Bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam

Chiến dịch Biên giới Thu-Đông 1950 diễn ra từ ngày 16-9 đến 14-10-1950 là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, khai thông biên giới, mở rộng và củng cố căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc.

Chiến dịch Biên giới là kết tinh thành quả của những nỗ lực phi thường của quân và dân ta trong những năm chiến đấu giữa “vòng vây bốn bề của địch” đầy hy sinh, gian khổ, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là chiến dịch duy nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mặt trận trực tiếp chỉ đạo. Thắng lợi Biên giới Thu-Đông 1950 đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước vào giai đoạn mới-giai đoạn nắm quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ, chuyển hẳn sang liên tục tiến công và phản công địch. Chiến thắng Biên giới Thu-Đông 1950 đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam.

1. Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới khẳng định sự phát triển về cơ cấu tổ chức của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập, đánh dấu bước phát triển mới của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam. Từ lực lượng nhỏ bé ban đầu, Quân đội ta không ngừng được xây dựng và phát triển về tổ chức, huấn luyện và trang bị, cùng nhân dân ta tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám-1945 thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám-1945 thành công, đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách như “ngàn cân treo sợi tóc” bởi “thù trong giặc ngoài” và nguy cơ của một cuộc chiến tranh mới, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định xây dựng và tăng cường lực lượng vũ trang là một trong những trọng tâm của cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nhân dân hết lòng giúp đỡ, đùm bọc, che chở, lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển. Giải phóng quân được chấn chỉnh, mở rộng, đổi tên là Vệ Quốc đoàn. Về tổ chức, chúng ta đã xây dựng được các đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung, trung đoàn của Bộ, của liên khu, tỉnh. Từ quân số 8 vạn những ngày đầu kháng chiến, đến cuối năm 1949, bộ đội thường trực đã lên tới 23 vạn. Cùng với đó, thực hiện chủ trương chuyển sang vận động chiến, phát triển từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy, ta thành lập Đại đoàn 308 (8-1949), Đại đoàn 304 (3-1950) và một số trung đoàn độc lập. Từ “cái hạt giống bé nhỏ” là Giải phóng quân ngày nào, đã “nảy nở thành cái rừng to lớn và Vệ Quốc quân”(1). Lực lượng chủ lực của ta đã mạnh lên so với lực lượng cơ động chiến lược của địch.

 Đoàn Hội Phụ nữ xã Thịnh Đức (thành phố Thái Nguyên) tham quan, tặng hoa động viên bộ đội Lữ đoàn Phòng không 210 (Quân khu 1) trên trận địa. Ảnh: DƯƠNG HÀ

Đoàn Hội Phụ nữ xã Thịnh Đức (thành phố Thái Nguyên) tham quan, tặng hoa động viên bộ đội Lữ đoàn Phòng không 210 (Quân khu 1) trên trận địa. Ảnh: DƯƠNG HÀ

Đến trước Chiến dịch Biên giới, cơ cấu tổ chức của lực lượng vũ trang ta đã có bước phát triển vượt bậc. Từ các đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung, ta ưu tiên tập trung cán bộ, vũ khí, trang bị xây dựng khối chủ lực ở quy mô thích hợp (trung đoàn, đại đoàn), đồng thời chú trọng đẩy mạnh xây dựng bộ đội địa phương, phát triển rộng rãi dân quân du kích, hình thành và hoàn chỉnh ba thứ quân-một mô hình tổ chức quân sự độc đáo, sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Thành công trong việc xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân chính là cơ sở quan trọng để ta xây dựng, củng cố thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh. Thế trận đó cho phép quân và dân ta chủ động tiến công địch rộng khắp, mở các chiến dịch với quy mô ngày càng lớn để thúc đẩy cuộc kháng chiến phát triển. Cùng với đó, các cơ quan Bộ Tổng tư lệnh (Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp) được kiện toàn về nhiều mặt, chức năng, nhiệm vụ được quy định rõ ràng hơn trước; sự hiệp đồng giữa các cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần), các liên khu, binh chủng... ngày càng chặt chẽ.

