Bước tiến lớn trong công tác cán bộ: Có vào có ra, có lên có xuống
Ủy viên Bộ Chính trị- Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng, việc cho thôi chức đối với các cán bộ cấp cao như vừa rồi là bước tiến rất lớn trong công tác cán bộ, đảm bảo đúng phương châm 'có lên, có xuống, có vào, có ra'.
Năm 2022, là năm thứ hai cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong những nhiệm vụ đã đề ra, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, quan trọng hàng đầu… Với nỗ lực và quyết tâm cao, công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng trong năm qua đã để lại những dấu ấn đặc biệt với nhiều kết quả đột phá- nhất là trong công tác cán bộ và công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt.
Cán bộ "có vào có ra, có lên có xuống"
Trong năm 2022, hoàn thiện thể chế là một trong những điểm nổi bật trong công tác xây dựng Đảng, với việc kịp thời ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết quan trọng, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đang đặt ra. Điển hình là quy định số 65 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, quy định số 69 về kỷ luật tổ chức Đảng và Đảng viên vi phạm; Quy định 80 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm giới thiệu cán bộ ứng cử, đi liền với đó là Kết luận số 20 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.
Cũng trong năm 2022 có 2 Hội nghị của Trung ương và mỗi hội nghị Trung ương đều ra nghị quyết liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hội nghị Trung ương 5 đã ban hành Nghị quyết số 21 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên trong giai đoạn mới; Hội nghị Trung ương 6 ban hành Nghị quyết số 28 về đổi mới phương thức lãnh đạo cầm quyền của Đảng….Chưa bao giờ trong 1 năm lại ban hành hai Nghị quyết liên quan đến công tác xây dựng đảng như vậy… PGS.TS Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: Các Nghị quyết, quy định của Đảng trong năm 2022 là khâu đầu tiên tạo ra cơ sở chính trị pháp lý cho Đảng ta lãnh đạo cách mạng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế cầm quyền của Đảng trong giai đoạn mới.
PGS.TS Phạm Văn Linh cho biết: "Đảng rất quan tâm bằng việc ban hành hàng loạt văn bản quan trọng, liên quan đến các nội dung cốt yếu của công tác xây dựng đảng. Các nội dung này có quan hệ chặt chẽ với nhau, phù hợp với tình hình xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn mới."
PGS-TS Nguyễn Thị Báo- Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia HCM bình luận: "Thay đổi vị trí cho phù hợp, vừa có ích cho Đảng, cho Nhà nước. Điều đó sẽ lan tỏa sang các tư lệnh bộ, ngành khác. Những người được bổ nhiệm rồi, nhưng khi làm mình thấy không đủ sức nhưng vẫn cố, cuối cùng đến hệ lụy không những cho bản thân mình không cẩn thận vẫn thất bại mà làm ảnh hưởng rất nhiều đến bộ máy của nhà nước."
Năm 2022 cũng là năm chứng kiến một sự kiện lần đầu diễn ra, tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Ban chấp hành Trung ương đã cho thôi tham gia Ban Chấp hành đối với 3 Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đương nhiệm do bị kỷ luật, cảnh cáo, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút…mà không chờ hết nhiệm kỳ hay thời hạn bổ nhiệm. Và mới đây nhất (ngày 30/12) tại kỳ họp bất thường, Ban Chấp hành Trung ương Đảng biểu quyết, thống nhất để ông Phạm Bình Minh thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, ông Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.
Tại các địa phương cũng đã miễn nhiệm một Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh theo các quy định từ chức, bố trí công tác cán bộ sau khi bị kỷ luật. Theo các chuyên gia và đảng viên, việc làm này của Đảng ta là kịp thời, cần thiết, thể hiện rõ quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết về xây dựng chỉnh đốn đảng. Tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức cán bộ mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị- Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng, việc cho thôi chức đối với các cán bộ cấp cao như vừa rồi là bước tiến rất lớn trong công tác cán bộ, đảm bảo đúng phương châm “có lên, có xuống, có vào, có ra” trong công tác cán bộ hướng tới làm cho đảng mạnh hơn và đúng phương châm của công tác cán bộ.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: "Vừa rồi các đồng chí Trung ương đã bị cảnh cáo thì Trung ương cho thôi chức luôn. Nếu trước đây thì họ vẫn tại vị cho hết nhiệm kỳ… Nay thì khác, cho thôi Trung ương. Đó là cách để công việc tốt hơn. Tôi tin rằng, tới đây xu hướng sẽ tốt hơn."
