Bước tiến quan trọng
TP Hà Nội, với lịch sử lâu đời và giá trị văn hóa phong phú, vẫn luôn đặt trọng tâm vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc kiến trúc, cảnh quan đô thị.
Mới đây, TP ban hành Quy chế quản lý kiến trúc, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc quản lý và phát triển đô thị một cách bền vững. Quy chế này không chỉ giúp quản lý kiến trúc Thủ đô có cơ sở hơn mà còn đặt ra những định hướng rõ ràng cho các vùng quy hoạch mới.
Quy chế quản lý kiến trúc TP Hà Nội được ban hành nhằm quản lý cảnh quan đô thị, nông thôn và kiến trúc các công trình xây dựng theo quy hoạch được duyệt. Quy chế này không chỉ tuân thủ các quy định của Luật Kiến trúc mà còn cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng. Việc ban hành Quy chế quản lý kiến trúc là kịp thời và phù hợp với bối cảnh phát triển của Thủ đô, đặc biệt là sau khi Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được phê duyệt.
Quy chế đã đưa ra những quy định rõ ràng về loại hình công trình và khu vực cụ thể, thể hiện sự nghiêm túc nghiên cứu của TP Hà Nội. Đặc biệt, quy chế đã xác định một số khu vực đặc thù như Trung tâm chính trị Ba Đình, khu vực Hoàng thành Thăng Long, khu vực Cổ Loa, phố cổ, phố cũ và một số khu vực khác. Những quy định này giúp kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển của Thủ đô.
Mặc dù Quy chế quản lý kiến trúc đã đưa ra những quy định cụ thể về khu vực đặc thù và các khu vực phải thi tuyển, nhưng vẫn cần có sự định hướng rõ ràng cho các vùng quy hoạch mới. Các chuyên gia nhận định rằng quy chế chỉ là hoạch định về khung và khi cụ thể từng khu vực sẽ phức tạp hơn nhiều. Do vậy, để giải quyết vấn đề này, cần có sự kế thừa các nghiên cứu trước đây và tiếp tục có hướng dẫn cụ thể về tổ chức thực hiện.
Việc tuyên truyền nội dung của Quy chế quản lý kiến trúc rộng rãi tới người dân cũng rất quan trọng để bảo đảm sự tham gia của cộng đồng trong quá trình thực hiện. Cùng với đó sớm có những hướng dẫn cụ thể, xác thực về một số nội dung như bảo tồn và phát huy không gian giá trị kiến trúc cảnh quan đô thị, kết hợp các giá trị đặc trưng kiến trúc cảnh quan với các đặc trưng tự nhiên và văn hóa; bảo tồn phục dựng các công trình kiến trúc và các trục không gian đô thị có giá trị hay chỉnh trang các trục cảnh quan thuộc không gian phố cũ, kết nối với không gian cảnh quan ngoài sông Hồng…
Để đạt được hiệu quả cao nhất và tạo sự phát triển đô thị bền vững, cùng với tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ về nội dung của quy chế và tham gia tích cực vào quá trình thực hiện, thì việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện tiếp theo cần có sự định hướng rõ ràng, cụ thể.
Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về từng khu vực cụ thể để đưa ra những giải pháp kiến trúc phù hợp nhất (ví như quy định cụ thể về thiết kế, vật liệu xây dựng cho các công trình mới để bảo đảm sự hài hòa với cảnh quan xung quanh; hướng dẫn cụ thể về cách thức cải tạo các công trình cũ mà vẫn bảo đảm được bản sắc kiến trúc của Hà Nội).
Đặc biệt, tạo ra một hành làng pháp lý trong giám sát thực hiện chặt chẽ, đánh giá thường xuyên để kịp thời điều chỉnh khi cần thiết... Với những nỗ lực này, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển trở thành một Thành phố Văn hiến - Văn minh - Hiện đại với không gian kiến trúc cảnh quan độc đáo và bền vững.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/buoc-tien-quan-trong-816981.html