Trong Chiến dịch Biên giới, để bảo đảm chắc thắng, Bộ Tổng tư lệnh quyết định sử dụng nhiều đơn vị chủ lực mạnh của Bộ, liên khu, tỉnh (bao gồm cả bộ binh, pháo binh và công binh), cùng các đại đội địa phương và dân quân du kích hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Tổng quân số tham gia chiến dịch là 4,5 vạn (bao gồm cả bộ đội và dân công). Chỉ tính riêng lực lượng chủ lực tham gia tương đương hai đại đoàn. Chiến dịch Biên giới đã vượt tất cả các chiến dịch trước đây về quy mô sử dụng lực lượng. Quán triệt và thực hiện quyết tâm “chỉ có thắng, không có bại”, trải qua 29 ngày đêm (từ ngày 16-9 đến 14-10-1950) chiến đấu kiên cường, anh dũng và mưu trí, quân và dân ta đã giành thắng lợi to lớn. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8.000 tên địch (trong đó, số đơn vị Âu-Phi chiếm 41% lực lượng cơ động chiến lược của Pháp trên chiến trường Đông Dương), thu nhiều vũ khí, trang bị... của chúng.

Phát huy thế chủ động chiến lược giành được trên chiến trường chính Bắc Bộ, sau Chiến dịch Biên giới, tổ chức biên chế Quân đội ta tiếp tục có bước phát triển mạnh. Bộ Tổng tư lệnh tập trung các trung đoàn chủ lực, thành lập thêm 3 đại đoàn bộ binh: 312, 316, 320 và Đại đoàn Công pháo 351. Trên cơ sở lực lượng chủ lực ngày càng phát triển, ta liên tiếp mở các chiến dịch tiến công quy mô lớn ở trung du, đồng bằng, miền núi Bắc Bộ... đồng thời đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích khắp chiến trường Bắc, Trung, Nam và toàn Đông Dương.

2. Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng được xây dựng vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng huấn luyện quân sự

Đến năm 1950, cùng với sự lớn mạnh về quân số, cơ cấu tổ chức, Trung ương Đảng đặc biệt coi trọng xây dựng bộ đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng. Qua các đợt sinh hoạt chính trị, hội nghị tuyên huấn, hội nghị chính trị viên, hội nghị bí thư chi bộ toàn quân và một số biện pháp khác, ta đã dần xây dựng được nền nếp công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội. Cán bộ, chiến sĩ có quyết tâm cao, luôn thấm nhuần tư tưởng trung với nước, hiếu với dân, đề cao kỷ luật tự giác, nghiêm minh, nội bộ đoàn kết, thống nhất. Gắn với công tác xây dựng chính trị, tư tưởng, Quân đội ta luôn quán triệt phương châm vừa tác chiến vừa huấn luyện, vừa đánh vừa học. Qua các cuộc vận động “luyện quân lập công”, “rèn cán chỉnh quân”, “kiện toàn thông tin liên lạc”, “kiện toàn binh chủng” xen kẽ giữa các trận đánh, các chiến dịch đã giúp bộ đội nắm vững và sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, chiến thuật trong các loại hình tác chiến; trình độ chỉ huy của đội ngũ cán bộ, kỹ thuật chiến đấu cơ bản của bộ đội tiến bộ rõ rệt. Cùng với kiện toàn các đơn vị chủ lực theo biên chế mới, đáp ứng yêu cầu tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng ngày càng cao, Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo lực lượng pháo binh, công binh, thông tin khẩn trương tổ chức huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật từng lĩnh vực cho bộ đội, tăng cường đào tạo cán bộ.

 Chiến sĩ Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 246, Sư đoàn 346, Quân khu 1) luyện tập chiến thuật trung đội tiến công trên địa hình rừng núi. Ảnh: DƯƠNG HÀ.

Chiến sĩ Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 246, Sư đoàn 346, Quân khu 1) luyện tập chiến thuật trung đội tiến công trên địa hình rừng núi. Ảnh: DƯƠNG HÀ.

Bên cạnh tổ chức huấn luyện trong nước, được sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước Trung Quốc, ta đưa hàng nghìn học viên sang đào tạo tại Trung Quốc. Đặc biệt, để chuẩn bị cho Chiến dịch Biên giới, Trung ương Đảng quyết định đưa Đại đoàn 308 (thiếu) và một số trung đoàn, tiểu đoàn sang Trung Quốc vừa huấn luyện, chấn chỉnh, vừa học tập kinh nghiệm chiến đấu của bạn. Quá trình đó, bộ đội ta được học tập, làm quen với một số loại vũ khí mới. Về kỹ thuật, từ ba môn bắn súng, đâm lê, ném lựu đạn được rèn luyện trong các mùa luyện quân lập công, bộ đội ta còn được học tập thêm kỹ thuật đánh bộc phá và đào công sự-những kỹ thuật quan trọng trong đánh công sự vững chắc... Về chiến thuật, bộ đội được rèn luyện thêm cách đánh công kiên, đánh địch vận động, học về hiệp đồng giữa bộ binh, pháo binh...

