Bưởi Phúc Trạch được Liên minh Châu Âu bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Thương hiệu 'Bưởi Phúc Trạch' (Hương Khê, Hà Tĩnh) được EU bảo hộ sẽ giúp ngăn chặn các hành vi sử dụng không trung thực đối với thương hiệu này.
Trao đổi nhanh với Báo Hà Tĩnh, ông Lưu Đức Thanh - Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) xác nhận: bưởi Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) là 1 trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đã được EU cam kết bảo hộ từ ngày 1/8/2020.
Với sự hỗ trợ của ngành KH&CN, năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Phúc Trạch” cho sản phẩm “bưởi quả” huyện Hương Khê.
Về mặt pháp lý, Hà Tĩnh (các địa phương trong vùng chỉ dẫn địa lý) được quyền sử dụng thương hiệu “Phúc Trạch” cho sản phẩm bưởi Phúc Trạch để kinh doanh tại thị trường các nước Liên minh Châu Âu (28 nước, bao gồm cả Vương quốc Anh và Bắc Ai – len). Thương hiệu “Bưởi Phúc Trạch” sẽ được EU bảo hộ, đảm bảo ngăn chặn các hành vi sử dụng không trung thực đối với thương hiệu này.
Bưởi Phúc Trạch là nông sản mang yếu tố truyền thống nên dễ được người tiêu dùng Châu Âu coi trọng, lựa chọn sử dụng nếu được đưa vào thị trường này trong thời gian tới.
Đây cũng là sự kiện quan trọng giúp nâng tầm thương hiệu bưởi Phúc Trạch tại thị trường trong nước cũng như các nước khác.
Hiện nay, bưởi Phúc Trạch đã có mặt trên kệ hàng của các siêu thị lớn trong cả nước (Trong ảnh: Bưởi Phúc Trạch được bày bán tại siêu thị Vinmart Hà Nội).
Ông Lưu Đức Thanh cho biết thêm, trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, cũng như đòi hỏi yêu cầu khắt khe về mặt chất lượng của người tiêu dùng EU, việc được công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý đang là cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam xuất khẩu, trong đó có bưởi Phúc Trạch của Hà Tĩnh.
Để có thể vươn ra thị trường EU rộng lớn, ông Thanh cho rằng, đây là thách thức lớn đối với Hà Tĩnh khi thị trường này rất khắt khe về các tiêu chuẩn. Trước tiên, địa phương cần phải xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm, tạo ra sự đồng đều cho sản phẩm và phải sản xuất với quy mô lớn. Xử lý tốt các hành vi gian lận thương mại, quản lý đồng bộ việc gắn tem, gắn nhãn đối với sản phẩm. Khi có sản phẩm đảm bảo chất lượng, các tiêu chuẩn quốc tế thì mới tính đến việc xuất khẩu. Bộ KH&CN cũng như các bộ, ngành trung ương sẽ luôn đồng hành với địa phương nhằm thúc đẩy nông sản vươn ra thị trường thế giới.
39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ. Nguồn: Bộ Công Thương.
Theo Bộ Công Thương, trong nội dung thực hiện các cam kết giữa hai bên tại Hiệp định thương mại tự do Châu Âu – Việt Nam (EVFTA), về mặt sở hữu trí tuệ, EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (Việt Nam đề nghị 41 chỉ dẫn địa lý và được EU chấp nhận 39 địa chỉ). Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý chủ yếu là hàng rau quả (chiếm 49%), còn lại sản phẩm cây công nghiệp - chế biến (chiếm 15%), thủy sản và chế biến từ thủy sản (13%), sản phẩm khác (13%).