Không còn khái niệm "hạ cánh an toàn"
Ông Nguyễn Ngọc Tú- Cựu chiến binh phường Quan Hoa- quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, đây là những bước tiến có tính đột phá trong sàng lọc đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong xây dựng chỉnh đốn Đảng: "Đảng ta cho các đồng chí Ủy viên Trung ương đương nhiệm thôi tham gia Ban chấp hành Trung ương. Điều đó thể hiện chúng ta thực hiện đúng nguyên tắc cán bộ là: "có lên có xuống, có vào có ra". Những người mà khi năng lực đã bộc lộ những hạn chế, uy tín giảm sút thì Trung ương, Bộ Chính trị đã lập tức cho các đồng chí đó nghỉ công tác, hoặc bố trí những công việc thấp hơn".
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm - Ban tuyên giáo Huyện ủy Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Chúng ta thực hiện song song vừa xây vừa chống. Xây là tạo ra khuôn khổ cơ sở chính trị, pháp lý chuẩn mực để lãnh đạo quản lý cho tốt. Sàng lọc đội ngũ cán bộ đảng viên có chức vụ quyền hạn mà vi phạm điều lệ đảng hay pháp luật Nhà nước trong thực thi công vụ. Đưa cán bộ, đảng viên không còn đủ phẩm chất, năng lực công tác ra khỏi bộ máy."
Công cuộc xây dựng chỉnh đốn đảng năm 2022 đã khẳng định với đội ngũ cán bộ đảng viên và nhân dân là: giờ đây hoàn toàn không còn khái niệm "hạ cánh an toàn" và người đứng đầu cũng không thể vô can khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý. Trong năm qua hàng loạt cán bộ giữ vị trí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, cựu Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh bị hồi tố, truy tố.
Từ đầu năm đến nay đã có 21 người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng tiêu cực, trong đó xử lý hình sự 10 người, cách chức một người, cảnh cáo 5 người và khiển trách 3 người. PGS-TS Vũ Văn Phúc- Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng trung ương cho rằng: việc quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu và cấp ủy khi ở đó có đảng viên vi phạm là điểm nhấn đáng lưu tâm trong xây dựng chỉnh đốn đảng. Việc làm này đã đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đồng thời tránh được tình trạng “tranh công đổ lỗi- ẩn nấp dưới vỏ bọc tập thể”. Đây cũng là tinh thần được nêu ra trong Nghị quyết Trung ương 6 vừa qua.
PGS-TS Vũ Văn Phúc cho rằng: "Lần này Nghị quyết Trung ương 6 nhấn mạnh một điều là: Mỗi một công việc của Đảng phải được phân công cho đến từng người, cán bộ chịu trách nhiệm chính là người đứng đầu. Người đứng đầu đó quyền hạn càng cao thì trách nhiệm và nghĩa vụ càng lớn. Nghị quyết cũng khẳng định rất rõ là một tổ chức Đảng có thể làm nhiều việc. Nhưng một việc chỉ giao cho một tổ chức đảng và một người chịu trách nhiệm chính từ đầu đến cuối cùng và anh không đổ trách nhiệm cho người khác."
Như vậy có thể thấy, năm 2022- một năm mà công tác xây dựng Đảng đã để lại dấu ấn quan trọng với những kết quả vừa "xây" vừa "chống", được kết hợp và thực hiện nhuần nhuyễn, Đảng vừa tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, vừa có đức có tài đồng thời kiên quyết loại bỏ những con người hữu danh vô thực, tự diễn biến, tự chuyển hóa, không vượt qua được chính mình.
Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ đảng viên phải thực hiện cho được phương châm "thà ít mà tốt". Những bước chuyển mạnh mẽ đem lại kết quả rõ ràng, cụ thể, đầy sức thuyết phục. Cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng và tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng đã và đang được Đảng dẫn dắt với sự quyết tâm đồng lòng của cả dân tộc vì một đất nước Việt Nam phát triển và hùng cường./.