Trong Chiến dịch Biên giới, Quân đội ta đã vận dụng và phát huy hiệu quả kiến thức và kỹ năng đã được huấn luyện vào thực tiễn chiến đấu. Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đã khẳng định bước phát triển mới về công tác huấn luyện quân sự lên một trình độ cao hơn, về trình độ chỉ huy của đội ngũ cán bộ, kỹ chiến thuật cơ bản của bộ đội ta. Đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp đã tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm và tổ chức thực hành chiến dịch, phương pháp chỉ huy cấp tiểu đoàn, trung đoàn; về “đánh điểm, diệt viện”, đánh địch phòng ngự trong công sự vững chắc; hiệp đồng giữa bộ binh với pháo binh, phối hợp giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, dân quân du kích... Đánh giá về chất lượng đội ngũ cán bộ chỉ huy và công tác tham mưu trong Chiến dịch Biên giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Công tác tham mưu đã có một bước trưởng thành trong chiến dịch. Tuy cán bộ chỉ được đào tạo, rèn luyện qua thực tế chiến đấu, còn mang tác phong chiến tranh du kích, phương tiện thông tin và trinh sát thiếu thốn, nhưng cơ quan tham mưu đã nỗ lực lớn trong đánh giá tình hình địch, quán triệt đường lối quân sự của Đảng, phát huy sự hiểu biết và kinh nghiệm giúp Bộ chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm kịp thời”(2). Sự tích lũy quý báu này là cơ sở quan trọng, sự phát triển có tính chất bước ngoặt, giúp Quân đội ta vững tin vào sức mạnh, giành được những thắng lợi to lớn hơn trong giai đoạn tiếp theo.

3. Chiến thắng Biên giới đánh dấu bước nhảy vọt về nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam

Từ năm 1945 đến 1950 là bước quá độ từ tác chiến du kích lên tác chiến chính quy thể hiện bằng các chiến dịch nhỏ, tác chiến tập trung mức độ thấp; là quá trình bộ đội chủ lực của ta dần trưởng thành từng bước cả về biên chế tổ chức, trang bị vũ khí và trình độ tác chiến. Trong điều kiện địch bố phòng hệ thống cứ điểm kết hợp với đội quân ứng chiến có sức cơ động cao, so sánh lực lượng giữa ta và địch còn rất chênh lệch về binh khí, kỹ thuật, kinh nghiệm đánh công sự vững chắc của bộ đội ta còn hạn chế..., nên nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật của ta phát triển trong những năm này chủ yếu là nghệ thuật chiến dịch tiến công, với cách đánh chủ yếu là “đánh điểm, diệt viện” hoặc “vây điểm, diệt viện”.

Từ những đợt hoạt động, những chiến dịch nhỏ, đến Chiến dịch Biên giới, lần đầu tiên ta mở chiến dịch tiến công quy mô lớn, tập trung tới 4,5 vạn người, kể cả bộ đội và dân công, trong thời gian gần một tháng. Đây là chiến dịch lớn, hiệp đồng một số binh chủng, tiến công vào hệ thống phòng ngự mạnh của địch trên tuyến dài gần 100km. Chiến dịch Biên giới là một điển hình thành công về đánh tiêu diệt lớn, đánh dấu một bước tiến quan trọng của ta về chỉ đạo chiến lược, về nghệ thuật chiến dịch, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội về trình độ tác chiến tập trung, về chiến thuật, kỹ thuật. Trong chỉ đạo tác chiến, ta đã đề ra phương châm tác chiến chiến dịch đúng, lựa chọn chính xác hướng mục tiêu tiến công chủ yếu, kiên quyết và khéo léo tập trung ưu thế binh, hỏa lực, tạo thế trận đánh hiểm, có cách đánh sáng tạo và hiệu quả. Chiến dịch Biên giới là một điển hình về đánh vận động, truy kích, nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện” và đánh tiêu diệt. Ta đã sử dụng lực lượng một đại đoàn, vận động đánh địch trong phạm vi gần 60km2, ở địa hình rừng núi. Bộ đội ta đã tác chiến tập trung với quy mô lớn hơn so với trước, tiêu diệt được tiểu đoàn địch trong công sự vững chắc và binh đoàn địch trong đánh vận động. Với đối tượng địch là các binh đoàn cơ động mạnh, ta đã tổ chức chia cắt địch, dồn chúng vào địa hình bất lợi, tổ chức các bộ phận vây, chia cắt, đón lõng để tập trung lực lượng lần lượt tiêu diệt gọn từng bộ phận quân địch, tiến tới tiêu diệt toàn bộ hai binh đoàn địch. Đây là lần đầu tiên bằng hình thức đánh vận động, ta đã tiêu diệt hai binh đoàn tinh nhuệ của thực dân Pháp. Trận vận động tiến công địch ở Cốc Xá, Điểm cao 477 được coi là trận khởi đầu mang đầy đủ các yếu tố của hình thức chiến thuật vận động tiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thành công đó đánh dấu bước trưởng thành của Quân đội ta, chứng tỏ trình độ chỉ huy, kỹ thuật, chiến thuật, hiệp đồng, bảo đảm của bộ đội ta có sự tiến bộ vượt bậc. Ta đã giữ quyền chủ động trong suốt quá trình chiến dịch, chuyển hóa thế trận tốt, xử lý tình huống tập trung, chia cắt từng bộ phận dẫn tới tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch trên toàn chiến trường.

