Bước phát triển vững chắc của thể thao Việt Nam

Năm 2019 ghi dấu ấn phát triển của thể thao Việt Nam với nhiều thành tích, trong đó có thành tích giành ngôi thứ hai toàn đoàn tại SEA Games 30, nổi bật là hai tấm Huy chương Vàng (HCV) môn bóng đá nam, bóng đá nữ. Không những đoạt nhiều huy chương, đây cũng là kỳ đại hội thứ hai liên tiếp, thể thao nước ta thắng lớn ở các môn thi đấu cơ bản Olympic. Qua đó cho thấy sự phát triển bền vững và thực chất từ sự đầu tư và định hướng lâu dài của thể thao Việt Nam thời gian qua.

Nhìn lại năm 2019

Ðội tuyển taekwondo Việt Nam đoạt Huy chương Vàng quyền đồng đội tại SEA Games 30.

Ðội tuyển taekwondo Việt Nam đoạt Huy chương Vàng quyền đồng đội tại SEA Games 30.

Bền vững và thực chất

Thể thao Việt Nam trong năm 2019 tiếp tục có bước phát triển vững chắc, có thể thấy rõ nhất qua thành tích của các đội tuyển nước ta ở những môn thể thao thi đấu trong hệ thống Olympic và các môn mang tính tập thể như bóng đá tại Ðại hội thể thao Ðông - Nam Á lần thứ 30 (SEA Games 30) vừa kết thúc tại Philippines.

Không phải là nước chủ nhà đăng cai đại hội, nhưng đoàn thể thao nước ta đã vượt qua Thái Lan để về thứ hai toàn đoàn với số lượng 98 HCV, tạo ra cách biệt hơn Thái Lan tới sáu HCV. Ðáng nói hơn, không chỉ tính về số lượng huy chương, thể thao Việt Nam đã thể hiện sức mạnh thật sự khi vượt đoàn bạn và dẫn đầu khu vực ở các môn thể thao Olympic. Ðại hội có 33 môn thể thao Olympic (sẽ thi đấu tại Olympic Tokyo 2020) với 231 nội dung được tổ chức thì Việt Nam đã đoạt 56 HCV (nhiều hơn nước chủ nhà Philippines và Thái Lan tới 12 huy chương), 42 Huy chương bạc và 46 Huy chương đồng, trong đó riêng bơi và điền kinh vẫn dẫn đầu với tổng cộng 25 HCV. Cụ thể, đội tuyển điền kinh có 16 HCV, đội tuyển vật có 12 HCV bên cạnh các đội tuyển bơi có 11 HCV, môn kurash có bảy HCV, võ gậy có bốn HCV, cử tạ có bốn HCV... Về bơi, tuy "kình ngư" Ánh Viên không đạt được mục tiêu đề ra là tám HCV, nhưng cũng đạt thành tích nổi trội với sáu HCV cá nhân, đoạt danh hiệu Vận động viên nữ xuất sắc nhất SEA Games 30. Cùng với Ánh Viên, Nguyễn Huy Hoàng phá kỷ lục SEA Games - giành vé dự Olympic 2020; kình ngư trẻ 16 tuổi Trần Hưng Nguyên cũng giành hai HCV phá kỷ lục SEA Games. Ðây là thành tích xuất sắc khi Ánh Viên và các đồng đội của mình vẫn giữ được thành tích hàng đầu khu vực từ kỳ đại hội trước, bởi đã có một thời gian dài, các vận động viên (VÐV) bơi Việt Nam không thể giành nổi dù chỉ một HCV của khu vực. Thành công vang dội mà thể thao khu vực phải thừa nhận không thể vượt qua Việt Nam là ở môn vật khi chúng ta thâu tóm gần như toàn bộ HCV với 12 HCV. Ðó là chưa tính tới môn kurash, một môn võ gần giống vật, cùng với đội tuyển Philippines, đội tuyển nước ta cũng vô địch ở hai phần ba nội dung thi đấu. Bóng bàn cũng duy trì được thành tích với tấm HCV ở nội dung đôi nam, trong khi đấu kiếm có ba HCV cùng thể dục dụng cụ đoạt hai HCV. Sự toàn diện của thể thao Việt Nam còn thể hiện ở HCV quần vợt đơn nam và việc lần đầu bóng rổ nam đã giành được huy chương tại đại hội.

