Buôn K'Ho trù phú từ cây dâu con tằm
Từ vài năm nay, người K'Ho ở Đinh Văn đã quen thuộc với cây dâu con tằm, vật nuôi mới mang lại no ấm cho những buôn làng K'Ho.
Ông Đinh Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đinh Văn chia sẻ, Đinh Văn có 11 tổ dân phố có bà con người K’Ho sinh sống. Trong đó, có những tổ dân phố bà con K’Ho chiếm đa số như Kon Tách Đăng, Pốt Pe, Ryông Srê… vốn là những buôn cũ của bà con. Ông Khương cho biết, cũng như hầu hết cư dân Đinh Văn, bà con K’Ho chủ yếu trồng cây cà phê, chỗ nào có ruộng trồng thêm lúa nước. Đất Đinh Văn vốn không quá hợp cho cây cà phê phát triển, trồng lúa lại không chủ động được nguồn nước, chỉ trồng được một vụ nhờ vào nước trời. Đã thế, ở nhiều tổ đất đai sản xuất hạn chế, mỗi hộ chỉ được dăm sào đất trồng cà phê, cuộc sống của bà con rất chật vật. Nhưng hôm nay, đời sống của bà con đã thay đổi hẳn nhờ vào cây dâu con tằm.
Gia đình chị K’Ột, tổ dân phố Ryông Srê có tới 4 người con đi học phổ thông và đại học, cao đẳng. Nhà không có công làm, cà phê ít trái, lúa nước cấy một vụ nên không đủ tiền cho con đi học. May mắn, chị đã chuyển 5 sào lúa nước một vụ sang trồng dâu. Trong nhà lúc nào cũng có tằm, có kén bán, anh chị đủ tiền nuôi con đi học xa nhà. Chị K’Ột cho biết: “Làm lúa công thấp lắm, trồng mấy tháng mới thu được khoảng 2 triệu đồng/sào, không đủ nuôi con. Trồng dâu nuôi tằm cho thu khá hơn, tháng nào cũng có tiền, giá kén lại cao từ mấy năm nay. Nhờ con tằm nhà tôi mới đủ tiền gửi cho con đi học dưới thành phố”. Ngay sát nhà chị K’Ột, chị K’Er cũng đang chuẩn bị xuất lứa kén trắng tinh. Nhà chị K’Er con cái cũng đi học hết, hai vợ chồng chị chăm 4 sào dâu và nuôi tằm. Chị K’Er cũng đang thay lứa dâu cũ bằng giống dâu cao sản S7-CB. Chị bảo, trước không nuôi tằm thì vợ chồng chị đi làm thuê vì trồng lúa thu nhập thấp. Nay có tằm, chị chỉ cần loanh quanh ở nhà, chăm vườn dâu và nong tằm là có thu nhập tốt hơn đi làm thuê nhiều.
Anh K’Bin, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đinh Văn cho biết, ở hầu hết các tổ dân phố có đồng bào K’Ho cư trú, nhà nào có đất đều trồng dâu nuôi tằm.
Ở những tổ như Pốt Pe, Kon Tách Đăng hay B’Nông Jết, gần như tất cả các hộ K’Ho đều có dâu, có tằm. Ban đầu có vài hộ học theo người Kinh trồng dâu nuôi tằm, sau đó thị trấn động viên bà con chuyển bớt diện tích lúa, cà phê năng suất thấp sang trồng dâu. Thị trấn cũng tổ chức các lớp học trồng dâu nuôi tằm, hướng dẫn bà con rất cụ thể làm sao để trồng dâu, làm sao để lên né, tằm cần thuốc trị bệnh ra sao… Bà con K’Ho ở Đinh Văn ứng dụng kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm khá tốt, nuôi tằm trên giàn sắt, dùng né gỗ vuông. Người biết chỉ cho người chưa biết, người biết ít học hỏi từ người rành nghề, vì vậy năng suất kén của bà con đạt khá, nhiều hộ năng suất trung bình 45-50 kg/hộp tằm giống. Không chỉ nuôi tằm, nhiều hộ còn chuyên trồng dâu hái lá, cung cấp cho các hộ nuôi tằm lớn và tằm con. Hiện 1 kg dâu cành có giá 7 ngàn đồng, dâu lá đạt 12 ngàn đồng/kg, mang lại thu nhập ổn định cho bà con. Toàn thị trấn có xấp xỉ 800 - 1 ngàn hộ bà con K’Ho trồng dâu nuôi tằm.
Ông Đinh Văn Khương, Phó Chủ tịch thị trấn Đinh Văn đánh giá, cây dâu con tằm quả thật đã thay đổi hẳn cuộc sống của bà con người K’Ho trên địa bàn thị trấn. Vì vậy, Đinh Văn xác định hỗ trợ bà con gắn với cây dâu con tằm để ổn định đời sống, bên cạnh cây cà phê và lúa nước truyền thống. Hiện thị trấn đang hỗ trợ cho các hộ chuyển đổi từ cây trồng khác sang cây dâu 500 ngàn đồng/sào để bà con có kinh phí mua giống, mua phân bón chăm dâu. Thị trấn cũng đang vận động thành lập tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm, tập hợp bà con trở thành một tập thể để tăng giá trị cho những chiếc kén trắng, mang lại no ấm cho những buôn làng K’Ho.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201910/buon-kho-tru-phu-tu-cay-dau-con-tam-2966450/