Sự tiến bộ về nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật của Quân đội ta làm cho các binh đoàn chủ lực của Pháp bị những tổn thất nặng nề và phải thừa nhận: Quân đội nhân dân Việt Nam đã “có một phương châm tác chiến vững vàng, điều khiển các trận đánh kế tiếp nhau, gắn bó với nhau một cách mạch lạc và làm cho quân Pháp không kịp thở trên một chính diện rộng lớn từ Đông Khê đến Thất Khê”(3). Trong quá trình chiến dịch, bộ đội ta đã “thực sự làm chủ tình thế, thay đổi bố trí ban đầu rất nhanh, hướng sự cố gắng vào sự bao vây tiêu diệt quân Pháp”(4). Với cuộc chiến đấu trên Đường số 4, Cao Bằng-Lạng Sơn trong Thu-Đông 1950, Quân đội nhân dân Việt Nam “tỏ ra là một quân đội hiện đại, căn cứ vào hình thức tác chiến cũng như sức mạnh trong chiến đấu”(5).

4. Quân đội nhân dân Việt Nam đủ khả năng tiến hành công tác bảo đảm hậu cần chiến dịch quy mô lớn, dài ngày

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám-1945 thành công, việc tổ chức bảo đảm hậu cần cho lực lượng vũ trang chiến đấu đặt ra yêu cầu lớn và cấp thiết. Song song với việc xây dựng Căn cứ địa Việt Bắc-hậu phương chiến lược trực tiếp phục vụ cuộc kháng chiến, cũng như xây dựng một hệ thống các căn cứ kháng chiến ở nhiều địa phương trong cả nước, đảm bảo cung cấp hậu cần cho bộ đội, các tổ chức tiếp tế hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam lần lượt được thành lập. Từ các “Ban tiếp tế”, “Ban tài mậu”, “Ban tiếp tế vận tải”, “Ban đại diện cung cấp”..., đến năm 1950, ta thành lập Tổng cục Cung cấp có nhiệm vụ quản trị, trang bị, cấp dưỡng quân đội và sản xuất quốc phòng. Như vậy, cùng với sự phát triển tổ chức biên chế quân đội, cơ quan chuyên trách bảo đảm hậu cần cho Quân đội ta từng bước được kiện toàn, phát triển ngày càng hoàn thiện.

