Buồn của Gạo Trung An (TAR)
Vừa trải qua năm đầu tiên báo lỗ kể từ khi niêm yết, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR - sàn HNX) mới đây bị đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra kết luận đối với báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023.
Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An; HNX: TAR); địa chỉ tại số 649A, quốc lộ 91, KV Qui Thạch 1, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ; vừa công bố thông tin cho biết, Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán phía Nam (AASCS) đã từ chối đưa ra kết luận với báo cáo tài chính bán niên 2023 của Công ty
Cụ thể, theo AASCS, Trung An đang chờ kết quả xác minh của cơ quan chức năng về các vấn đề được nêu trong kết luận thanh tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 13/9/2023.
Bao gồm, 15 triệu cổ phiếu TAR trong đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2021; hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ năm 2021; số liệu hàng tồn kho công bố trên BCTC năm 2022 với giá trị hơn 1.255 tỷ đồng.
Vì lý do trên mà đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra kết luận về báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2023 của Gạo Trung An.
Về tình hình sản xuất kinh doanh, theo báo cáo quý IV/2023 Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.005 tỷ đồng, giảm 36% so với quý IV/2022. Lợi nhuận gộp của Công ty giảm hơn 55% xuống còn gần 30 tỷ đồng, biên lãi gộp xuống còn 2,9%.
Ngoài chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận giảm, chi phí tài chính và chi phí bán hàng đều tăng vọt so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, chi phí bán hàng tăng vọt từ 7,4 tỷ đồng lên 34,4 tỷ đồng (gấp 4,6 lần). Nguyên nhân là do phát sinh hoàn chi phí dịch vụ mua ngoài hơn 28 tỷ đồng. Đáng lưu ý, do phát sinh khoản lỗ chênh lệch tỷ giá mà chi phí tài chính của Gạo Trung An lên tới 34,7 tỷ đồng (tăng 16%).
Cuối kỳ, Gạo Trung An báo lỗ gần 32 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lãi gần 18 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 4.484 tỷ đồng, tăng 18%; song vẫn báo lỗ sau thuế hơn 19 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi hơn 75 tỷ đồng. Doanh nghiệp vượt mục tiêu doanh thu của năm (3.800 tỷ đồng) nhưng không đạt kế hoạch lợi nhuận sau thuế (dự kiến 50 tỷ đồng).
Kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán, đây là lần đầu tiên TAR báo lỗ.
Thời điểm cuối năm 2023, nợ phải trả của Gạo Trung An là 1.741 tỷ đồng, tăng 9,5% so với đầu năm. Trong đó, vay nợ ngắn hạn ghi nhận đạt 1.542 tỷ đồng, tăng 12%, ngược lại, vay nợ dài hạn giảm 59,8% xuống 8,3 tỷ đồng.
Gạo Trung An liên tiếp đón nhận tin xấu trong năm 2023
Từ 12/10/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chuyển 78,3 triệu cổ phiếu TAR của Trung An từ diện cảnh báo sang diện bị kiểm soát do công ty chậm nộp báo cáo tài chính riêng và hợp nhất soát xét bán niên 2023 quá hạn 30 ngày so với quy định.
Cũng vì lý do này, cổ phiếu TAR đã bị cắt margin từ ngày 18/9.
Trước đó, ngày 26/8, TAR gửi công văn lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và HNX xin gia hạn công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2023 đã soát xét của Công ty đến 30/9. Lý do là Công ty cần tái cơ cấu nhân sự cao cấp, sắp xếp hoạt động kinh doanh để đảm bảo kịp tiến độ giao hàng cho các đơn vị xuất khẩu và hoàn thiện quy trình mua bán hàng; và đơn vị kiểm toán cần thêm thời gian tiến hành các thủ tục soát xét, thu thập, đánh giá thông tin liên quan để hoàn thiện báo cáo.
Vào ngày 14/8, Chủ tịch HĐQT của TAR là bà Lê Thị Tuyết và Tổng giám đốc là ông Phạm Thái Bình (chồng bà Tuyết) đã nộp đơn xin từ nhiệm với lý do "cơ cấu lại nhân sự Công ty" mặc dù hai người vừa được bổ nhiệm tại Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 6/2023.
Sau đó, từ ngày 17/8, ông Bình được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc. Bà Tuyết vẫn còn giữ chức vụ Thành viên HĐQT. Người đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật thay ông Bình là bà Nguyễn Lê Bảo Trang (sinh năm 1978), người đã giữ chức Thành viên HĐQT từ tháng 5/2018 đến khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc.
Một "tin xấu" khác là vào ngày 29/9, UBCKNN đã ban hành Quyết định cảnh cáo và xử phạt 487,5 triệu đồng đối với Trung An do không công bố thông tin hoặc công bố thông tin không đúng thời hạn đối với báo cáo tài chính, biên bản kiểm phiếu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên; thông tin về việc vay, cho vay đối với một số khoản vay lớn từ các ngân hàng...
Đáng lưu ý, doanh nghiệp bị phạt vì công bố thông tin sai lệch, cho biết ông Phạm Thái Bình và bà Nguyễn Lê Bảo Trang không nắm giữ chức vụ tại các tổ chức khác, tuy nhiên thực tế hai ông bà này nắm giữ chức vụ tại các công ty con và công ty liên kết.
Ông Phạm Thái Bình, Phó chủ tịch HĐQT Trung An cũng bị UBCKNN xử phạt do thực hiện hợp đồng, giao dịch với công ty con khi chưa được Đại hội đồng cổ đông hoặc HĐQT chấp thuận...
Triển vọng sáng ngành lúa gạo Việt Nam năm 2024
Tình hình kinh doanh của TAR đi xuống trong bối cảnh ngành gạo đạt được nhiều thành tựu nổi bật với những con số tăng trưởng ấn tượng trong năm 2023. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả năm, sản lượng lúa cả nước đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022; giá trị xuất khẩu gạo đạt kỷ lục 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022.
Từ đầu năm 2024, ngành lúa gạo Việt Nam đã liên tiếp đón nhận những tín hiệu lạc quan. Theo đó, 7 doanh nghiệp Việt Nam đã trúng 10/17 gói thầu, cung cấp trên 300.000 tấn gạo cho Indonesia. Quốc gia này đang có kế hoạch tiếp tục nhập khẩu 2 triệu tấn gạo năm 2024.
Đầu tháng 2/2024, Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ về việc bán 1,5 – 2 triệu tấn gạo/năm cho Philippines trong 5 năm. Philippines là quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm 2024 với nhu cầu nhập khẩu kỷ lục là 3,8 triệu tấn gạo/năm. Hiện gạo của Việt Nam chiếm trên 80% tổng lượng gạo nhập khẩu của quốc gia này.
Báo cáo "Triển vọng hàng hóa toàn cầu" của Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định, giá gạo toàn cầu dự kiến sẽ không giảm trước năm 2025 và dự kiến sẽ tăng thêm 6% vào năm 2024. Nguyên nhân do mối đe dọa từ El Nino và các chính sách hạn chế xuất khẩu từ các nguồn cung lớn cũng như tăng nhập khẩu từ các nước có nhu cầu cao.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/buon-cua-gao-trung-an-tar-post340003.html