Bước sảy chân tạo thêm khủng hoảng cho Nhà Trắng
Bê bối tài liệu mật của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phủ bóng Nhà Trắng, khiến chính quyền của ông phải đối mặt với những thách thức mới trong thời gian tới.
Một ngày đầu tháng 11/2022, khi các luật sư của Tổng thống Joe Biden lần đầu tìm thấy tài liệu mật tại văn phòng riêng của ông ở Washington, D.C., những trợ lý biết về sự việc đã nhận được yêu cầu không phát biểu bất kỳ điều gì công khai có thể ảnh hưởng đến cuộc điều tra.
Trong 68 ngày, không có chuyện gì xảy ra. Khi câu chuyện xuất hiện trước công chúng vào tuần trước, Nhà Trắng vẫn chọn lọc thông tin chia sẻ, dẫn đến hàng loạt nghi vấn và chỉ trích về mức độ cùng thời điểm tiết lộ.
Bản thân ông Biden dường như cũng thấy mất kiên nhẫn về những gì mà ông có thể tiết lộ công khai. Tổng thống Mỹ nói với các phóng viên hai lần vào tuần trước rằng ông hy vọng có thể thông báo nhiều hơn về vấn đề trên.
“Nếu Chúa phù hộ, tôi hy vọng sẽ sớm có cơ hội nói về tất cả điều này”, Tổng thống Biden nói hôm 12/1, vài giờ trước khi Tổng chưởng lý Merrick Garland bổ nhiệm công tố viên đặc biệt để giám sát cuộc điều tra.
Nơi hậu trường, các nguồn tin cho biết ông Biden ngày càng thất vọng với diễn biến của sự việc, đặc biệt là cách chính quyền của ông xử lý câu chuyện khi nó đang đi xa khỏi giai đoạn tích cực.
Những người thân cận với Nhà Trắng tiết lộ các trợ lý của ông Biden đang có suy nghĩ từ chức trong yên lặng, cam chịu chấp nhận kết quả, khi họ cũng đang chờ xem liệu tin tức về các tài liệu mật bị đặt sai chỗ có xuất hiện trong những ngày tới hay không, theo CNN.
Vào hôm 16/1, nhiều ngày sau khi các tài liệu mật được tìm thấy tại văn phòng cũ và nhà riêng của tổng thống ở Wilmington, ông Biden chỉ có một mục trong lịch trình công khai của mình: Phát biểu trước Mạng lưới Hành động Quốc gia để kỷ niệm Ngày Martin Luther King Jr.
Linh mục Al Sharpton, người đã thành lập mạng lưới, nói với CNN hôm 16/1 rằng ông Biden tỏ ra “lạc quan” khi hai người nói chuyện riêng bên lề sự kiện. Ông Sharpton cho biết tổng thống không đề cập đến câu chuyện tài liệu mật đã nhấn chìm Nhà Trắng trong tuần qua.
“Chắc chắn xấu hổ”
Việc ông Biden quyết định tránh nêu chủ đề này, kể cả ở nơi công cộng hay trong các cuộc trò chuyện với đồng minh, nằm trong nỗ lực của đội ngũ ông để tránh gây tổn hại đến cuộc điều tra và khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn
Bob Bauer, luật sư riêng của tổng thống, người chịu trách nhiệm xử lý vấn đề tài liệu, đã khẳng định rằng việc tiết lộ công khai chi tiết về cuộc điều tra có thể ảnh hưởng đến những cuộc điều tra khác đang diễn ra, hiện do công tố viên đặc biệt Robert Hur phụ trách.
Trong tuyên bố công khai đầu tiên về vụ việc, ông Bauer cho biết các luật sư riêng của Tổng thống Biden “đã cố gắng cân bằng tầm quan trọng của việc minh bạch trước công chúng với những quy chuẩn được thiết lập và các hạn chế cần thiết để bảo vệ tính toàn vẹn của cuộc điều tra".
“Những cân nhắc này yêu cầu tránh tiết lộ công khai chi tiết liên quan đến cuộc điều tra trong khi nó đang diễn ra”, ông cho biết.
Một nhóm nhỏ cố vấn Nhà Trắng, những người đã biết về vụ việc trong hai tháng qua, và chính ông Biden, cũng bám sát quy tắc này. Họ tin rằng việc tiết lộ thêm thông tin có thể gây hại cho cuộc điều tra.
Tuy nhiên, ngay cả một số đồng minh thân cận nhất của tổng thống cũng đặt câu hỏi tại sao Nhà Trắng lại chờ đợi quá lâu trước khi công khai về các tài liệu mật bị đặt sai vị trí, vốn lần đầu tiên được tìm thấy vào đầu tháng 11/2022.
