Buôn lậu, hàng giả lại nóng

Thời điểm này, khi giá cả xăng dầu, hàng hóa thiết yếu liên tục tăng, nhiều đối tượng đã lợi dụng đầu cơ tích trữ, cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đã khám phá, xử phạt gần 2.000 vụ. Đáng chú ý, Cục Hải quan TPHCM đã chuyển hồ sơ gần 40 vụ vi phạm nghiêm trọng có dấu hiệu hình sự cho cơ quan chức năng khởi tố hình sự theo thẩm quyền.

Bộ đội Biên phòng TPHCM vừa triệt phá một vụ vận chuyển trái phép dầu DO với khối lượng lớn. Ảnh: Đức Thắng.

Bộ đội Biên phòng TPHCM vừa triệt phá một vụ vận chuyển trái phép dầu DO với khối lượng lớn. Ảnh: Đức Thắng.

Phát hiện nhiều vụ buôn lậu, hàng giả

Đầu tháng 11, cơ quan chức năng phát hiện nhiều điểm bán hàng giả, hàng kém chất lượng ngay giữa trung tâm quận 1, TPHCM. Tại trung tâm Sài Gòn Square (số 77-89) đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường Bến Thành, quận 1) nhan nhản các sản phẩm, hàng hóa nhái các thương hiệu nổi tiếng.

Khi đoàn kiểm tra bất ngờ “đột kích” tại đây, nhiều tiểu thương đã “tá hỏa” thu dọn hàng hóa, đóng cửa hàng. Một thành viên đoàn kiểm tra thuộc Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường TPHCM) cho biết, khi có phản ánh về tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái tại trung tâm mua sắm của thành phố, cơ quan chức năng đã đồng loạt kiểm tra tại 6 điểm kinh doanh các mặt hàng như túi, ví, mắt kính, quần áo, phụ kiện trang sức. Rất nhiều sản phẩm đã “nhái” các nhãn hiện nổi tiếng như Gucci , Dior, Chanel, Louis Vuitton, Adidas, Nike, Hermes… với giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm. Khi kiểm đếm, lực lượng Quản lý thị trường đã tạm giữ gần 2.000 sản phẩm để tiếp tục xử lý.

Trước đó, ngày 15/9, Đội thủ tục hành lý xuất thuộc Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TPHCM) cũng đã bắt giữ vụ xuất lậu số tiền 1 triệu USD.

Theo đó, tại chuyến bay số hiệu VJ803 khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Bangkok (Thái Lan), qua soi chiếu, kiểm tra hành lý của 2 đối tượng T.C.T. (SN 1972) và N.K.V. (SN 1976), lực lượng chức năng phát hiện 1 triệu USD được các đối tượng nhuộm đen để dưa ra nước ngoài. Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã bắt giữ và giao các đối tượng cho Công an quận Tân Bình (TPHCM) để tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ.

Tiếp đó, đầu tháng 10/2022, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Công an cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn nhất và Phòng kinh tế Công an TPHCM đã phối hợp kiểm tra hành lý 1 hành khách nhập cảnh từ Singapore vào Việt Nam. Tổ công tác đã phát hiện trong 2 kiện hàng có nhiều điện thoại di động không rõ nguồn gốc, chủng loại. Vụ việc đã được bàn giao cho Phòng kinh tế Công an TPHCM điều tra theo thẩm quyền.

Trong nửa đầu năm nay, Bộ đội Biên phòng TPHCM phối hợp với các đơn vị liên quan đã đấu tranh và xử lý 73 vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép, tạm giữ 90 phương tiện, với 142 đối tượng. Riêng Hải đội 2 thuộc Bộ đội Biên phòng TPHCM đã bắt giữ vụ vận chuyển hàng trăm nghìn lít dầu DO trái phép tại vùng biển do đơn vị này quản lý. Đây là vụ bắt giữ vận chuyển dầu DO trái phép có khối lượng lớn của BĐBP thành phố kể từ đầu năm đến nay.

Tăng cường kiểm tra

Ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, tình trạng phát sinh các giả mạo, vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng đang rất nan giải và ngày càng tinh vi hơn.

Theo ông Thành, vấn đề buôn bán hàng giả, hàng nhái không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi, niềm tin của người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh thu, uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp. Do đó, cơ quan chức năng liên ngành cần tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống buôn bán hàng giả, hàng nhái để đảm bảo một môi trường kinh doanh, sáng tạo và phát triển lành mạnh cho doanh nghiệp.

Xác định thời điểm cận Tết Dương lịch và thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán thường là dịp các đối tượng buôn lậu, sản xuất, vận chuyển hàng giả, hàng lậu vào thị trường TPHCM tiêu thụ, các cơ quan chức năng TPHCM đang tổ chức các Tổ liên ngành để tăng cường kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc. Theo lộ trình kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là kế hoạch 888), Tổng cục Quản lý thị trường sẽ phối hợp cùng Cục Quản lý Thị trường TPHCM tăng cường lực lượng và tăng số đoàn kiểm tra “đột xuất” tại các khu vực “điểm đen” về gian lận thương mại và hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Từ đầu năm đến nay, Cục Hải quan TPHCM đã phát hiện, lập biên bản trên 1.900 vụ vi phạm, với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính lên đến trên 2.400 tỷ đồng. Đáng chú ý, hồ sơ của 37 vụ vi phạm nghiêm trọng có dấu hiệu hình sự đã được Cục Hải quan TPHCM chuyển cho cơ quan chức năng khởi tố hình sự theo thẩm quyền.

Ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho biết, sẽ nắm bắt báo cáo từ đại diện các đơn vị như Phòng Giám sát quản lý, Phòng Thuế Xuất nhập khẩu, Phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm,… để đẩy mạnh hoạt động phòng, chống hàng gian, hàng không rõ xuất xứ trên địa bàn. Theo ông Thắng, Cục Hải quan TPHCM đang đề ra các giải pháp, phương án tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu và xử lý vi phạm trong những tháng cuối năm.

LÊ ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/buon-lau-hang-gia-lai-nong-5701145.html