Khẳng định vị thế hàng đầu khu vực, thể thao Việt Nam cũng bước đầu hội nhập ở những sân chơi tầm châu lục và thế giới ở các môn thể thao thành tích cao trong hệ thống thi đấu Olympic. Có thể nêu thành tích nổi bật trong năm 2019 của các đội tuyển như: Ba HCV của môn đua thuyền canoeing tại Giải Cúp thế giới, đội tuyển taekwondo giành một HCV Giải taekwondo GrandPrix thế giới, đội tuyển điền kinh giành một HCV tại Giải vô địch Ðiền kinh châu Á của Quách Thị Lan, cử tạ có sáu HCV Giải cử tạ Cúp thế giới, ba HCV Giải vô địch Cử tạ trẻ thế giới và ba HCV Giải vô địch cử tạ châu Á, thể dục dụng cụ cũng có một HCV ở Giải Cúp trẻ thế giới và lần đầu có một HCÐ tại Giải vô địch Thể dục dụng cụ châu Á của VÐV Lê Thanh Tùng, các môn võ thuật như wushu, karatedo cũng lập được một số chiến công ở các đấu trường châu lục... Riêng cờ vua, bên cạnh ngôi vô địch cờ vua châu Á của Lê Quang Liêm, đội tuyển trẻ cờ vua Việt Nam đã xuất sắc giành được 21 HCV tại Giải vô địch Cờ vua trẻ châu Á năm 2019.

Tiếp nối thành công trong năm 2018, bóng đá Việt Nam ghi những dấu son trên các sân chơi khu vực và châu lục với việc đội tuyển U22 Việt Nam lần đầu giành HCV môn bóng đá nam sau nhiều năm chờ đợi tại SEA Games 30 với hành trình bất bại, sáu trận thắng, một trận hòa. Ðội tuyển Việt Nam cũng vào đến tứ kết Asian Cup 2019 và thi đấu thành công, dẫn đầu bảng đấu ở lượt đi vòng loại thứ hai World Cup khu vực châu Á. Bóng đá nữ nước ta cũng lập kỷ lục khi đội tuyển nữ Việt Nam trở thành đội bóng duy nhất trong lịch sử thể thao khu vực khi lần thứ sáu đoạt ngôi vô địch SEA Games 30. Chiến công này một lần nữa khẳng định sức mạnh, đẳng cấp thật sự và vị thế hàng đầu của bóng đá Việt Nam tại khu vực, đang vươn tầm châu lục. Thành tích của bóng đá nước ta có nền tảng từ sự đầu tư trong nhiều năm qua cho công tác đào tạo bóng đá trẻ và những đổi mới hoạt động của các câu lạc bộ. Trong khi đó, Giải bóng đá vô địch quốc gia V.League được tổ chức theo hướng chuyên nghiệp hóa, có tính đua tranh và chất lượng chuyên môn ngày càng cao. V.League 1-2009 được đánh giá tương đối sạch so với các kỳ giải trước khi ít điều tiếng về những nghi vấn mua điểm hay các tiêu cực bán độ. Những bất cập trong công tác điều hành của trọng tài, tổ chức thi đấu và công tác an ninh, nạn bạo lực đang được khắc phục và kiên quyết xử lý.

Có thể nói, thể thao Việt Nam đã và đang từng bước thể hiện sức mạnh hàng đầu khu vực một cách thực chất và bền vững qua thành tích cao được duy trì liên tục ở những môn thể thao Olympic và bóng đá chứ không chỉ là thành tích hình thức qua số lượng huy chương.

