Bưởi Đoan Hùng gặp khó trong việc 'xuất ngoại'
Là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, bưởi Đoan Hùng đang là cây trồng được tỉnh Phú Thọ chú trọng phát triển. Trong định hướng phát triển chiến lược, địa phương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đưa sản phẩm bưởi Đất Tổ đáp ứng đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu, mà thị trường hướng tới là Nhật Bản. Tuy nhiên, nhiều rào cản chưa được tháo gỡ đã và đang cản trở việc 'xuất ngoại' trái cây đặc sản này.
Cho thu nhập gấp 5 lần cây chè, 6 lần trồng lúa và gấp 20 lần cây lâm nghiệp, bưởi Đoan Hùng từ nhiều năm nay đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Phú Thọ. Những năm qua, tỉnh đã quan tâm, xây dựng các chương trình, kế hoạch và chính sách phát triển cho trái bưởi Đoan Hùng. Từ năm 2016 đến nay, trên 20 tỷ đồng đã được tỉnh huy động hỗ trợ cho phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng, bưởi Diễn trên địa bàn tỉnh.
Tuy khá nổi tiếng và cung ứng ra thị trường hàng chục ngàn tấn bưởi chất lượng mỗi năm; có tiềm năng phát triển và được tỉnh quan tâm đầu tư trên rất nhiều lĩnh vực nhằm xúc tiến thương mại cho sản phẩm, nhưng đến nay, bưởi Đoan Hùng đa phần vẫn chỉ được tiêu thụ trong thị trường nội địa. Đưa trái bưởi “xuất ngoại” không chỉ là mong muốn của các nông hộ mà còn là kế hoạch địa phương đặt ra trong thời gian tới.
Trong buổi làm việc mới đây với đoàn công tác của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản, ông Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã bày tỏ mong muốn thời gian tới, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao quan tâm, hỗ trợ tỉnh đẩy nhanh các quy trình để có thể xuất khẩu được sản phẩm bưởi quả sang thị trường Nhật Bản.
Mặc dù vậy, hành trình đưa trái bưởi Đoan Hùng ra thị trường thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bởi như đánh giá của Sở NN&PTNT Phú Thọ, để sản phẩm chủ lực của Phú Thọ sớm “xuất ngoại” thì hiện vẫn còn rất nhiều rào cản cần sớm tháo gỡ.
Đó là vốn đầu tư cho sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao của người dân còn hạn chế; các nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn chính sách chưa thực sự tạo được thuận lợi cho người làm nông nghiệp tiếp cận. Trong khi đó, chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm hiện vẫn còn ít, chưa bền vững; khâu tổ chức, quản lý sản xuất, tiêu thụ chưa có doanh nghiệp đứng ra làm đầu mối liên kết để tiêu thụ và xuất khẩu…
Không chỉ gặp khó khăn từ bên ngoài, điều đáng lo ngại hơn cả là trong thời gian qua, xuất hiện một số trường hợp kinh doanh bưởi đặc sản vì lợi nhuận đã dùng bưởi từ nơi khác để đánh lừa người tiêu dùng. Điều này ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu cũng như sức cạnh tranh trên thị trường của sản phẩm bưởi Đoan Hùng.
Khả năng xuất khẩu sang Nhật Bản của trái bưởi Đoan Hùng không phải là không có cơ sở. Bởi nguy cơ dịch hại của quả bưởi ở mức thấp, Nhật Bản lại không có loại quả này. Thêm vào đó, với mục tiêu hướng tới xuất khẩu quả bưởi sang thị trường Nhật Bản, tỉnh Phú Thọ đã để ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng những điều kiện của thị trường mà địa phương hướng tới. Tuy nhiên, để đưa trái bưởi Đoan Hùng đến những thị trường mới, đặc biệt là thị trường khó tính như Nhật Bản, sẽ cần một thời gian dài để khắc phục những hạn chế đang còn tồn tại.