là học sinh các bậc tiểu học, trung học cơ sở trong vùng.
Minh Tiến mới mở lớp này tại vùng mình sinh sống chừng hơn 1 năm nay. Thầy giáo ngày ngày đi làm ngoài vườn cùng gia đình nhưng chiều tối lại ra lớp. “Mở lớp để mình vừa tự tập, vừa tập cho các em trong vùng, tập cho có sức khỏe là chính” - Tiến nói. Lúc đầu lớp tập khá ít, nhưng dần các bạn cùng rủ nhau đi, đến nay đã đông dần lên gần 40 em và tập luyện rất đều đặn.
Gần đây, trước thành công của lớp học võ gần nhà này, Minh Tiến đã tự tin mở thêm một lớp ở Trường Tiểu học Quảng Lập tại xã Quảng Lập trong huyện, cách khá xa nhà. Được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của Ban Giám hiệu trường, lớp học này đến nay đã có trên 90 học sinh trong trường theo học. “Lúc đầu các em cũng rụt rè nhưng khi làm quen lớp, các em rất thích đi học và rủ bạn bè trong lớp cùng đi tập chung, phụ huynh cũng mong con mình có cơ hội được vận động sau giờ học”. Cả 2 lớp học này Tiến dạy xen kẽ các ngày trong tuần, thêm một HLV 2 đẳng cùng phụ lớp. “Chắc về lâu dài sẽ theo nghiệp HLV luôn” - Minh Tiến tươi cười.
Một điểm tập Taekwondo khác cũng mới mở hơn năm nay với trên 30 học sinh theo học tại Đơn Dương, đó là điểm tập của HLV Nguyễn Thái Hiền tại Trường Tiểu học Lạc Lâm, xã Lạc Lâm.
Sinh năm 1977, HLV đai đen 3 đẳng này bắt đầu học võ từ năm 14 tuổi và gắn bó với Taekwondo từ đó đến nay. Hằng ngày Thái Hiền có công việc nhà, chỉ buổi tối mới đến các phòng tập. Trước đây, Thái Hiền đi hỗ trợ cho một phòng tập khác nhưng gần đây đã có phòng tập của riêng mình.
Theo võ sư Thái Hiền, để là HLV dạy võ thì nam hay nữ không quan trọng, “Điều cần nhất là mình có thích hay không” - chị nói. Như tại Đơn Dương, trước đây, theo chị, nữ đi tập võ không nhiều, chủ yếu là nam, nhưng nay các lớp võ nơi đây nữ đã nhiều hơn nam. “Học võ bây giờ chủ yếu tập cho khỏe, bởi trẻ em bây giờ có quá nhiều thứ để giải trí, chỉ thích ngồi nhà xem truyền hình hay chơi trò chơi điện thoại nên rất nhiều phụ huynh muốn cho con mình đến lớp võ, có chỗ cho vận động” - HLV Thái Hiền cho biết.
Là HLV nữ, theo võ sư Thái Hiền cũng có điểm mạnh của nó. Đó là việc hướng dẫn cho các em nữ những đòn thế để các em có thể tự vệ hữu hiệu khi bị tấn công bất ngờ, dạy các em tự tin trong cuộc sống, biết cách phòng chống bạo lực gia đình sau này. “Trong thực tế, rất nhiều em nữ khá nhút nhát, khi đến lớp các em mới dần dạn dĩ ra. Đến lớp mình đâu chỉ dạy võ mà còn rèn các em đạo đức, có các bài tập phát triển thể lực, khuyến khích các em cả nam lẫn nữ vận động ngoài trời, yêu thiên nhiên, duy trì một cuộc sống lành mạnh, và điều này đã làm cho nhiều phụ huynh rất thích”- Thái Hiền cho biết.
Có một điểm thú vị là chồng của Thái Hiền cũng là một HLV, đó là võ sư Vũ Đình Ngữ, bạn tập võ cùng thời với vợ, 2 đẳng Taekwondo, nay đang duy trì một điểm tập tại Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Tân Lập, cùng trong xã Lạc Lâm với trên 30 môn sinh tập luyện hằng ngày.
“Khi cây đơm trái”
Khi viết về phong trào Taekwondo Đơn Dương không thể không nhắc đến võ sư Nguyễn Dũng, đai đen 6 đẳng, hiện đang là Phó Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Lâm Đồng.
Sinh năm 1953, võ sư Nguyễn Dũng là người Đà Lạt, đến với Taekwondo rất sớm khi môn võ này có mặt tại thành phố hoa. Sau ngày thống nhất đất nước, ông về Đơn Dương sinh sống tại thị trấn Thạnh Mỹ. Năm 1990 ông bắt đầu mở lớp dạy võ tại Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện để dạy võ, ngày ngày đi làm vườn, trồng cà phê, trồng mía, buổi tối đến lớp. Cho đến nay, dù nhiều tuổi, không làm vườn nữa nhưng ông vẫn còn duy trì lớp dạy võ này tại đây với khoảng 30 môn sinh tập luyện hằng đêm.
Trong bao nhiêu năm đến lớp đó, võ sư Nguyễn Dũng đã dạy không biết bao nhiêu thế hệ. “Hầu hết đều đi học cho khỏe, biết tự vệ, biết cách xoay xở trong những tình huống bất đắc dĩ, nhưng khi hoàn thành chương trình phổ thông hầu hết các em đều lên bậc đại học hay đi học nghề, ra đời có công ăn việc làm, có vị trí xã hội. Nhiều em đến nay tôi biết vẫn tiếp tục duy trì tập võ, không ít em đã đai đen 2-3 đẳng nhưng cũng chỉ để rèn luyện sức khỏe” - ông mỉm cười.
Trong dạy võ, võ sư Nguyễn Dũng cho biết ông luôn lấy việc dạy đạo đức võ thuật làm đầu. “Tôi dạy đạo đức các em nhiều hơn võ thuật. Một người học võ, giỏi võ không thể là một kẻ đi ỷ mạnh hiếp yếu, tiếp tay cho những kẻ xấu làm chuyện không hay trong xã hội. Cho nên từ đó đến nay học trò các thế hệ trong huyện của tôi đều giữ được điểm hay này, hầu như không có chuyện gây rối, gây mất trật tự liên quan đến các em” - ông tự hào.
Và một niềm vui đã đến với ông trong những năm gần đây chính là việc không ít các học trò của ông đào tạo đã hướng theo nghiệp võ như ông. Đó là các học trò như HLV Đinh Nguyễn Minh Tiến, HLV Nguyễn Thái Hiền, HLV Vũ Đình Ngữ đã mở các lớp dạy như trên. Hiện trên địa bàn Đơn Dương, xung quanh thị trấn Thạnh Mỹ như Quảng Lập, Đạ Ròn, Lạc Lâm, P’ró nay đều đã có các lớp dạy Taekwondo, sắp đến sẽ có thêm một phòng tập nữa mở tại xã Tu Tra.
“Như một cây ăn trái mình trồng, mình cứ chăm sóc, bón phân đầy đủ, nay đã đến lúc cây ra trái ngọt”- võ sư Nguyễn Dũng nói một cách hình tượng. “Tôi rất vui khi thấy học trò mở được lớp, đưa Taekwondo đến với các trường học và đến với các xã. Học trò phải hơn thầy để vươn xa hơn nữa, phát triển phong trào tại địa phương, tương lai thuộc về lớp trẻ” - võ sư Nguyễn Dũng tươi cười.