Bước qua quãng đời tù tội, người đàn ông ngày ngày phát cơm ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM
Sau quãng thời gian tù tội, ông Nguyễn Thanh Cường đã quay về với cuộc sống thiện lương, ngày ngày phát cơm tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để giúp đỡ bà con khó khăn.
Quá khứ tội lỗi
Trước mặt chúng tôi là người đàn ông hơn 50 tuổi, làn da sạm đen, giọng trầm. Ông tự nhận mình đã đi quá nửa đời người, nếm trải mọi buồn vui sướng khổ.
Bất kể bận rộn thế nào, 12h trưa là lúc ông xắn tay xuống bếp, đếm cơm phần, kiểm tra thức ăn. Gian bếp nằm trong quán cà phê Ba Cu (quận 8) luôn sực nức mùi thơm của thức ăn.
Miếng gà rán vàng giòn óng ánh, mớ ếch xào lăn, cá nục kho măng... Tất cả đều được chuyển đến trước cổng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để phát cho bệnh nhân, người khó khăn.
Bếp ăn của ông Cường
1/2 quãng thời gian tuổi trẻ của ông Nguyễn Thanh Cường (ngụ quận 8) là những mảng tối. 17 tuổi, ông bỏ học đi cướp. "Ba ruột đã từng giận tôi tới mức đánh gãy ngón tay nhưng tôi vẫn rất lì đòn. Tôi chạy xe theo mấy tên cướp vặt, đem tang vật của chúng đi bán kiếm tiền. Tôi du nhập vào giới giang hồ để chứng tỏ mình có gan", ông nhớ lại thời tuổi trẻ.
Vào thập niên 80, cái tên "Cường Ba Cu" nổi danh khắp Sài Gòn. Ông Cường đã có 4 lần vào tù ra khám, lúc thì bị bắt vì tội cướp giật, khi vướng vào tệ nạn cờ bạc... Người thân khuyên răn không được, khóc hết nước mắt.
"Trước lúc ra đi, ba tôi trăn trối đừng làm người tù tội nữa. Tôi buồn mấy ngày liền rồi quyết định "gác kiếm" hoàn lương. Tôi biết rằng mình còn có một gia đình, những đứa con của tôi cũng lớn và chuẩn bị bước vào Đại học. Chúng vẫn chờ ba trở thành một người lương thiện như những người ba khác. Tôi biết mình phải tu tâm dưỡng tính từ đó", ông Cường nói.
Mấy chục năm trời từ khi hoàn lương, người ta lại bắt gặp "gã giang hồ" ngày nào cầm loa, đứng trước Bệnh viện Ung bướu TP.HCM phát cơm.
Cách đây 10 năm, sau cái chết của người bạn thân bị ung thư, ông Cường nguyện với lòng rằng sẽ làm việc thiện nguyện suốt 49 ngày như một lời tiễn biệt sau cuối dành cho bạn. Nhưng khi đi qua 49 ngày phát cơm, những bệnh nhân ung thư ốm yếu, trọc tóc, run rẩy... vẫn đứng chờ ông trước bệnh viện. "Không bỏ được, thế là tôi lại lao vào làm đến giờ", ông Cường nói.
"Cơm Ba Cu"
Đó là một thương hiệu cơm miễn phí mà các bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) luôn nhớ đến.
"Trước cổng bệnh viện là một xã hội thu nhỏ", ông Cường tâm sự. Bởi không chỉ có những người bệnh gầy gò, đang héo mòn sự sống đợi nhận cơm, nơi đó còn có người xấu trà trộn, móc túi, "dân xã hội" bụi đời quấy phá.
Ông Cường cho biết: "Mấy lần như thế, tôi lại bắt đầu khuyên chúng. Tôi cũng từng là "người xấu", từng tù tội, cướp giật... Bạn biết không, bây giờ họ lại trở thành người phụ xe cơm miễn phí của tôi đó. Hằng ngày, họ sẽ phụ phát thẻ, đưa cơm cho người bệnh. Có những đứa nhỏ bụi đời ở cổng bệnh viện 24/24, nên nhìn một loáng nó sẽ biết người nào là người trà trộn, lười biếng lao động. Tôi muốn giành phần cơm cho người khó khăn thật sự".
Ung thư là căn bệnh quái ác, nó khiến nhiều người thân xung quanh ông lần lượt ra đi. Và thậm chí, vào năm 2018, chính ông Cường cũng đã phải chiến đấu với căn bệnh này. Cơn ho, đau họng kéo dài khiến ông phải vào bệnh viện khám. Bác sĩ chẩn đoán ông bệnh lao, kèm một khối u trong phổi. Tinh thần ông trở nên suy sụp, âm thầm phẫu thuật rồi nằm nhà gần 1 năm trời.
Ông nhớ lại: "Trong thời gian đó, tôi phải tạm ngưng phát cơm nhưng lâu lâu điện thoại vẫn reo lên tin nhắn của người bệnh. Họ đói, họ mệt, họ cần có những phần cơm miễn phí, thế là tôi lại bật dậy nhắn tin cho người nhà để điều hành việc phát cơm từ xa.
Tôi tin rằng, việc mình giúp được người khác sẽ trở thành niềm hạnh phúc cho chính mình. Năm ngoái, trước khi TP.HCM bước vào giãn cách xã hội, có cậu thanh niên kia chẳng may bị tai nạn giao thông nhập viện, tôi vào thăm thấy gương mặt nó máu me, chằng chịt vết thương. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn chẳng kịp ứng cứu, tôi móc liền 30 triệu đưa nó, dù chẳng quen biết từ trước. Tôi chỉ muốn nó được sống, thế thôi".
Suốt 3 năm qua, chính ông cũng thừa nhận mình đã từ chối rất nhiều cuộc gặp gỡ với truyền thông. Nhiều người đã mượn tên của ông để lập ra quỹ từ thiện, kêu gọi quyên góp nhằm mục đích trục lợi. "Tôi không muốn nói nhiều về mình, quá khứ tù tội rồi trở thành người bình thường không có gì đặc biệt. Nhiều lúc, tôi tự hỏi sao mình không trở thành người tốt ngay từ đầu".
Đối với ông Cường, lằn ranh giữa người tốt và người xấu vốn rất mong manh. Có người hôm nay là người tốt, ngày mai lại bị phanh phui, trở thành người xấu. Có người quá khứ đầy rẫy tội lỗi, nhưng lại biết hướng thiện. "Bằng cách này hay cách khác, điều quan trọng nhất là phải giữ được lương tri của mình", ông quan niệm.