Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: 'Nóng' trở lại trên mọi tuyến đường

Thời gian gần đây, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đang dần 'nóng' trở lại trên mọi tuyến đường. Các đối tượng đã thay đổi phương thức, thủ đoạn để 'luồn lách', hòng tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - cho biết, trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý, các đối tượng buôn lậu rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện.

Điển hình như tại Bắc Giang, vụ dừng, kiểm tra xe ôtô của đối tượng nghi vấn, đối tượng đã tấn công lực lượng chức năng, làm một chiến sĩ công an hy sinh. Qua khám xét xe ôtô, lực lượng chức năng phát hiện 2 tấn linh kiện điện thoại các loại không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Trong khi đó, tại tuyến biên giới Tây Nam lại “nóng” hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng đã qua sử dụng, đường cát, thuốc lá điếu… Trên tuyến hàng không, bưu điện quốc tế, các đối tượng buôn lậu tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị cao và dễ cất giấu như vàng, sản phẩm của động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà... Tuyến biển, cảng biển, hoạt động buôn lậu là xăng, dầu, khoáng sản, thuốc lá, rượu ngoại, hàng điện tử, điện lạnh, máy móc đã qua sử dụng, sản phẩm động vật thuộc danh mục CITES, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ...

Lực lượng chức năng xử lý nhiều vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng

Lực lượng chức năng xử lý nhiều vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng

Ở trong thị trường nội địa, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ cũng gia tăng, đặc biệt là trang thiết bị y tế và hàng hóa liên quan tới chống dịch bệnh, thậm chí có cả hàng hóa đã qua sử dụng. Ngoài ra, với sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử, các đối tượng lợi dụng các kho hàng của bưu chính để tàng trữ và kinh doanh hàng giả nhãn mác, giả xuất xứ, hàng kém chất lượng để lừa bán cho người tiêu dùng, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế và sức khỏe của người dân.

Kết quả đấu tranh, trong quý III, lực lượng quản lý thị trường (QLTT), công an đã điều tra nhiều đường dây, ổ nhóm về buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Riêng lực lượng QLTT, đến hết ngày 16/10/2020, đã phát hiện, xử lý 69.390 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng... Điển hình như các vụ: Tổng kho buôn lậu hơn 10.000m2 tại 145 Hoàng Diệu, TP. Lào Cai; 2 trung tâm thương mại bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Móng Cái - Quảng Ninh, Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, chợ Bến Thành, chợ Ninh Hiệp, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội...

Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng cần nâng cao năng lực để nhận diện phương thức, thủ đoạn mới của đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả. Trên cơ sở đó phát hiện đối tượng chủ mưu, cầm đầu để đánh trúng, đánh đúng, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các đường dây, ổ nhóm tội phạm.

Các lực lượng chức năng cần tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả.

Tuệ Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/buon-lau-gian-lan-thuong-mai-va-hang-gia-nong-tro-lai-tren-moi-tuyen-duong-146018.html