Bước tiến quan trọng tại Liban
Trước sức ép từ cộng đồng quốc tế cũng như áp lực từ cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng ở trong nước, các nhà lãnh đạo Liban ngày 10/9 đã đạt được đồng thuận về việc thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, chính phủ mới của Thủ tướng Najib Mikati sẽ phải giải quyết nhiều nhiệm vụ then chốt nhưng khó khăn để sớm đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử.
Sau cuộc họp ngày 10/9 giữa Thủ tướng được chỉ định Najib Mikati và Tổng thống Michel Aoun, Văn phòng Tổng thống Liban thông báo chính phủ mới của nước này đã được thành lập sau 13 tháng không có chính phủ. Nội các mới của Liban gồm 24 bộ trưởng do Thủ tướng Najib Mikati đứng đầu. Nhiều thành viên của chính phủ mới là các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực.
Chính phủ mới của Liban gồm có 4 thẩm phán, trong đó thẩm phán Abbas Al-Halabi đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Giáo dục; thẩm phán Henry Khoury được lựa chọn cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp; thẩm phán Bassam Al-Mawlawi giữ chức Bộ trưởng Nội vụ và thẩm phán Mohammed Mortada làm Bộ trưởng Văn hóa. Ông Youssef Khalil, một quan chức cấp cao của Ngân hàng Trung ương Liban, đảm nhiệm ghế Bộ trưởng Tài chính, còn cựu Đại sứ Liban tại Mỹ Abdallah Bouhabib trở thành Bộ trưởng Ngoại giao.
Ông Firas Abiad, Giám đốc Bệnh viện Đại học Rafik Hariri, được chỉ định làm Bộ trưởng Y tế. Danh sách nội các cũng gồm có Bộ trưởng Kinh tế Amin Salam, Bộ trưởng Quốc phòng Maurice Slim, Bộ trưởng Truyền thông Jonny Korm, Bộ trưởng Du lịch Walid Nassar... Ông Saade Shami được chỉ định làm Phó Thủ tướng.
Chính phủ mới của Liban được thành lập giữa lúc quốc gia Trung Đông này đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội hết sức nghiêm trọng, đe dọa an ninh và sự ổn định của đất nước. Việc Liban thành lập chính phủ mới, theo đánh giá của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, là bước đi hết sức quan trọng đối với quốc gia đang chìm trong khủng hoảng này, song đây mới chỉ là "điều kiện cơ bản" để có thể triển khai các nhiệm vụ then chốt khác.
Phát biểu trước báo giới tại Phủ Tổng thống sau khi sắc lệnh thành lập chính phủ mới được công bố, Thủ tướng Mikati, một trong những người giàu nhất Liban, cam kết sẽ nỗ lực vực dậy nền kinh tế, vốn đã rơi vào tình trạng khủng hoảng được đánh giá là tồi tệ. Ông Mikati cũng nhấn mạnh tình hình đất nước hiện đang hết sức khó khăn, nhưng không phải là không giải quyết được nếu "chúng ta hợp tác cùng nhau".
Liban đã không có chính phủ hoạt động đầy đủ sau các vụ nổ tại cảng Beirut hơn một năm trước. Ngày 4/8/2020, thủ đô Beirut của Liban bất ngờ rung chuyển bởi hai vụ nổ kinh hoàng tại khu vực cảng Beirut. Vụ nổ kép đã gây thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản. Ít nhất 218 người đã thiệt mạng và hơn 7.500 người bị thương, trong khi hơn 300.000 người mất nhà cửa. Vụ nổ khiến phần lớn trung tâm thủ đô Beirut bị hủy hoại. Tổng thiệt hại về tài sản ước lên tới 15 tỷ USD. Nguyên nhân dẫn đến các vụ nổ đến nay vẫn chưa được điều tra làm rõ, khiến làn sóng biểu tình đòi công lý bùng phát ở nhiều nơi trên khắp đất nước Liban, buộc chính phủ của Thủ tướng Hassan Diab phải từ chức ngày 10/8/2020.
Ông Saad Hariri được bổ nhiệm làm Thủ tướng từ ngày 22/10/2020, nhưng chính phủ mới vẫn không được thành lập do những bất đồng giữa ông Hariri và Tổng thống Michel Aoun về vấn đề lựa chọn thành viên nội các. Sau đó, ông Najib Mikati được chỉ định đứng ra thành lập chính phủ.
Tình trạng bế tắc chính trị đã làm tồi tệ thêm các điều kiện kinh tế-xã hội vốn đã khó khăn tại Liban. Lạm phát luôn ở mức trung bình 84,3% trong năm 2020, do giá cả các mặt hàng không ngừng leo thang. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nhiên liệu, điện và nước nghiêm trọng cũng ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân. Kinh tế Liban được dự báo sẽ giảm 9,5% trong năm nay, trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức 40% và một nửa dân số lâm vào cảnh nghèo đói.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực của Liban năm 2020 đã giảm 20,3%, sau khi ghi nhận mức giảm 6,7% năm 2019. Trên thực tế, GDP của Liban đã giảm mạnh từ khoảng 55 tỷ USD năm 2018 xuống còn 33 tỷ USD năm 2020.
Dự trữ ngoại hối, được sử dụng để tài trợ cho các chương trình trợ cấp hàng hóa cơ bản như nhiên liệu, thuốc men và lúa mì, đang cạn kiệt và tình trạng thiếu hụt ngoại tệ ngày càng trầm trọng trong nhiều tháng qua. WB mô tả đây là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại. Trong báo cáo công bố hồi đầu tháng 6/2021, WB đánh giá cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính tại Liban là một trong 10 cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới kể từ giữa thế kỷ 19.
Theo đánh giá của giới phân tích, để đưa đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, chính phủ mới của Liban cần nhanh chóng thực hiện một loạt giải pháp then chốt, trong đó có các cải cách hết sức cấp thiết về kinh tế và tài khóa. Trong số các nhiệm vụ đầu tiên sẽ là tạo việc làm và đảm bảo ổn định xã hội khi quyết định bãi bỏ trợ cấp nhiên liệu dự kiến có hiệu lực vào cuối tháng này. Liban, quốc gia dựa chủ yếu vào hàng hóa nhập khẩu, hiện không còn khả năng hỗ trợ cho các chương trình trợ cấp lên tới 6 tỷ USD/năm.
Ngoài việc thiết kế một chính sách an sinh xã hội bao trùm và toàn diện để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, chính phủ mới cũng cần thúc đẩy các cơ chế minh bạch và đẩy mạnh nỗ lực chống tham nhũng. Những cải cách nói trên không chỉ giúp tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, mà còn đảm bảo Liban có thể tìm kiếm được các nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ cho công tác tái thiết và phát triển kinh tế.
Theo ước tính của LHQ, Liban hiện cần khoản viện trợ gần 400 triệu USD để giải quyết các vấn đề cấp bạch liên quan đến an ninh lương thực, giáo dục, y tế và cung cấp nước sạch.
Sau hơn 1 năm bế tắc, việc thành lập chính phủ mới ở Liban có thể coi là một bước tiến quan trọng, tạo cơ sở để tháo gỡ tình trạng khủng hoảng kéo dài tại quốc gia Trung Đông. Trọng trách nặng nề đang đặt lên vai chính phủ của Thủ tướng Najib Mikati, và trước hết, để đảm bảo rằng Liban có thể vượt qua tình trạng trầm trọng hiện nay, chính phủ mới cần đoàn kết được các cộng đồng trong nước.