Buôn bán, sản xuất sữa giả bị xử phạt như thế nào?

573 nhãn hiệu sữa bột dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng, phụ nữ có thai, đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phát hiện có chất lượng đạt dưới 70% mức công bố.

573 nhãn hiệu sữa bột dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng, phụ nữ có thai, đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phát hiện có chất lượng đạt dưới 70% mức công bố. Ảnh: VTV.

573 nhãn hiệu sữa bột dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng, phụ nữ có thai, đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phát hiện có chất lượng đạt dưới 70% mức công bố. Ảnh: VTV.

Thông tin từ Đài truyền hình Việt Nam cho hay, Bộ Công an vừa khám phá và triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 đối tượng về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm""Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo cơ quan chức năng, từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh sữa bột.

573 nhãn hiệu sữa bột dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ có thai... đã được 2 công ty trên sản xuất, bán ra thị trường, đem lại doanh thu gần 500 tỷ đồng trong khoảng 4 năm.

Những nhãn hiệu sữa này được quảng cáo, công bố có chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó...

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, sữa của 2 công ty trên sản xuất không có những chất này, chất lượng đạt dưới 70% mức công bố.

Các đối tượng khai nhận đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.

Sản xuất buôn bán sữa giả bị phạt bao nhiêu năm tù

Sản xuất buôn bán sữa giả là hành vi phạm tội theo Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Cụ thể như sau:

(1) Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

(2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

- Có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Tái phạm nguy hiểm;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

- Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

- Buôn bán qua biên giới;

- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

- Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

(3) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

- Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

- Làm chết người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

(4) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

- Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;

- Làm chết 02 người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

(5) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, sản xuất buôn bán sữa giả có thể bị phạt tù từ 2 năm đến cao nhất là chung thân tùy vào mức độ hành vi phạm tội.

Pháp nhân thương mại phạm tội sản xuất buôn bán sữa giả bị xử phạt như thế nào?

Theo khoản 6 Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015, Pháp nhân thương mại phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm chịu hình phạt như sau:

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định mục (1), thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại mục (2), thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại mục (3), thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại mục (4), thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

- Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động;

- Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Đoàn Trang

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/buon-ban-san-xuat-sua-gia-bi-xu-phat-nhu-the-nao-179250412120512167.htm