Mỹ bắt đầu cho kế hoạch rút bớt các hệ thống phòng thủ nước này đặt tại các quốc gia đồng minh ở khu vực Trung Đông. Việc bất ngờ rút các tên lửa phòng không có thể đặt khu vực này vào trong một bối cảnh mới.
Tháng trước, Washington tuyên bố sẽ cắt giảm 8 hệ thống tên lửa phòng không Patriot được triển khai ở Ả Rập Xê Út, Jordan, Kuwait và Iraq; hệ thống chống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD cũng được rút khỏi Ả Rập Xê Út.
Trước đó Mỹ đã triển khai các tổ hợp phòng không hiện đại này nhằm bảo vệ đồng minh trước các mối đe dọa có thể đến từ Iran cũng như các lực lượng hồi giáo cực đoan khác tại Trung Đông.
Việc rút các hệ thống phòng không của Mỹ một mặt cho thấy tín hiệu tích cực về việc hạ nhiệt trong các điểm nóng tại khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên chúng lại đặt các đồng minh Mỹ vào một nỗi bất an khi mất đi chiếc ô phòng thủ do Mỹ lập ra.
Các chính phủ ở Trung Đông bao gồm cả Israel sẽ buộc phải tăng cường đầu tư cho việc mua các hệ thống phòng không cao cấp để thay thế.
Dù vậy một số hệ thống THAAD vẫn sẽ được giữ để triển khai trên lãnh thổ Israel.
Tầm bắn xa, độ chính xác cao, cùng phương thức diệt mục tiêu có một không hai trên thế giới, đã khiến hệ thống tên lửa đánh chặn tầm cao (THAAD) của Mỹ, có thể lấn lướt hệ thống phòng không tầm xa S-400 thậm chí cả S-500 của Nga.
Trong khi hệ thống phòng không nguy hiểm nhất của Nga S-500 vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện, thì đối thủ của nó - Hệ thống tên lửa tầm cao THAAD của Mỹ đã đi vào giai đoạn trang bị hàng loạt.
Radar của hệ thống THAAD có thể phát hiện tên lửa đạn đạo ở cự ly lên tới 1.000 km, và tiêu diệt chúng ở khoảng cách 250 km.
THAAD (hệ thống phòng thủ giai đoạn cuối) do tập đoàn Lockheed Martin thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.
Điểm độc đáo của hệ thống này là chúng truy đuổi và tiêu diệt mục tiêu bằng động năng của quả đạn khi tiếp xúc với mục tiêu (hit to kill), thay vì tiêu diệt bằng đầu nổ như các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường.
Với cơ chế tiêu diệt mục tiêu kiểu "hit to kill", THAAD được đánh giá là hệ thống đánh chặn có độ chính xác nhất hiện nay.
Phương thức tiêu diệt mục tiêu độc đáo này làm cho THAAD trở thành sát thủ của mọi mục tiêu bay khi rơi vào tầm bắn của nó.
Mặt khác do sử dụng động năng thay vì đầu đạn nổ cũng đã làm giảm đáng kể trọng lượng và kích thước quả đạn, giúp cho hệ thống này có thể mang nhiều đạn hơn những hệ thống cùng loại.
Mỗi xe phóng mang theo 8 đạn tên lửa nhiều gấp đôi số đạn mang theo trên xe phóng của hệ thống Patriot lẫn S-300, S-400 và nhiều gấp 4 lần so với S-500.
THAAD có thể phóng nhiều đạn tên lửa cùng lúc tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa.
Một hệ thống THAAD có thể mang đồng thời 32 đạn tên lửa và có thể bắn loạt 16 tên lửa để tiêu diệt các mục tiêu cùng một lúc.
Đầu tiên, một tên lửa mục tiêu sẽ được phóng đi từ một vị trí nằm khá xa, tiếp đến radar AN/TPY-2 sẽ theo dõi và tính toán quỹ đạo bay của tên lửa mục tiêu.
Thông tin từ radar AN/TPY-2 sẽ gửi đến trung tâm điều khiển để xử lý và chuyển tiếp cho hệ thống kiểm soát bắn.
Một radar AN/TPY-2 thứ 2 sẽ làm nhiệm vụ điều khiển hỏa lực dẫn đường cho tên lửa đánh chặn mục tiêu.
Quá trình từ lúc phát hiện mục tiêu đến khi phóng tên lửa đánh chặn chỉ mất khoảng 5 phút.
THAAD có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo trong phạm vi khoảng 250-300km với độ chính xác cực cao. Mỹ đang phát triển thêm các loại đạn mới có tầm diệt mục tiêu từ khoảng cách lên tới 450km.
THAAD được thiết kế vào năm 1987 và chính thức đi vào biên chế năm 2008. Chúng hiện là nòng cốt trong lưới lửa phòng không tầm xa của Mỹ.
Đạn tên lửa chỉ nặng 900kg và có chiều dài 6,1m, đường kính 34cm. Với vận tốc Mach 8,2 đây là một trong những loại đạn tên lửa đánh chặn có tốc độ lớn nhất hiện nay.
Giá bán hệ thống THAAD là 885,6 triệu USD, chưa tính phí lắp đặt, huấn luyện, bảo trì và hạ tầng hỗ trợ. Tuy nhiên nước mong muốn sở hữu hệ thống này, nhưng Mỹ vẫn lắc đầu từ chối bán.
Việt Hùng