Buông lời đe dọa, kiếm tiền trên nỗi sợ hãi của người khác
Trước nỗi lo của cộng đồng về vấn đề ô nhiễm không khí, nước sạch, nhiều chủ shop đã tranh thủ reo rắc sự sợ hãi để kiếm lời.
Năm 2009, cả thế giới từng run rẩy trước thông tin dịch cúm A/H1N1 hoành hành toàn cầu, nhiều bệnh nhân thiệt mạng. Các quốc gia châu Âu giàu có như Pháp, Anh, Hà Lan,... dốc ngân sách chi hàng tỷ Euro mua vắc xin chống cúm và thuốc điều trị Tamiflu. Cuối cùng, sau khi điều tra cặn kẽ, người ta mới ngã ngửa khi biết rằng quy mô của "đại dịch" không hề lớn như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên truyền.
Kết quả là vài triệu liều vắc xin và thuốc Tamiflu bị tồn kho. Sự việc lớn đến mức các chuyên gia y tế châu Âu cáo buộc WHO nhận tiền của các hãng dược, thổi phồng nguy cơ dịch cúm A/H1N1 để bán thuốc kiếm lời. Mặc dù, WHO đã nhanh chóng bác bỏ cáo buộc trên, thế nhưng đến ngày nay sự thật của vấn đề vẫn là một dấu hỏi lớn. Chỉ biết rằng các hãng dược đã kiếm bộn tiền trước nỗi lo đại dịch.
Tại Việt Nam, việc kinh doanh dựa trên nỗi sợ hãi cũng không phải chuyện xa lạ. Các gian hàng bán thực phẩm sạch, thực phẩm chức năng không biết vô tình hay hữu ý thỉnh thoảng lại nhắc tới bệnh ung thư, nỗi sợ lớn nhất trong lòng người dân. Có chủ shop rau quả hữu cơ còn mạnh dạn treo khẩu hiệu (slogans) trên Facebook: "Nếu bạn nghĩ thực phẩm hữu cơ đắt tiền, thế thì bạn không biết chi phí chữa trị ung thư tốn kém thế nào rồi". Thay vì quảng cáo chất lượng của sản phẩm, người chủ hàng ấy đã trắng trợn đe dọa các khách hàng của mình.
Những ngày qua, ngoài vấn đề thực phẩm bẩn, người dân Hà Nội còn phải gánh thêm hai nỗi lo mới. Đó là ô nhiễm không khí và nước sạch. Dĩ nhiên, đi tuyên truyền thông tin này nhiệt tình nhất không ai khác chính là các shop bán khẩu trang, máy lọc không khí, máy lọc nước.
Trên mạng xã hội Facebook, các chủ shop chia sẻ ngập tràn các bài viết về tác hại của bụi mịn, của chất Styren trong nước, kèm theo đó là lời quảng cáo sản phẩm trên mây. Tuy nhiên, sản phẩm bán ra có khi lại là hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc không hề có tính năng như quảng cáo.
Trong đợt cao điểm ô nhiễm không khí vừa qua, trên thị trường có bán rất nhiều loại khẩu trang giả, xuất xứ Trung Quốc, giá chỉ bằng một nửa, một phần ba so với hàng chính hãng. Dĩ nhiên, những khẩu trang này không hề có khả năng ngăn bụi mịn.
Và hiện tại là các sản phẩm máy lọc nước RO đang được giới thiệu sở hữu tính năng lọc Styren. Dù vậy, tính năng này vẫn còn phải xem xét lại. Có ý kiến cho rằng, kích thước của dầu thải rất nhỏ nên sẽ dễ dàng lọt qua màng lọc RO. Các hãng sản xuất cũng chưa hề công bố kết quả xét nghiệm nước sau khi đã đi qua máy lọc.
Thực chất, chuyện tranh thủ cơ hội kinh doanh không hề xấu, nhưng nếu các shop lợi dụng nỗi sợ hãi của khách hàng để bán hàng giả, bán hàng không đúng quảng cáo thì đó lại là hành vi vô nhân đạo.
Sở dĩ xảy ra tình trạng gian thương dễ dàng lừa gạt người tiêu dùng như vậy một phần là do khủng hoảng thông tin. Quá nhiều thông tin nhiễu loạn khiến người dân "không biết đâu mà lần".
Sau khi bị dính cú lừa năm 2009, hội đồng châu Âu EC đã nhóm họp đề ra các quy trình, biện pháp kiểm soát thông tin trong trường hợp khẩn cấp, ngăn ngừa hành vi kiếm lời trên nỗi sợ hãi của cộng đồng trong tương lai.
Thiết nghĩ, tại Việt Nam cũng nên học theo kinh nghiệm này. Song song với việc xử lý sự cố, cần có cơ quan đứng ra hướng dẫn người dân, công bố danh sách những sản phẩm đạt chuẩn có thể sử dụng để khắc phục (trong trường hợp này là khẩu trang, máy lọc nước). Không để tình trạng người dân phải tự mò mẫm tìm hiểu như hiện nay.