Bước tiến của wushu Việt Nam
SEA Games 31 ghi nhận chiến thắng vang dội của đội tuyển wushu Việt Nam. Trong tất cả các trận chung kết ở nội dung đối kháng (tán thủ), các võ sĩ Việt Nam đều thắng và thắng rất nhanh, cho thấy trình độ vượt trội trong khu vực.
“Mở hàng” may mắn là nữ võ sĩ 21 tuổi Ngô Phương Nga (hạng cân 52kg), tiếp theo là nữ tán thủ Nguyễn Thị Thu Thủy (hạng cân 56kg) và Nguyễn Thị Trang (hạng cân 60kg). Sau đó là các võ sĩ nam: Bùi Trường Giang (hạng cân 60kg nam), Trương Văn Chưởng (hạng cân 65kg nam), Nguyễn Văn Tài (hạng cân 70kg nam). Cả sáu võ sĩ của Việt Nam đã lần lượt vượt qua các đối thủ mạnh đến từ các quốc gia: Indonesia, Thái Lan và Myanmar. Kết thúc thi đấu tại SEA Games 31, chỉ riêng môn wushu đã mang về cho đất nước 20 huy chương, trong đó có: 10 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 7 huy chương đồng. Wushu là một trong những đội tuyển thi đấu thành công, đóng góp nhiều huy chương cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại đại hội lần này. Không những vậy, thành tích cao của đội tuyển wushu cũng truyền cảm hứng để các vận động viên thi đấu hết mình, giành những thứ hạng cao trong các môn thi đấu khác tại SEA Games 31.
Nữ tán thủ Ngô Phương Nga cho biết, cô đã chịu nhiều áp lực tinh thần khi lên đài ở trận chung kết, bởi nếu cô thất bại, tâm lý của những người thi đấu sau ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Phương Nga tâm sự: “Tôi chỉ biết cố gắng hết sức thôi, vì mầu cờ sắc áo, để đáp ứng sự mong chờ của cả đội, của người hâm mộ. Đã vào tới trận chung kết thì vận động viên nào cũng mạnh, song tôi có chút may mắn là đối thủ Indonesia thật ra lại không “khó chơi” bằng nữ võ sĩ Philippines mà tôi đã gặp trong trận trước. Kết quả của tôi cũng như của đồng đội tại giải này là quá trình nỗ lực không mệt mỏi của cả thầy lẫn trò trong suốt gần ba năm qua, kể từ SEA Games 30 ở Philippines vào năm 2019”.
Huấn luyện viên wushu Nguyễn Thúy Ngân thừa nhận: Tinh thần tập luyện hăng say, ý chí và quyết tâm thi đấu là điều đáng ghi nhận ở các nữ võ sĩ Việt Nam, nhất là ở nội dung tán thủ. Do dịch Covid-19 trong hai năm qua, các võ sĩ wushu cũng như các vận động viên khác của Việt Nam không được đi tập huấn thi đấu ở nước ngoài. Khi chưa có dịch bệnh, trước mỗi kỳ SEA Games, đội tuyển wushu đều được đi tập huấn ở Trung Quốc. Nhưng trước SEA Games 31, họ chỉ có một chuyến tập huấn 30 ngày tại Đà Nẵng. Để thích nghi với hoàn cảnh mới, các huấn luyện viên phải thay đổi giáo án luyện tập đối với các vận động viên. Các võ sĩ đã nỗ lực gấp bội so với bình thường và bù lại, họ nhận được sự cổ vũ trực tiếp và nhiệt tình của người hâm mộ nước nhà.
Võ sĩ Bùi Trường Giang, người mở đầu loạt chiến thắng của các vận động viên nam Việt Nam ở nội dung tán thủ thừa nhận, anh chịu một ít áp lực tâm lý vì gần 3 năm qua không được tham dự một giải quốc tế nào. Tuy nhiên, các huấn luyện viên đã áp dụng nhiều liệu pháp tinh thần để các học trò không bị “khớp” trước các đối thủ mạnh trong khu vực. Các giải đấu nội bộ cũng có nhiều tác dụng để thành tích của wushu Việt Nam “cất cánh” ở SEA Games 31.
Huấn luyện viên wushu Phan Quốc Phương (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) cảm thấy khá bất ngờ trước thành tích vang dội của các võ sĩ wushu Việt Nam dù anh nắm rõ tương quan lực lượng về wushu của các nước ở Đông Nam Á. Theo huấn luyện viên Phan Quốc Phương: Phong trào luyện tập wushu ở Hà Nội hiện rất phát triển và ở mức cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Bộ môn wushu phù hợp thể trạng và tính cách của con người Việt Nam cho nên thành tích thi đấu của các võ sĩ của chúng ta ngày càng cao. Trong số sáu trận chung kết ở nội dung tán thủ, chỉ có 1 trận võ sĩ của Việt Nam phải qua ba hiệp mới giành được chiến thắng, năm trận còn lại các tán thủ đã thắng áp đảo chỉ sau hai hiệp đấu, khiến đối thủ tâm phục khẩu phục. Điều đó thể hiện rất rõ trình độ của các võ sĩ wushu Việt Nam trong khu vực.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhip-song-the-thao/buoc-tien-cua-wushu-viet-nam--700415/