Bước tiến trong đổi mới quản trị quốc gia - Bài 4: Hỗ trợ đắc lực phòng, chống dịch

Ngay trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhất, số định danh cá nhân và hệ thống dữ liệu dân cư đã phát huy ngay hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh như: ứng dụng quản lý công dân vùng dịch, khai báo y tế, di chuyển nội địa; quản lý công dân diện chính sách theo Nghị quyết 68/NQ- CP; ứng dụng cập nhật thông tin F0, F1, F0 khỏi bệnh và tiêm chủng (tiêm 1 mũi tích hợp thẻ vàng, tiêm 2 mũi tích hợp thẻ xanh)...

Người dân quét mã QR code tại ứng dụng PC-COVID, Sổ sức khỏe điện tử, phần mềm VNIED trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên phải khai báo trực tiếp tại chốt kiểm soát Quốc lộ 51 (thị xã Phú Mỹ, giáp ranh địa phận tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Ngọc Sơn/TTXVN

Người dân quét mã QR code tại ứng dụng PC-COVID, Sổ sức khỏe điện tử, phần mềm VNIED trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên phải khai báo trực tiếp tại chốt kiểm soát Quốc lộ 51 (thị xã Phú Mỹ, giáp ranh địa phận tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Ngọc Sơn/TTXVN

Kiểm soát chính xác di biến động và thông tin dân cư

Các ứng dụng của Bộ Công an triển khai có điểm khác biệt và tiện ích lớn khi những thông tin công dân khai báo sẽ được xác thực, đối sánh với dữ liệu lưu trữ trên Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đảm bảo thông tin khai báo là chính xác, thông tin được chuyển tới Công an cơ sở, cơ quan chức năng để nắm bắt được, chủ động phương án phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các ứng dụng trên nền tảng hệ thống dữ liệu dân cư đồng bộ, thống nhất, kết nối thông tin với các bộ, ngành, địa phương; không cần phải đầu tư, xây dựng hệ thống mới nhằm tránh lãng phí tài sản đầu tư công.

Những tiện ích này đã góp phần giải quyết những vấn đề bất cập, hạn chế, nhất là sự chưa đồng bộ, nhất quán, liên kết để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Các ứng dụng trên nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư được xây dựng, triển khai trong bối cảnh nhiều ứng dụng khác thiếu tính liên kết, lập báo cáo chủ yếu vẫn là thủ công, hiệu quả phân tích, đánh giá và đưa ra dự báo chưa cao. Ở một số đơn vị chỉ mới là ứng dụng công nghệ số ở mức đơn giản như nhập số liệu, lưu trữ, thống kê. Số liệu tại một số Trung tâm Y tế cấp huyện, Trạm Y tế cấp xã vẫn còn tình trạng rải rác dưới dạng bản giấy, các bảng tính (Excel) nhập liệu chưa hoàn chỉnh dẫn đến hao tổn nguồn nhân lực và chi phí nhiều thời gian.

Với thông tin của gần 100 triệu công dân được quản lý tập trung, thống nhất; và trên 50 triệu thẻ căn cước công dân đã sản xuất, cấp cho người dân, Bộ Công an đã chủ động nghiên cứu, xây dựng các ứng dụng phần mềm, tiện ích tích hợp trên thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử kết nối, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Ứng dụng quản lý công dân vùng dịch (VNIED) (khai báo y tế, di chuyển nội địa); ứng dụng quản lý công dân diện chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP; ứng dụng cập nhật thông tin F0, F1, F0 khỏi bệnh và tiêm chủng (tiêm 1 mũi tích hợp thẻ vàng, tiêm 2
mũi tích hợp thẻ xanh).

