'Bưởi tiến vua' tìm đường sang Nhật
PTĐT - Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Phú Thọ năm 2017, Đại sứ Mỹ Ted Osius đề nghị, khi đạp xe từ Việt Trì lên Đền Hùng, nơi thờ tự tổ tiên người Việt, ông sẽ dừng lại ven đường mua bưởi Đoan Hùng, một loại quả địa phương được nhiều khách nước ngoài khen ngợi.
Bưởi Đoan Hùng khi chín màu vàng sáng, cùi mỏng, múi ráo, tôm mọng, hương vị thơm, ngon, ngọt, mát. Giống bưởi quý này, vào dịp tết xưa, quan lại địa phương dâng lên triều đình, nên còn gọi là “bưởi tiến vua”. Tôi đã rất vui khi thấy Đại sứ Ted Osius thưởng thức bưởi đặc sản vùng Đất Tổ. Và sau buổi đạp xe cùng Đại sứ, tôi cứ nghĩ tỉnh Phú Thọ làm thế nào để hương vị độc đáo bưởi Đoan Hùng đến được với nhiều bạn bè quốc tế.Bưởi Đoan Hùng có cây gốc ở thôn Chí Đám, vì thế còn gọi là bưởi Chí Đám. Trong chiến dịch Thu Đông 1947, bưởi Chí Đám đã đi vào lịch sử khi được quân dân ta bôi đen các quả bưởi giả làm thủy lôi, thả xuống dòng sông phía Hữu Đô, khiến tàu địch tránh sang phía Chí Đám, lọt vào trận địa mai phục của quân ta, làm nên chiến thắng Sông Lô vang dội.Trong hòa bình, hội nhập và phát triển, giống bưởi nổi tiếng này đã được Nhà nước bảo hộ tên gọi, xuất xứ. Bưởi Đoan Hùng chính hiệu hiện không đủ đáp ứng nhu cầu nội địa. Nhiều vườn bưởi đặc sản được đặt mua ngay từ lúc ra hoa. Nhưng khi sang được thị trường nước ngoài, giá trị quả bưởi sẽ tăng cao. Và quan trọng hơn là tư duy làm ăn của người dân và doanh nghiệp sẽ thay đổi, đáp ứng đòi hỏi hội nhập sâu rộng. Trong những ngày đầu năm mới 2021, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam đang làm Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, đã về nước, bàn thảo với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh và lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ về cách thức đưa bưởi Đoan Hùng và nông lâm sản Phú Thọ sang thị trường Nhật Bản.
Trước đó, quả xoài Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, trái thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc đã tạo đầu ra rộng mở cho sản phẩm của nông dân các vùng miền. Năm 2020, dù ảnh hưởng của đại dịch COVID, lần đầu tiên quả vải thiều Lục Ngạn đã có mặt trong các siêu thị Nhật Bản. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ, ngành trong nước và của Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản khi giúp địa phương này tìm đầu ra mới cho quả vải đặc sản.Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Nhật Bản khác một số nước châu Á là họ làm gì cũng rất bài bản, cẩn trọng. Cùng với chất lượng, người Nhật còn đặc biệt quan tâm đến mẫu mã. Khi thị trường Nhật Bản đã chấp nhận thì không lo phải giải cứu vấn đề “được mùa rớt giá” vì người Nhật làm có quy hoạch, kế hoạch theo nhu cầu, không xô bồ tùy tiện như một số thị trường khác. Khi đã có tiền lệ thành công của quả vải năm 2020, thì tiếp theo quả nhãn và quả bưởi sẽ có cơ hội lớn tại thị trường rất khó tính này. Nhãn Việt Nam đang được xem xét gồm nhãn Hưng Yên phía Bắc và nhãn đặc sản các tỉnh Nam bộ. Bưởi thương hiệu Việt sẽ gồm bưởi da xanh, bưởi Đoan Hùng. Nhật Bản có thế mạnh về quả quýt, bạn đang đề nghị nước ta mở cửa thị trường cho quýt Nhật Bản vào Việt Nam năm 2021. Nhưng nước bạn không trồng được bưởi nên bưởi đặc sản Việt Nam sẽ là sự lựa chọn của người Nhật. Giống bưởi Đoan Hùng còn đặc biệt ở chỗ, trong điều kiện thông thường, có thể bảo quản được vài tháng đến nửa năm, khi bổ ra, ăn vẫn ngọt thơm, thanh mát như lúc mới hái. Đó là một điểm cộng khi tính chuyện xuất khẩu. Tuy nhiên, để vững chắc bước vào các siêu thị Nhật Bản, cần có một quy trình nghiêm ngặt từ quy hoạch vùng, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, kiểm dịch, đóng gói, bảo quản, vận chuyển… Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh, người đã từng nhiều năm lăn lộn trên đồi đất trung du Phú Thọ khi còn là Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc.Với sự giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp&PTNT, Bộ Ngoại giao và nỗ lực của tỉnh Phú Thọ, “bưởi tiến vua” của Đoan Hùng sẽ tìm đường chinh phục khách hàng Nhật Bản. Đó là một hành trình đầy gian khó, thử thách sự quyết tâm đột phá.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/202103/buoi-tien-vua-tim-duong-sang-nhat-175933