Bước tiến lớn trong chuyển đổi số của Hòa Bình
Năm 2024, Hòa Bình đã đạt được bước tiến lớn trong chuyển đổi số, trong đó nổi bật là 100% cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; cung cấp hơn 1.000 dịch vụ công trực tuyến toàn trình...
Chuyển đổi số phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội
Tính đến cuối năm 2024, Hòa Bình đã đạt được bước tiến lớn trong phát triển chính quyền số. Trong đó, kết quả nổi bật phải kể đến 100% cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh bao gồm Cổng dịch vụ công tỉnh Hòa Bình với tên miền https://dichvucong.hoabinh.gov.vn hiện đang cung cấp 1.047 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 837 dịch vụ công trực tuyến một phần.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh hiện nay đã thực hiện tích hợp, đăng nhập một lần, đồng bộ hồ sơ thủ tục hành chính; tích hợp 1.264 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Hiện kinh tế số của Hòa Bình chiếm 10,02% GRDP, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt 56%.
Tỉnh đã cấp được 6.203 chứng thư số, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho tổ chức và cá nhân, trong đó: 1.029 chứng thư số cho tổ chức; 5.171 chữ ký số cho cá nhân thuộc các các cơ quan Đảng, nhà nước.
100% các cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, xã đã sử dụng chữ ký số chuyên dùng của tổ chức và 100% lãnh đạo cơ quan, đơn vị sử dụng chữ ký số cá nhân để trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng.
Công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng được triển khai chặt chẽ khi tỉnh đã triển khai đảm bảo an toàn, an ninh mạng mô hình 4 lớp theo hướng dẫn của Bộ TT&TT.
Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh Hòa Bình được thành lập, triển khai thuê dịch vụ hoạt động giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung (SOC) của Hòa Bình giai đoạn 2020 – 2025.
Cải thiện chỉ số Chuyển đổi số DTI năm 2025
Theo Kế hoạch số 208/KH-UBND về Chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình năm 2025, tỉnh phấn đấu vào nhóm xếp hạng khá của quốc gia trong Bảng xếp hạng đánh giá chỉ số Chuyển đổi số DTI vào năm 2025.
Để đạt được mục tiêu trên, Hòa Bình sẽ triển khai thực hiện chuyển đổi số đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh; tiếp tục triển khai chuyển đổi số trên ở các lĩnh vực ưu tiên phục vụ thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển nhanh bền vững; đổi mới căn bản hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước các cấp trên toàn tỉnh; phát triển môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, đẩy nhanh tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu của cơ quan nhà nước một cách an toàn, linh hoạt, ổn định, hiệu quả.
Trong đó, một số mục tiêu cụ thể có thể kể đến như: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động;
100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó;
100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương...
Phấn đấu kinh tế số chiếm từ 20% GRDP của tỉnh; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 50%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt trên 80%;
100% các trường học có ứng dụng công nghệ số trong công tác dạy học và hoạt động quản lý; 100% hệ thống thông tin được xác định, phê duyệt cấp độ và 100% hệ thống thông tin được triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ đã được phê duyệt...
Ngoài ra, Hòa Bình cũng tiếp tục duy trì và nâng cấp Hệ thống giám sát an toàn, an ninh tập trung (SOC) đạt tiêu chuẩn để bảo đảm an toàn, an ninh cho các hệ thống thông tin của tỉnh.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/buoc-tien-lon-trong-chuyen-doi-so-cua-hoa-binh-2356195.html