Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng diễn biến phức tạp
Ngày 8/1 tại Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức họp báo định kỳ về tình hình chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020, phương hướng năm 2021.
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực, Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, lợi dụng sự bùng phát của dịch COVID-19 và thiên tai xảy ra liên tục, các đối tượng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn và ngày càng tinh vi, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nổi lên là tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa phòng, chống dịch, ma túy, pháo nổ; thuê nhà xưởng sản xuất ma túy; kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ giả mạo xuất xứ Việt Nam, gây thất thu ngân sách và thiệt hại cho người tiêu dùng.
Năm 2020, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý trên 185.461 vụ việc vi phạm (giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước), thu nộp ngân sách nhà nước 24,8 nghìn tỷ đồng (tăng gần 15,4% so với cùng kỳ), khởi tố 2.543 vụ với 3.502 đối tượng (tăng 28,3% số vụ và 49,46% số đối tượng so với cùng kỳ).
Trong 5 năm qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 1,24 triệu vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 116,9 nghìn tỷ đồng, khởi tố hình sự 10.288 vụ, 12.398 đối tượng. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy, thuốc lá; gian lận thuế xuất, nhập khẩu, kinh doanh và lợi dụng thương mại điện tử để vi phạm pháp luật; buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng đã qua sử dụng; hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ “Made in Việt Nam”.
Chia sẻ về các thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu, Trung tá Nguyễn Văn Thực- Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, các đối tượng buôn lậu lợi dụng kẽ hở của cơ chế chính sách để buôn lậu.
"Bối cảnh 2020 diễn ra đại dịch COVID-19, chúng ta kiểm soát chặt tuyến biên giới, đường mòn, lối mở thì buôn lậu qua tuyến này cơ bản là giảm, tuy nhiên các đối tượng buôn lậu lại chuyển hướng qua qua đường chính ngạch, lợi dụng cơ chế thông thoáng của chính sách, lợi dụng cơ chế tạm nhập tái xuất (TNTX), hàng quá cảnh quay đầu và lợi dụng khai báo hải quan qua các luồng xanh, vàng để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm. Qua các vụ việc đấu tranh cho thấy, các vụ việc buôn lậu qua các hình thức chính ngạch này chiếm tới 6%" , Trung tá Nguyễn Văn Thực cho biết
Liên quan đến kiểm tra hàng quá cảnh, ông Nguyễn Văn Ổn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, Cục Điều tra chống buôn lậu đã có văn bản trao đổi với Hiệp hội vận tải Việt Nam-ASEAN. Theo đó, việc kiểm tra hàng hóa của cơ quan Hải quan là đúng quy định của pháp luật. Qua công tác nắm tình hình, lực lượng Hải quan nhận thấy, các đối tượng lợi dụng loại hình quá cảnh để buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Trước tình hình trên, Tổng cục Hải quan giao cho Cục Điều tra chống buôn lậu xây dựng kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với loại hình này.
Trao đổi tại cuộc họp báo, Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng cho biết, những năm qua, lực lượng chức năng đẩy mạnh hoạt động truy quét, phòng, chống buôn lậu ma túy nên việc buôn bán ma túy tổng hợp ở biên giới phía Bắc cơ bản được ngăn chặn. Song các đối tượng buôn bán ma túy đã chuyển địa bàn tới vùng Bắc miền Trung và biên giới Việt Nam - Campuchia. Đây được xem là khu vực có nhiều thuận lợi cả về giao thông đường bộ, đường biển.
Về hiện tượng một số cán bộ trong lực lượng chức năng tham gia công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại có hành vi tiêu cực, tham nhũng, ông Đàm Thanh Thế cho biết, đối với các vụ việc tiêu cực xảy ra trong lực lượng đều cần được xem xét trách nhiệm tập thể và cá nhân. Những tập thể, cá nhân vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xem xét xử lý hình sự.
“Năm 2021, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi là kiểm soát công vụ, đấu tranh chống tiêu cực ngay trong nội bộ lực lượng thực thi chống buôn lậu, gian lận thương mại”, ông Đàm Thanh Thế nhấn mạnh.