Trong Chiến dịch Biên giới Thu-Đông 1950, thực hiện chủ trương của Đảng, Quân đội ta đã thành lập một bộ máy hậu cần (cung cấp) chiến dịch (còn được gọi là Phòng Cung cấp Chiến dịch hoặc cơ quan cung cấp mặt trận), do đồng chí Trần Đăng Ninh-Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp trực tiếp làm Chủ nhiệm. Chiến dịch Biên giới là chiến dịch đầu tiên Tổng cục Cung cấp trực tiếp phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong và ngoài quân đội, nhất là Liên khu Việt Bắc tiến hành công tác bảo đảm hậu cần. Bên cạnh một số cán bộ chuyên ngành quân nhu, quân y, quân giới... của Tổng cục Cung cấp, Trung ương Đảng còn điều động hơn 200 cán bộ của các cơ quan Trung ương và các liên khu tăng cường cho cơ quan cung cấp chiến dịch. Nhờ có hệ thống tổ chức cơ quan bảo đảm hậu cần ngày càng hoàn thiện, Quân đội ta đã huy động được sức mạnh tổng hợp của thế trận hậu cần nhân dân, với lực lượng hàng vạn người tham gia chuẩn bị và tiếp tế lương thực, thực phẩm, phục vụ mở đường vận tải; cơ quan cung cấp chiến dịch nhanh chóng triển khai hệ thống các cơ sở, kho trạm, quân y..., trực tiếp bảo đảm tốt nhất cho chiến dịch. Đồng thời, ta cũng tranh thủ vận động, tiếp nhận và vận chuyển một khối lượng vật chất hậu cần lớn do Trung Quốc viện trợ. Chiến dịch Biên giới “là lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngành hậu cần đảm bảo cho một chiến dịch quy mô lớn, dài ngày trên một địa bàn rừng núi, dân cư thưa thớt, thiếu lương thực”(6). Hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu nhiệm vụ bảo đảm hậu cần Chiến dịch Biên giới chứng minh công tác hậu cần có bước tiến quan trọng, từ đây, Quân đội ta đủ khả năng thực hiện công tác bảo đảm hậu cần cho các chiến dịch quy mô lớn hơn, dài ngày hơn, giành những thắng lợi to lớn hơn nữa.

Chiến thắng Biên giới Thu-Đông 1950 mang tầm vóc và ý nghĩa chiến lược đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đánh dấu sự thất bại chiến lược của địch; là bước ngoặt, mang lại thế và lực mới cho cuộc kháng chiến, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta. Đảng ta khẳng định: “Đi qua Chiến dịch Biên giới và Chiến dịch Trung du, Quân đội ta đã tiến bộ vượt bậc trên con đường từ du kích chiến chuyển sang chính quy chiến. Do vận động chiến đã được đẩy mạnh; sự quan trọng của vận động chiến trên chiến trường Bắc Bộ đã được đưa lên ngang hàng với du kích chiến”(7). Chính bước tiến vượt bậc của Quân đội ta qua Chiến dịch Biên giới tạo nền tảng, cơ sở để lực lượng vũ trang ta cùng toàn Đảng, toàn dân giành được thắng lợi to lớn hơn trong giai đoạn tiếp theo của cuộc kháng chiến, nhất là Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Trong giai đoạn cách mạng mới, để phát huy, vận dụng những kinh nghiệm quý trong xây dựng quân đội những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào quá trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, nâng cao sức mạnh, chất lượng chiến đấu tổng hợp, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, thường xuyên giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, xây dựng Quân đội ta vững mạnh về chính trị, đảm bảo cho Quân đội luôn mang bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc, tính nhân dân sâu sắc, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Quân đội ta tiếp tục nghiên cứu, nắm vững và quán triệt thực hiện chủ trương, đường lối, cơ chế, phương hướng xây dựng Quân đội theo nội dung Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 20-7-2005 của Bộ Chính trị (khóa IX), Nghị quyết số 513-NQ/ĐUQSTW ngày 17-11-2005 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) “Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược vững mạnh về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực thực tiễn, tác phong, phong cách lãnh đạo ngang tầm nhiệm vụ; chủ động ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nâng cao hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị; đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục chính trị, tư tưởng để giữ vững và tăng cường bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân; chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) và Chỉ thị số 87-CT/QUTW ngày 8-7-2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân”; thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, gắn với Phong trào Thi đua Quyết thắng, các cuộc vận động của các cấp, các ngành và địa phương; nâng cao hiệu quả công tác dân vận... Từ đó, tạo sự đồng thuận về nhận thức và hành động, đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, củng cố niềm tin, ý chí tự lực, tự cường, giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ.

