Bước tiến trong cuộc chiến chống ung thư
Nga sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một vaccine chống ung thư từ cuối năm 2024. Đây là thông báo mới được ông Andrey Kaprin - bác sĩ trưởng ngành ung thư của Bộ Y tế Liên bang Nga, Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu X quang quốc gia đưa ra.
Ông Kaprin giải thích, vaccine này dựa trên việc sử dụng các loại virus không gây bệnh có hoạt tính chống ung thư. Các virus này được đưa vào cơ thể bệnh nhân. Khi thử nghiệm trên động vật, loại vaccine này không độc hại và cho thấy hiệu quả cao.
Kết quả thử nghiệm tiền lâm sàng cho phép chuyển sang thử nghiệm lâm sàng trên người. Hiện hồ sơ vaccine đã được đệ trình lên Bộ Y tế Nga để xin cấp phép tuyển dụng nhóm tình nguyện viên cho thử nghiệm trên người. Ông Kaprin cho biết, các tình nguyện viên này phải là người chưa được điều trị hóa trị. Trong khi đó, tiến sĩ Gamaleya, Alexander Gintsburg - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học (Nga), cho biết những bệnh nhân mắc u hắc tố và ung thư phổi sẽ là những người đầu tiên thử nghiệm vaccine.
Bên cạnh đó, vẫn theo ông Kaprin, nghiên cứu vaccine mRNA chống ung thư vẫn đang được tiếp tục. Vaccine công nghệ mRNA sẽ được thực hiện đưa vào cơ thể bệnh nhân một cách “siêu chính xác”, nó có nhiệm vụ lập một “hộ chiếu khối u”, gọi là hồ sơ kháng nguyên mới.
Cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư không ngừng nghỉ cho dù chưa có nhiều kết quả. Đến nay, câu hỏi ung thư có chữa được không? vẫn treo lơ lửng. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của công nghệ cao, đã có những bước tiến trong lĩnh vực này. Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu X quang (thuộc Trung tâm Nghiên cứu y học quốc gia về ung thư mang tên N.N. Blokhin, Nga) cho rằng triển vọng cho việc sử dụng những công nghệ mới là tích cực. Viện sĩ Boris Ivanovich Dolgushin, Giám đốc Viện này cho biết, nhiệm vụ của một trung tâm nghiên cứu ung thư là phát triển các công nghệ mới và đưa chúng vào ứng dụng thực tế, hoặc làm chủ các công nghệ mới và một lần nữa đưa chúng vào ứng dụng. Đây là chức năng cốt lõi của một trung tâm nghiên cứu ung thư.
“Chúng tôi đã tạo ra các dược phẩm phóng xạ để chẩn đoán và điều trị ung thư dựa trên việc tổng kết 40 năm hoạt động trong lĩnh vực X quang can thiệp, với khoảng 800 trang tài liệu liên quan” - tiến sĩ Dolgushin cho biết.
Với câu hỏi: Có hai quan điểm về triển vọng cho điều trị ung thư: Thứ nhất, xác định nguyên nhân gây ra bệnh ung thư và sẽ chiến thắng nó, giống như chúng ta đã chiến thắng nhiều loại bệnh do virus. Thứ hai, về nguyên tắc không thể chiến thắng ung thư, và chúng ta phải học cách chẩn đoán bệnh từ rất sớm và sống chung với nó để nó không giết chết con người. Tiến sĩ Dolgushin cho biết ông ủng hộ quan điểm thứ hai vì thực tế hơn. Chữa khỏi ung thư là điều lý tưởng nhưng ngăn ngừa ung thư còn tốt hơn nữa. Và rất mừng là lĩnh vực phòng ngừa cũng đang có thành tựu.
Còn tại Trung Quốc, các nhà nghiên cứu nước này đã đạt tiến triển trong việc định vị tổn thương do ung thư tuyến giáp thể tủy (MTC), căn bệnh vốn rất khó xác định tổn thương di căn. Đây là công trình nghiên cứu của nhóm các chuyên gia đến từ Bệnh viện U bướu thuộc Viện Khoa học Y tế Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh và Phòng nghiên cứu Changping. Theo bác sĩ Liu Shao- yan (Bệnh viện U bướu), đối với các bệnh nhân ung thư tuyển giáp thể tủy, phẫu thuật là lựa chọn khả thi nhất, do đó kỹ thuật hình ảnh chính xác là rất cần thiết để hỗ trợ các bác sĩ phẫu thuật quyết định đúng mức độ, phạm vi cần phẫu thuật.
Phương pháp mới cho phép xác định mục tiêu có chọn lọc các tế bào ung thư, cung cấp lượng phóng xạ nhiều hơn và lâu hơn nhằm vào khối u. Với công nghệ mới, hình ảnh có độ tương phản cao hơn giúp xác định khối u rõ hơn, từ đó có kế hoạch điều trị chính xác hơn.
Tại Nhật Bản, Bệnh viện Trung tâm Ung thư quốc gia đã tiến hành nghiên cứu lâm sàng để cấy ghép hệ vi khuẩn đường ruột từ người hiến tặng khỏe mạnh cho những bệnh nhân ung thư thực quản và dạ dày. Nghiên cứu lâm sàng thực hiện trên 45 bệnh nhân ung thư đang dùng thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch. Các báo cáo cho thấy hiệu quả của thuốc miễn dịch trị liệu là khả quan.
Theo Trung tâm Ung thư quốc gia Nhật Bản, năm 2023, khoảng 11.000 người tử vong vì ung thư thực quản trên khắp nước này, trong khi ung thư dạ dày cướp đi sinh mạng của khoảng 41.000 người.
Các nhà nghiên cứu ở Iran đã cho ra đời phiên bản mới nhất thuốc điều trị ung thư Tederox, giúp bệnh nhân mắc căn bệnh nan y này sống lâu hơn. Theo Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA), loại thuốc trên được sản xuất bởi một công ty dược phẩm có nền tảng nghiên cứu và phát triển vững chắc. Ông Ali Aghajani - Giám đốc phát triển kinh doanh của công ty này cho biết, nhờ phương pháp điều trị có mục tiêu, phiên bản Tederox mới sản xuất có thể kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân mắc bệnh ung thư, đồng thời giảm các tác dụng phụ thường gặp của các thuốc điều trị ung thư. Theo vị chuyên gia này, quá trình sản xuất loại thuốc trên mất 4 năm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/buoc-tien-trong-cuoc-chien-chong-ung-thu-10294767.html