Bước tiến vững chắc, đột phá của ngành thông tin quân sự Việt Nam

Trong thời bình cũng như thời chiến, thông tin liên lạc quân sự luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

Trong đó, tính bảo mật, độ tin cậy và khả năng hoạt động thông suốt, nhanh chóng, hiệu quả là những yếu tố có ý nghĩa quyết định trong lĩnh vực này. Xuất phát từ đặc điểm đó, những năm qua, việc đẩy mạnh tự chủ nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất trang bị thông tin liên lạc quân sự đã được Quân đội ta đặc biệt chú trọng.

Quan tâm đầu tư sớm

Ở nước ta, việc nghiên cứu chế tạo trang bị, khí tài thông tin quân sự được quan tâm và đầu tư từ sớm, với sự tham gia của nhiều đơn vị trong quân đội, tiêu biểu là Học viện Kỹ thuật Quân sự và Trung tâm Kỹ thuật Thông tin công nghệ cao (Binh chủng Thông tin liên lạc).

Với đặc thù là môi trường đào tạo, các nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực vô tuyến điện tử của Học viện Kỹ thuật Quân sự tập trung vào khoa học cơ bản, kỹ thuật thiết kế mới, như: Thuật toán xử lý tín hiệu, truyền tin; kỹ thuật mô phỏng các dạng ăng ten; các thuật toán phân tích, thích nghi...

Trong khi đó, Trung tâm Kỹ thuật Thông tin công nghệ cao có nhiệm vụ sửa chữa trang bị, bảo đảm kỹ thuật, giữ vững sự ổn định vững chắc cho hệ thống thông tin liên lạc quân sự. Ngoài ra, về lĩnh vực nghiên cứu khoa học phục vụ ngành thông tin, trung tâm đã có nhiều đề tài, nhiệm vụ và công trình nghiên cứu được thực hiện. Các sản phẩm của trung tâm đã đáp ứng được một phần nhu cầu trang bị thông tin quân sự của toàn quân.

Máy thông tin quân sự của Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel được đưa vào sử dụng hiệu quả trong toàn quân. Ảnh: THU HƯƠNG

Máy thông tin quân sự của Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel được đưa vào sử dụng hiệu quả trong toàn quân. Ảnh: THU HƯƠNG

Được thành lập từ năm 1945, Nhà máy Thông tin M1 (trực thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc) đã lập nhiều thành tích xuất sắc, nhất là trong sửa chữa, chế tạo các khí tài thông tin phục vụ chiến đấu, qua đó đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ đổi mới, nhà máy tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất các loại máy thông tin vô tuyến điện quân sự trang bị cho quân đội.

Từ năm 2010, sau khi sáp nhập vào Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel), được đổi tên thành Công ty TNHH MTV Thông tin M1, công ty đã được đầu tư, tập trung mọi nguồn lực cho nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất khí tài thông tin quân sự và thiết bị điện tử viễn thông. Đến nay, với trang thiết bị và dây chuyền sản xuất quy mô, hiện đại nhất Đông Nam Á, công ty đã nghiên cứu, sản xuất thành công hàng chục loại máy thu phát vô tuyến điện và hàng nghìn trang bị đồng bộ cho máy thông tin, được Bộ Quốc phòng nghiệm thu, bổ sung cho đơn vị trong toàn quân sử dụng, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng thông tin liên lạc của mạng thông tin quân sự.

Đi tắt đón đầu, ứng dụng công nghệ mới nhất

Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (VHT), tiền thân là Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel, bắt đầu tham gia thị trường nghiên cứu và sản xuất các thiết bị quân sự công nghệ cao từ năm 2011. Với tư duy đi tắt đón đầu và sử dụng các công nghệ mới nhất, VHT đã lựa chọn bắt đầu với nền tảng công nghệ vô tuyến định nghĩa bằng phần mềm mới nhất cho các sản phẩm quân sự công nghệ cao của mình. Trên cơ sở nền tảng công nghệ này, VHT đã nghiên cứu, phát triển thành công nhiều công nghệ lõi, công nghệ mới mang tính dẫn dắt, đón đầu, tạo ưu thế vượt trội cho các dòng sản phẩm máy vô tuyến điện quân sự.

Đó là những sản phẩm được sản xuất, chế tạo trên cơ sở nền tảng ngang tầm công nghệ với nhiều sản phẩm tiên tiến nhất của các hãng hàng đầu trên thế giới, như nền tảng tính toán xử lý tốc độ cao, công nghệ lấy mẫu trực tiếp cao tần, công nghệ nhảy tần bảo mật tốc độ cao... Đây là những công nghệ chỉ một số ít công ty hàng đầu trên thế giới phát triển và ứng dụng thành công vào sản phẩm. Những năm gần đây, với tư duy đi tắt đón đầu, VHT đã và đang nghiên cứu phát triển công nghệ vô tuyến thích nghi, là nền tảng công nghệ thế hệ mới nhất, để trang bị vào các sản phẩm thông tin quân sự.

Nhờ nghiên cứu, nắm bắt những công nghệ lõi tiên tiến nhất, VHT đã thiết kế, chế tạo và sản xuất loạt các dòng sản phẩm thông tin quân sự đa dạng từ trang bị thông tin cầm tay, mang vác đến lắp trên các phương tiện, có tính năng chỉ tiêu kỹ-chiến thuật tương đương và thậm chí vượt trội so với các sản phẩm tiên tiến nhất trên thế giới, bao phủ từ cấp chiến lược, chiến dịch đến người lính.

Các dòng máy đều có tính tương thích cao, tin cậy, có khả năng hoạt động trên đa băng tần; được nghiên cứu thiết kế phù hợp theo yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội ta; đáp ứng yêu cầu bảo mật và an toàn, an ninh thông tin; có khả năng chống nhiễu và chống tác chiến điện tử. VHT làm chủ hoàn toàn từ thiết kế, quy trình công nghệ sản xuất loạt nên chủ động sản xuất với số lượng lớn, tạo lợi thế cạnh tranh cả về giá thành và chất lượng. Từ năm 2012 đến nay, hàng chục nghìn máy thông tin được sản xuất, nghiệm thu và đưa vào trang bị trong toàn quân, góp phần hiện đại hóa lực lượng thông tin liên lạc của Quân đội ta.

Có thể khẳng định, sự kết hợp giữa các đơn vị của Viettel là VHT và Công ty TNHH MTV Thông tin M1 đã tạo ra chuỗi liên kết từ đơn vị nghiên cứu chuyên sâu đến đơn vị sản xuất, góp phần hình thành nên ngành sản xuất trang bị thông tin quân sự hiện đại. Mối liên kết đó cũng tạo ra sự tự chủ hoàn toàn từ quá trình nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, chế tạo đến bảo trì, nâng cấp, cập nhật tính năng, bảo đảm cho các máy thông tin quân sự hiện đại tương đương với các trang bị trên thế giới. Kết quả từ quá trình nghiên cứu, sản xuất của hai đơn vị thuộc Tập đoàn Viettel không chỉ đáp ứng nhu cầu trang bị của Quân đội ta mà còn phục vụ cho hoạt động xuất khẩu, qua đó thực hiện tốt chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng.

DƯƠNG NINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cong-nghiep-quoc-phong-4-0/buoc-tien-vung-chac-dot-pha-cua-nganh-thong-tin-quan-su-viet-nam-690066