Họ cũng thắc mắc tại sao lúc văn phòng cố vấn Nhà Trắng lần đầu tiên xác nhận vào tuần trước về một loạt tài liệu mật được tìm thấy tại văn phòng ông Biden, lại không đề cập đến các tài liệu khác được phát hiện thêm sau đó tại nhà tổng thống ở Wilmington, Delaware vào tháng 12/2022.
Cựu Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Doug Jones, một đồng minh thân cận của Biden, nói với CNN trong cuộc phỏng vấn rằng theo quan điểm của ông, Nhà Trắng đã gặp rắc rối do “những sai lầm tự mình gây ra”.
Ông Jones cho rằng các luật sư của ông Biden đã xử lý tình huống “hoàn toàn phù hợp” bằng cách thông báo ngay cho Cục Lưu trữ Quốc gia sau khi tình cờ phát hiện ra lô tài liệu mật đầu tiên.
Nhưng khi cố vấn đặc biệt của tổng thống Mỹ, Richard Sauber, đưa ra tuyên bố đầu tiên xác nhận sự việc đó vào tuần trước, ông Jones nói rằng Nhà Trắng đã mắc sai lầm nghiêm trọng.
"Một khi bạn đưa ra tuyên bố, một khi bạn biết sự thật, bạn phải công bố toàn bộ và đầy đủ những điều đó. Nhưng chúng đã không đầy đủ và trọn vẹn”, ông Jones cho hay. “Họ nói về đợt tài liệu đầu tiên nhưng không nói về đợt tài liệu thứ hai mặc dù biết về nó".
Cuối tuần qua, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Debbie Stabenow cho biết việc phát hiện ra các tài liệu mật “chắc chắn là điều đáng xấu hổ" đối với ông Biden.
“Rõ ràng, đó là một trong những khoảnh khắc mà họ ước rằng điều đó đã không xảy ra”, Stabenow nói trên chương trình của NBC.
Thách thức
Nếu các tài liệu mật bị đặt sai chỗ tạo ra cuộc khủng hoảng mới cho chính quyền Biden, thì sự nhạy cảm pháp lý xung quanh vấn đề này ngăn Nhà Trắng triển khai các công cụ trong chương trình nghị sự của mình.
Trong tuần qua, các quan chức Nhà Trắng đã tỏ ra thận trọng khi bị đặt câu hỏi về các tài liệu mật, nói rằng việc Bộ Tư pháp Mỹ đang xem xét lại là lý do họ không thể chia sẻ bất kỳ thông tin nào về vấn đề này.
Tuần trước, sau khi tiết lộ đầu tiên về các tài liệu tại văn phòng riêng của ông Biden xuất hiện, Nhà Trắng đã có cuộc gọi với những đồng minh hàng đầu để giải thích về cuộc điều tra, với hy vọng dập tắt những lời chỉ trích và nghi vấn ngày càng tăng.
Trong cuộc gọi, một quan chức Nhà Trắng cho biết số lượng tài liệu “ít hơn một tá" và không có tài liệu nào "đặc biệt nhạy cảm".
Thế nhưng, chỉ một ngày sau khi tin tức nổi lên, các tài liệu khác đã được tìm thấy ở địa điểm thứ hai, nâng tổng số tài liệu mật lên khoảng 20. Điều này làm các quan chức Nhà Trắng gặp khó khăn lý giải câu chuyện khi không có bức tranh toàn cảnh về sự việc.
Các trợ lý của ông Biden thừa nhận rằng những tuần hoặc tháng tới sẽ rất thách thức bởi họ phải đứng trước cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt, trong khi tiếp tục thúc đẩy các chương trình nghị sự giữa bối cảnh ông Biden được dự đoán có thể thông báo về việc tìm cách tái tranh cử, sớm nhất là vào đầu tháng tới.
Gần như chắc chắn sẽ có những câu hỏi về việc phụ tá nào được gọi để làm chứng trước công tố viên đặc biệt, và ai, nếu có, phải chịu trách nhiệm về việc các tài liệu bị đặt sai chỗ.
Bên cạnh đó, theo Washington Post, vụ việc có thể cản trở kế hoạch của ông Biden trong thời gian tới, đồng thời lấy đi động lực mà ông đã tích lũy được trong nửa đầu nhiệm kỳ.
Dù vậy, một số đồng minh của tổng thống Mỹ nhận định việc bổ nhiệm ông Hur có thể hữu ích về lâu dài khi so sánh với cựu Tổng thống Donald Trump - người cũng đang bị điều tra về việc xử lý các tài liệu mật.
Các trợ lý của ông Biden tin rằng kết quả từ hai công tố viên đặc biệt sẽ chứng minh sự khác biệt rõ ràng giữa hai trường hợp. Một đồng minh đã ví nó giống như tình huống “nỗi đau ngắn hạn, lợi ích lâu dài”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buoc-say-chan-tao-them-khung-hoang-cho-nha-trang-post1394759.html