Bước tiến cho giao thông văn minh
Nghị định 168/2024/NĐ-CP, ban hành vào đầu năm 2025, đang thu hút sự chú ý của dư luận với không ít ý kiến trái chiều. Trước những băn khoăn về mục tiêu và hiệu lực của Nghị định, điều cần thiết là đánh giá khách quan để thấy rõ ý nghĩa của văn bản này trong việc nâng cao trật tự an toàn giao thông trên phạm vi toàn quốc.
Theo cơ quan chức năng, Nghị định 168 được ban hành theo trình tự rút gọn nhằm ứng phó với tình trạng tai nạn giao thông gia tăng. Điều này phù hợp với quy định tại Điều 151, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhấn mạnh sự cần thiết phải khắc phục kẽ hở pháp lý và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Việc Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 là bước đi quan trọng để đồng bộ hóa với Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Thực tế, vấn đề giao thông tại các thành phố lớn thường tập trung vào tình trạng ùn tắc và vi phạm tín hiệu giao thông vào giờ cao điểm, trong khi ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, những yếu tố địa hình phức tạp, hiểm trở và sự chủ quan khi tham gia giao thông dẫn đến nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Thống kê trong 15 ngày đầu thực hiện Nghị định 168 cho thấy có 681 vụ tai nạn giao thông, làm 365 người tử vong và 453 người bị thương - giảm đáng kể so với cùng kỳ trước đó.
Một trong những điểm gây tranh cãi là mức phạt tăng cao, cụ thể: Người điều khiển ô tô vượt đèn đỏ có thể bị phạt từ 18 đến 20 triệu đồng, trong khi mức phạt đối với xe máy là từ 4 đến 6 triệu đồng. Điều này làm dấy lên lo ngại về gánh nặng kinh tế cho người thu nhập thấp, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ giữa hành vi cố tình vi phạm và những khó khăn khách quan. Việc phóng nhanh, vượt ẩu trên các tuyến đường đèo dốc thường dẫn đến hậu quả thảm khốc, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, tăng chế tài xử phạt không chỉ mang tính răn đe mà còn là biện pháp cần thiết để bảo vệ chính người dân khỏi những hiểm họa.
Về câu chuyện còn “lăn tăn” như lỗi hệ thống đèn tín hiệu giao thông, Cục Cảnh sát giao thông đã cam kết khắc phục các vấn đề kỹ thuật, cùng với đó, những trường hợp vi phạm do trục trặc hệ thống sẽ không bị xử phạt. Ngoài ra, việc áp dụng hệ thống camera giám sát và các chốt kiểm tra được triển khai đồng bộ giúp người dân hiểu rõ vi phạm của mình, giảm thiểu các tranh cãi và khiếu nại không cần thiết. Bên cạnh đó, người dân có thể giám sát quy trình xử lý vi phạm thông qua các ứng dụng phản ánh giao thông trực tuyến và đường dây nóng. Đây là minh chứng cho nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc đảm bảo tính minh bạch và gia tăng niềm tin từ cộng đồng.
Hiện, một số trang mạng đã lợi dụng tình hình để đưa ra những luận điệu sai lệch rằng việc tăng mức phạt nhằm mục đích “tận thu ngân sách”. Trên thực tế, các khoản tiền xử phạt đều được quản lý chặt chẽ theo Luật Ngân sách Nhà nước và được sử dụng đúng mục đích để nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông. Thực tế, các quốc gia phát triển cũng áp dụng các chế tài xử phạt cao đi đôi với hệ thống giám sát minh bạch, qua đó xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi các mô hình này để áp dụng linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng địa phương.
Nghị định 168 không chỉ đơn thuần là một văn bản pháp lý mà còn là lời nhắc nhở về ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông, tạo ra một bước tiến cho giao thông văn minh, giúp người dân xây dựng thói quen sống an toàn, tránh được những mất mát không đáng có. Mỗi hành động tuân thủ luật lệ giao thông, dù nhỏ, đều đóng góp vào mục tiêu chung là xây dựng một xã hội an toàn, nhân văn trong đời sống hiện tại và tương lai.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/buoc-tien-cho-giao-thong-van-minh-post486289.html