Nỗ lực vươn tầm

Cùng với sự phát triển của kinh tế đất nước, thể thao Việt Nam những năm qua đã được Ðảng, Nhà nước quan tâm đầu tư với tầm nhìn chiến lược lâu dài, tập trung đầu tư cho những môn thể thao Olympic một cách trọng tâm, trọng điểm bên cạnh việc mở rộng phong trào tập luyện thi đấu thể thao ở các địa phương. Ðó là tiền đề cho những bước phát triển mạnh mẽ, dẫn tới thành tích nổi bật trong những năm gần đây, nhất là năm 2019, trong đó, có phần đóng góp không nhỏ từ phương thức xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho thể thao. Ðịnh hướng đúng đắn này đã mang lại hiệu quả rõ rệt ở những môn thể thao đang tiến bước trên con đường chuyên nghiệp hóa như bóng đá, quần vợt, bóng rổ... là điều kiện cho VÐV các môn như bơi, cờ vua, bắn súng, đấu kiếm, thể dục dụng cụ, khiêu vũ thể thao... có thể tập luyện, thi đấu thành công trên các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới, giúp chúng ta có thêm nhiều hơn những VÐV đẳng cấp.

Với những thành tựu vừa qua, đã đến lúc thể thao Việt Nam cần một sự chuyển mình mạnh mẽ, tập trung đầu tư chiều sâu cho các bộ môn, các VÐV để hướng tới những mục tiêu xa hơn, vươn tầm châu lục, nhất là trên đấu trường Olympic, chứ không chỉ loay hoay, bằng lòng với mục tiêu duy trì thành tích tốp đầu khu vực. Nói như thế, có nghĩa là phải có những mục tiêu cụ thể, không đầu tư dàn trải để chạy đua huy chương khu vực. Thực tế cho thấy, từ những thành công ở lĩnh vực bóng đá khi chúng ta có một sự đầu tư chuẩn bị dài hơi, từ sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong đổi mới cung cách làm bóng đá, cho đến đầu tư xây dựng các câu lạc bộ, giải đấu chuyên nghiệp, các trung tâm đào tạo, tuyển chọn, tìm kiếm tài năng, chuẩn bị lực lượng bóng đá trẻ và tìm kiếm các chuyên gia, huấn luyện viên giỏi. Ðó là nền tảng giúp các đội tuyển trẻ U22, U23 và đội tuyển quốc gia tạo nên những thành tích chưa từng có trong hai năm trở lại đây.

Trước mắt, thể thao Việt Nam đang hướng tới chuẩn bị cho Olympic 2020 tại Tokyo (Nhật Bản). Thời gian không còn nhiều và thật sự đáng lo khi chúng ta mới chỉ có được bốn suất dự Thế vận hội ở các môn bắn cung, thể dục dụng cụ, trong đó riêng môn bắn cung đã có hai VÐV. Trong khi đó, năm 2019, thể thao Việt Nam có 66 VÐV trọng điểm được đầu tư ở 18 môn thể thao, như vậy nếu tính về hiệu quả thì chưa thật cao. Lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam cũng đã nhận ra những hạn chế của thể thao nước nhà và đang có giải pháp khắc phục. Theo Tổng cục trưởng Thể dục Thể thao Trần Ðức Phấn, sau SEA Games 30, Tổng cục sẽ xem xét lại quy trình đào tạo, huấn luyện để tập trung đầu tư và tìm kiếm huấn luyện viên cho các VÐV có khả năng giành suất dự Olympic ở những môn và nội dung phù hợp nhằm đạt thành tích cao tại Thế vận hội. Về lâu dài, trong một số môn thể thao có nhiều tiềm năng và phù hợp tố chất con người Việt Nam, cần đổi mới theo hướng chuyên nghiệp hóa, đầu tư, đãi ngộ các VÐV, huấn luyện viên, tạo môi trường tập luyện, thi đấu. Ðiều này đòi hỏi sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, qua đó mới có thể giải quyết những bất cập giữa tiềm năng và thực tế phát huy tiềm năng đó trong thời gian tới.

TIẾN CƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thethao/item/42668802-buoc-phat-trien-vung-chac-cua-the-thao-viet-nam.html