Hai là, chú trọng điều chỉnh về tổ chức, biên chế tinh, gọn, mạnh, có sức chiến đấu cao, phù hợp với điều kiện mới; nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện và đào tạo; tăng cường chấp hành kỷ luật của Quân đội, pháp luật của Nhà nước. Trước mắt, toàn quân cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 606-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương “Về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021”; Chỉ thị số 114/CT-BQP ngày 27-12-2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Về thực hiện điều chỉnh tổ chức, biên chế quân số khối cơ quan cấp chiến lược, chiến dịch, nhằm xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, có cơ cấu tổ chức hợp lý, chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương “Về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo” và chỉ lệnh quân sự, quốc phòng hằng năm của Tổng Tham mưu trưởng. Trong huấn luyện, thực hiện tốt phương châm: “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy thực hành là chính; huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị mới; tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động, huấn luyện theo tình huống, rèn luyện thể lực. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với diễn tập hiệp đồng tác chiến quân, binh chủng; diễn tập đối kháng; diễn tập khu vực phòng thủ; diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và phòng, chống dịch bệnh, sự cố môi trường; nâng cao khả năng phối hợp giữa bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương trong khu vực phòng thủ, khả năng tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Các học viện, nhà trường quân đội tích cực đổi mới nội dung, chương trình theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và liên thông, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0... Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng nền nếp chính quy với rèn luyện kỷ luật và cải cách hành chính; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, làm chuyển biến ý thức, văn hóa pháp luật của cán bộ, chiến sĩ, góp phần làm giảm các vụ việc kỷ luật, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc vi phạm nghiêm trọng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội.

Ba là, tăng cường tiềm lực khoa học-công nghệ, vũ khí, trang bị, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quân đội trong tình hình mới. Song song với chú trọng yếu tố con người, hiện đại hóa Quân đội nhân dân phải phát triển khoa học-công nghệ quân sự, bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật; chú trọng hiện đại hóa vũ khí, trang bị cho các lực lượng được xác định tiến thẳng lên hiện đại như Hải quân, Phòng không-Không quân, Tác chiến điện tử, Thông tin liên lạc, Trinh sát kỹ thuật, Cảnh sát biển... Tích cực xây dựng, triển khai Đề án “Bảo đảm vũ khí, trang bị cho lực lượng lục quân đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 16-7-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các lực lượng vũ trang, đồng thời mua sắm các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại. Ngành hậu cần-kỹ thuật tiếp tục thực hiện tốt Phong trào “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”; tiếp tục chỉ đạo thực hiện toàn diện Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương “Về lãnh đạo công tác kỹ thuật; thực hiện có hiệu quả các chương trình mua sắm, sản xuất, sửa chữa, tăng hạn, cải tiến, hiện đại hóa, đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu cho các nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu”.

Bốn là, tiếp tục tăng cường mở rộng đối ngoại quốc phòng với các nước theo quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị “Về hội nhập quốc tế”, Nghị quyết số 806-NQ/QUTW ngày 31-12-2013 của Quân ủy Trung ương “Về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Trên cơ sở đó, tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc phòng song phương và đa phương đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả; chú trọng hợp tác đào tạo, mua sắm vũ khí, trang bị và khoa học-công nghệ quân sự; tăng cường đối thoại chính sách quốc phòng; phát huy vai trò của lực lượng tham gia Giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc, góp phần xây dựng lòng tin, cân bằng quan hệ với các nước lớn, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; nâng cao vị thế của quân đội và hình ảnh đất nước trên trường quốc tế. Trong quan hệ đối ngoại quốc phòng phải hết sức tỉnh táo, giữ vững nguyên tắc về chiến lược, mềm dẻo, linh hoạt về sách lược; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế, sử dụng mọi biện pháp cần thiết để tự vệ khi chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích an ninh quốc gia bị xâm phạm.

70 năm trôi qua, Chiến thắng Biên giới Thu-Đông 1950 luôn chiếm một vị trí quan trọng trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Chiến thắng ấy đã chứng minh tính đúng đắn của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những kinh nghiệm quý trong quá trình khổ luyện, tích lũy từ thực tiễn học tập, chiến đấu của lực lượng vũ trang ta sau 5 năm “chiến đấu trong vòng vây” vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trung tướng NGUYỄN TÂN CƯƠNG, Ủy viên Trung ương Đảng (Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng)

(1) Hồ Chí Minh, Về đấu tranh vũ trang và lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970, tr. 181

(2) Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr. 679-680

(3),(4),(5) Mác-săng (Marchand), Thảm kịch Đông Dương. Dẫn theo: Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), tập IV-Bước ngoặt của cuộc kháng chiến, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr. 359-360

(6) Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tập IV-Bước ngoặt của cuộc kháng chiến, Sđd, tr. 361

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12 (1951), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 217

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/buoc-truong-thanh-vuot-bac-cua-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-636630