Buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tăng cả số vụ và trị giá

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong tháng tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng về số vụ và trị giá hàng hóa so với cùng kỳ năm trước.

Trong 8 tháng năm 2024, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 11.555 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 21.629 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 16 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 113 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 474,8 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng cửa khẩu Cha Lo bắt đối tượng vận chuyển hơn 1 tạ pháo nổ khi nhập cảnh. Ảnh: Hải Lâm.

Lực lượng chức năng cửa khẩu Cha Lo bắt đối tượng vận chuyển hơn 1 tạ pháo nổ khi nhập cảnh. Ảnh: Hải Lâm.

Tại khu vực biên giới đường bộ Việt - Trung, Việt – Campuchia, tình hình vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới gia tăng. Hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm, thuốc lá điếu, lá thuốc lá tại các khu vực giáp biên giới Việt - Trung, Việt - Campuchia.

Khu vực vùng biển Đông Bắc vẫn còn hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép dầu Diesel không có nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp và sản phẩm gia cầm. Tại địa bàn các tỉnh miền Trung và tuyến biên giới Việt - Lào hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép mặt hàng vàng, pháo nổ, đường kính trắng vẫn tiếp diễn.

Cùng với đó, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vẫn tiềm ẩn nguy cơ tại 3 tuyến: đường hàng không, tuyến đường biển và đường bộ. Bên cạnh đó, tiền chất nhập khẩu cũng tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng, sử dụng điều chế, sản xuất trái phép ma túy.

Theo ông Phan Quốc Đông, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), tại tuyến biên giới đường bộ, tội phạm thường thực hiện các hành vi gia cố phương tiện vận tải để cất giấu ma túy; ngụy trang, cất giấu ma túy trong hàng hóa, hành lý, trong các đồ dùng cá nhân, trong người; thuê cư dân biên giới, phụ nữ, lao động làm thuê, thất nghiệp hoặc giả làm hành khách nước ngoài đi tham quan, du lịch để vận chuyển ma túy.

Trên tuyến hàng không, chuyển phát nhanh, các đối tượng thường lựa chọn vận chuyển ma túy qua các cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng từ các nước châu Âu, châu Mỹ. Trong đó, có sự chuyển dịch từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ra sân bay quốc tế Nội Bài sau đó tiếp tục vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt vào phía Nam với các loại ma túy tổng hợp, các loại tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần, cần sa.

Tuyến đường biển cũng được đánh giá là tuyến trọng điểm, tiềm ẩn nguy cơ xuất lậu, nhập lậu chất ma túy, các loại tiền chất có chứa chất gây nghiện, chất hướng thần không có giấy phép của cơ quan chức năng dưới danh nghĩa hàng kinh doanh. Thời gian gần đây, xuất hiện trở lại tình trạng ma túy trôi dạt trên biển với số lượng lớn tại vùng biển, đã đặt ra yêu cầu các lực lượng chức năng phải áp dụng đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả nhiều biện pháp nghiệp vụ.

Trong tháng 8/2024, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, phát hiện, bắt giữ 20 vụ/29 đối tượng; trong đó cơ quan hải quan chủ trì 5 vụ. Tang vật thu được gồm 164,37 kg ma túy các loại gồm: 6,65 kg heroin; 43,4 kg ketamine; 112,26 kg ma túy tổng hợp; 2,06 kg ma túy khác.

Đông Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/buon-lau-van-chuyen-trai-phep-hang-hoa-qua-bien-gioi-tang-ca-so-vu-va-tri-gia-158778.html