Buôn lậu đường tại Đồng Tháp diễn biến phức tạp

Thời gian gần đây, tại khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp, tình hình buôn lậu đường kết tinh diễn biến phức tạp. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn mới tinh vi, liều lĩnh, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu.

Đội Kiểm soát Hải quan Đồng Tháp thu giữ đường nhập lậu. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Đội Kiểm soát Hải quan Đồng Tháp thu giữ đường nhập lậu. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Đồng tháp là tỉnh có chung đường biên giới dài hơn 50 km với Cam-pu-chia, gồm nhiều sông, kênh, rạch, ngõ ngang, lối tắt, rất thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu hoạt động, nhất là đối với mặt hàng đường kết tinh, bởi loại hàng hóa này cho lợi nhuận cao nhưng trị giá lại thấp cho nên ít rủi ro, dễ đối phó với cơ quan chức năng. Hoạt động buôn lậu nóng nhất ở khu vực ấp 1, xã Thường Thới Hậu B và cánh gà cửa khẩu Thường Phước thuộc huyện Hồng Ngự; khu vực biên giới xã Bình Phú, Tân Hộ Cơ thuộc huyện Tân Hồng; trên sông Tiền vào ban đêm. Trong nội địa, khu vực thị xã Hồng Ngự là nơi trung chuyển hàng lậu theo đường bộ, đường sông, rồi từ đây hàng chuyển về TP Cao Lãnh và các tỉnh lân cận.

Có mặt tại Cửa khẩu quốc tế đường sông Thường Phước (xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự) nằm bên sông Tiền, giáp cửa khẩu Vĩnh Sương (tỉnh An Giang) và xã Kô-rô-ca (tỉnh Prây-veng, Cam-pu-chia), chúng tôi nhận thấy, đây là địa bàn nơi các đối tượng chở đường lậu đi qua, chủ yếu các đối tượng cư ngụ tại xã Thường Phước 1, Thường Phước 2 (huyện Hồng Ngự) và thị xã Hồng Ngự. Chúng hoạt động không theo quy luật nhất định, mà chỉ hoạt động khi có tin báo canh dò đường, cùng những thông tin về kế hoạch tổ chức giám sát hàng lậu của lực lượng chức năng do đội quân "chim lợn" báo về. Nếu nghi ngờ hoặc phát hiện lực lượng mai phục, kiểm soát, chúng ngừng vận chuyển hàng. Bên cạnh đó, chúng luôn sử dụng phương thức vận chuyển nhỏ lẻ, nhiều lượt chuyến, không tập kết nhiều hàng lậu tại một điểm. Việc tổ chức, vận chuyển hàng lậu từ biên giới vào nội địa được thực hiện rất nhanh, phần lớn sử dụng xe gắn máy chạy với tốc độ cao để chuyển hàng lậu, cho nên các lực lượng rất ngán ngại khi tổ chức chặn, dừng phương tiện để bắt giữ đối tượng bởi dễ xảy ra tai nạn cho người tham gia giao thông. Xe gắn máy của các đối tượng chở hàng lậu hầu hết không bảo đảm an toàn giao thông, không có giấy tờ hợp lệ và trị giá thấp cho nên khi bị phát hiện, bắt giữ thì sẵn sàng bỏ phương tiện thoát thân.

Các đối tượng buôn lậu đường thường tập trung khu vực cánh gà cửa khẩu, sau đó qua các kho hàng phía nước bạn mua hàng, rồi tập kết tại biên giới. Bất kể thời gian, khi nhận thấy điều kiện thuận lợi, các đối tượng lập tức vận chuyển hàng về Việt Nam bằng xe gắn máy, ra đến đường ĐT 841 thì chạy với tốc độ rất cao về thị xã Hồng Ngự, chuyển hàng vào nhiều điểm như các tiệm bán tạp hóa, các sạp trong chợ, các cơ sở kinh doanh đường... Khi xe gắn máy chở đường kết tinh chuyển vào các điểm này thì lập tức chúng đóng cửa lại, đổ ra khỏi bao, hoặc thay đổi bao bì. Sau đó, sử dụng các phương tiện vận tải khác như xe đạp, xe đẩy, xe lôi đạp,... chuyển lên xe tải chở vào nội địa hoặc các lò nấu đường phèn.

Đấu tranh chống vận chuyển đường nhập lậu vào nước ta đã rất gian nan, nhưng khi bắt được cũng khó xử lý bởi các đối tượng này luôn sử dụng bộ chứng từ bán đấu giá hàng tịch thu để hợp thức hóa hàng lậu. Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Thường Phước Nguyễn Văn Thanh Bình cho biết: Số lượng đường chứa trong kho hoặc đang chở trên xe chở hàng luôn phù hợp số lượng đường trong bộ chứng từ bán đấu giá. Các đối tượng buôn lậu luôn tranh thủ tham gia đấu giá để mua bằng được đường kết tinh bị các lực lượng chức năng tịch thu bán đấu giá, có lúc giá đường bán đấu giá cao hơn nhiều giá thị trường mà chúng vẫn mua để sử dụng những bộ hồ sơ này quay vòng hợp thức hóa hàng lậu.

Đội Kiểm soát (Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp) đã phát hiện trường hợp hóa đơn bán hàng được xuất bán cho người mua vào thời điểm trước khi doanh nghiệp đó mua quyển hóa đơn này ở Chi cục Thuế. Đội trưởng Kiểm soát Phan Văn Thành giải thích: Sau khi bị bắt giữ hàng, đương sự mua hóa đơn để đối phó cơ quan chức năng nhưng người bán hóa đơn lại không nhớ thời điểm mua hóa đơn tại Chi cục Thuế, cho nên họ ghi ngày xuất bán không hợp lệ.

Trước tình hình đó, Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp đã lên kế hoạch tăng cường kiểm soát tình hình và địa bàn, quản lý cửa khẩu chặt chẽ; thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới. Không để phát sinh đường dây, ổ, nhóm buôn lậu, ngăn chặn các đối tượng buôn lậu hoạt động ngang nhiên trong địa bàn quản lý do lỗi chủ quan, lơ là, sơ hở, thiếu trách nhiệm hoặc cố tình để sơ hở hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách được giao. Có cơ chế giám sát cán bộ, công chức tuyệt đối không được thông đồng, tiếp tay, bao che, bảo kê cho buôn lậu với bất kỳ lý do gì hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái vì mục đích tiêu cực, vụ lợi cá nhân, lợi ích nhóm. Phó Cục trưởng Hải quan tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Toàn kiến nghị, các lực lượng chức năng cần sớm trao đổi thống nhất giải pháp đấu tranh đồng bộ, hiệu quả với thủ đoạn sử dụng hóa đơn, bộ hồ sơ mua hàng bán đấu giá để quay vòng hợp thức hóa hàng nhập lậu. Đồng thời, xem xét phá hủy kết cấu xe gắn máy là phương tiện chở hàng lậu không đủ điều kiện lưu hành; sau đó, bán đấu giá phế liệu theo quy định để bảo đảm an toàn giao thông.

MẠNH DƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/33195402-buon-lau-duong-tai-dong-thap-dien-bien-phuc-tap.html