Bước tiến quan trọng ngăn chặn lừa đảo

Đó là khẳng định của Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) về Quyết định 2345/QĐ-NHNN của NHNN.

Lienvietpostbank ngăn chặn lừa đảo, bảo vệ khách hàng Đà Nẵng: Ngăn chặn lừa đảo chuyển tiền qua ngân hàng

Xin ông cho đánh giá về những quy định mới tại Quyết định 2345?

Những nội dung tại Quyết định 2345 đã có những bước tiến rất quan trọng và giải quyết được căn cơ những vấn đề tồn tại. Đó là ngay khâu đầu tiên phải định danh xác thực, làm sạch thông tin khách hàng để đảm bảo rằng người mở tài khoản là người có căn cước công dân đã được đối chiếu với dữ liệu của Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Đây là sự đảm bảo chắc chắn người mở tài khoản ngân hàng đang sử dụng giấy tờ thật với các thông tin chính xác. Theo đó, các giao dịch được thực hiện tại ngân hàng đảm bảo đó là tài khoản chính chủ. Như vậy khi những đối tượng lừa đảo, vi phạm pháp luật thực hiện giao dịch chuyển tiền mà sử dụng khuôn mặt hoặc vân tay, đặc điểm sinh trắc học của mình để giao dịch thì có những dấu hiệu rất rõ ràng để cơ quan chức năng có thể kiểm tra, xử lý, thay vì như trước đây người mở tài khoản hoàn toàn không biết về giao dịch đó do ai thực hiện.

Theo ông, giải pháp xác thực sinh trắc học các giao dịch chuyển tiền sẽ giúp khách hàng hoàn toàn yên tâm về tài khoản ngân hàng được đảm bảo an toàn?

Theo ông, giải pháp xác thực sinh trắc học các giao dịch chuyển tiền sẽ giúp khách hàng hoàn toàn yên tâm về tài khoản ngân hàng được đảm bảo an toàn?

Chúng ta có thể thấy, để triển khai giải pháp trên các ngân hàng đang phải đầu tư hạ tầng và giải pháp công nghệ để đảm bảo rằng khi thực hiện giao dịch quét khuôn mặt của khách hàng thì đó phải là khuôn mặt sống, giảm thiểu giả mạo. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, đối với sự phát triển của khoa học công nghệ thì chưa thể nói trước được điều gì. Việc ứng dụng xác thực bằng sinh trắc học có bị vượt qua hay không thì thời điểm này chúng ta cũng chưa thể khẳng định được.

Nhưng cần phải khẳng định giải pháp dùng sinh trắc học để xác thực giao dịch chuyển tiền là biện pháp tiên tiến nhất hiện nay. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới để triển khai thực hiện những biện pháp như thế này. Trong trường hợp có những nhóm tội phạm có thể nghiên cứu những biện pháp vượt qua giải pháp này thì chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu để tăng cường phòng chống, ngăn ngừa các loại tội phạm mới trước khi nó nhân rộng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng không phải nhóm tội phạm nào cũng đủ năng lực để thực hiện những biện pháp kỹ thuật mới.

Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với NHNN ra sao để đưa ra các giải pháp tăng cường bảo mật, bảo vệ khách hàng?

Bộ Công an luôn luôn đồng hành với NHNN, các TCTD trong việc đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thông tin của ngành Ngân hàng. Trong thời gian tới, qua quá trình theo dõi, nguồn tin Bộ Công an thu thập được nếu có những hiện tượng, phương thức lừa đảo mới chúng tôi sẽ trao đổi sớm với NHNN và các ngân hàng để có phương án khắc phục, lấp những kẽ hở còn lại, ngăn chặn tối đa tội phạm. Chẳng hạn, nếu xuất hiện giải pháp deepfake có thể vượt qua biện pháp đang thực hiện, Bộ Công an sẽ nhanh chóng trao đổi để xử lý kịp thời những vấn đề tồn tại và thực hiện được mục tiêu hạn chế các giao dịch liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật.

Còn về phía ngân hàng, theo tôi, cần tiếp tục tích cực triển khai tuyên truyền để bảo vệ khách hàng trên nhiều kênh, đơn giản nhất là ở App. Các ngân hàng cũng nên xây dựng ứng dụng nền tảng khoa học, công nghệ từ việc kết nối nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dữ liệu từ Bộ Công an…

Xin cảm ơn ông!

PV

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/buoc-tien-quan-trong-ngan-chan-lua-dao-153277.html