Tại các điểm chốt kiểm soát trong lúc thực hiện giãn cách, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã cho vận hành hệ thống Camera tự động quét mã QR, người dân khi đi qua chốt kiểm soát chỉ cần đưa mã QR, thông tin sẽ được hiển thị trên hệ thống. Từ đó, cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ tại chốt hạn chế được việc tiếp xúc, tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh. Đồng thời, việc quét mã QR qua hệ thống camera rút ngắn được thời gian đi lại cho người dân. Cũng từ hệ thống quét mã QR này, nhiều trường hợp F0 đang di chuyển trên đường đã bị phát hiện để có các biện pháp xử lý kịp thời, tránh gây lây lan dịch bệnh cho người khác.

Thông qua các ứng dụng của Bộ Công an, công dân có thể dễ dàng đăng ký điểm "checkpoint" cho nơi ở hoặc dán trên các trụ sở, cơ quan, doanh nghiệp, siêu thị hoặc nơi công cộng. Chức năng quản lý điểm "checkpoint" giúp doanh nghiệp, tổ chức theo dõi, quản lý về nguy cơ lây mắc COVID-19 của cán bộ, nhân viên và khách ra, vào trụ sở cơ quan; từ đó chủ động đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, kịp thời.

Khắc phục ùn ứ

Trong đợt dịch thứ 4 diễn biến phức tạp, việc quản lý di chuyển của người dân thông qua giấy đi đường, hoặc tờ khai giấy ở các chốt khiến tình trạng ùn ứ xảy ra phổ biến. Thời điểm đó, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an) đã đưa vào sử dụng ứng dụng khai báo y tế, quản lý di biến động công dân vùng dịch trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Người dân kê khai thông tin qua ứng dụng, từ đây, thông tin sẽ được đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Với ứng dụng này, ở mỗi trạm kiểm soát, cán bộ Công an sẽ đăng nhập vào hệ thống. Người dân đi qua chỉ cần quét mã QR mà không cần dừng lại khai báo.

Vận chuyển hàng thiết yếu từ tỉnh Long An vào Thành phố Hồ Chí Minh, lái xe ô tô tải “luồng xanh” Trần Văn Phúc, cho biết, sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 trong 72 giờ, anh và nhiều lái xe khác thấy việc khai báo di chuyển nội địa phòng, chống dịch COVID-19 rất thuận tiện khi qua chốt kiểm dịch. Anh Phúc cho biết: “Do tôi đã khai sẵn từ nhà nên khi qua chốt không mất nhiều thời gian khai báo y tế như trước đây, đồng thời, tránh được tiếp xúc gần, lây chéo khi khai báo ở chốt ”.

Theo lực lượng chức năng trực chốt kiểm dịch khu vực Trường Tiểu học Dương Văn Lịch, huyện Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh), hàng ngày, lưu lượng xe ô tô các loại qua chốt khoảng nghìn lượt xe qua lại, bởi đây là địa bàn giáp ranh giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An. Do đó, từ ngày 11/8, chốt này triển khai phần mềm quản lý công dân vùng dịch đã giảm ùn tắc giao thông tại khu vực này. Lái qua chốt chỉ mất khoảng 10 giây để quét mã QR code khi đã khai báo trước trên ứng dụng.

Đại úy Trần Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) cho biết, dữ liệu người dân khi khai báo sẽ được xác thực, đảm bảo thông tin khai báo là chính xác. Thông tin được chuyển tới Công an cơ sở để nắm được di biến động công dân, qua đó giúp ngành y tế nhanh chóng xác định được số lượng, độ tuổi, những người trong gia đình người mắc COVID-19, người có tiếp xúc gần với người bệnh... để lên phương án chủ động cách ly, chữa trị phù hợp.

Những tiện ích của hệ thống dữ liệu dân cư đã khắc phục những vấn đề bất cập, hạn chế, nhất là chưa có sự đồng bộ, nhất quán, liên kết để phục vụ công tác phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh.

Bài cuối: Chuyển đổi số tạo bứt phá

Xuân Tùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/buoc-tien-trong-doi-moi-quan-tri-quoc-gia-bai-4-ho-tro-dac-luc-phong-chong-dich-20211224093820663.htm