Búp bê sát nhân thời 4.0
Dù ý tưởng còn cũ và kịch bản đơn giản, phim kinh dị 'M3GAN' vẫn thành công nhờ tạo ra một câu chuyện ý nghĩa, khiến người xem phải suy ngẫm.
M3GAN là một trong những dự án kinh dị được chờ đợi nhất năm nay, bởi lẽ tham gia vào phần sản xuất không ai khác ngoài James Wan – người mệnh danh “ông hoàng phim kinh dị” với hàng loạt tác phẩm nổi tiếng như Saw (2003), Insidious (2010), The Conjuring (2013)…
Dù còn nhiều hạn chế và kinh phí vỏn vẹn chỉ 12 triệu USD, phim vẫn nhận được cơn mưa lời khen từ giới phê bình đồng thời thắng lớn tại phòng vé, đạt tổng doanh thu hơn 150 triệu USD. Thành tích khiến các nhà sản xuất mạnh dạn chi tiền để đầu tư phần hậu truyện, hứa hẹn tạo nên một thương hiệu kinh dị ăn khách trong tương lai.
Hình tượng búp bê 4.0
Chuyện phim bắt đầu khi cô bé Cady (Violet McGraw) bất ngờ trở thành trẻ mồ côi sau khi cha mẹ mất vì tai nạn. Em được chuyển đến sống cùng dì Gemma (Allison Williams) vốn là nhà khoa học, hiện làm việc cho một công ty nổi tiếng, chuyên nghiên cứu robot làm đồ chơi cho trẻ em.
Vì công việc quá bận rộn, Gemma không thể nào dành nhiều thời gian cho Cady. Thấy cháu gái bắt đầu có nhiều dấu hiệu trầm cảm, cô quyết định mang búp bê M3GAN về làm bạn với Cady. Tuy nhiên, theo thời gian nhiều sự kiện kỳ lạ liên tục xảy ra khiến Gemma nghi ngờ M3GAN là kẻ đang âm thầm đứng sau thực hiện tất cả.
Trước nay, búp bê vốn là biểu tượng kinh điển của dòng phim kinh dị. Các nhà làm phim Hollywood từng biến thứ đồ chơi trẻ em quen thuộc trở thành hình ảnh gây ám ảnh nhiều thế hệ. Búp bê sát nhân liên tục xuất hiện qua hàng loạt tác phẩm như Child’s Play (1988), Annabelle (2014), Chucky (2021)…
Lần này, ê-kíp M3GAN kết hợp hình tượng búp bê với công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để nhào nặn một sát thủ máu lạnh, giết người không gớm tay. Động cơ và mục đích của robot được giải thích hợp lý, rõ ràng thay vì dùng những lý do tâm linh, huyền bí như trước.
Với sự trợ giúp của công nghệ hiện đại, M3GAN từ một vật thể vô tri trở thành robot có khả năng tư duy và hành động như con người. Nó có thể kết nối với Internet và thu thập thông tin, tự cập nhật kiến thức để trở thành phiên bản tốt hơn. Chưa kể, M3GAN còn có khả năng phân tích cảm xúc và trạng thái của người đối diện, từ đó tìm cách ứng xử thích hợp.
Lối kể còn đơn giản
Đảm nhận phần kịch bản là Akela Cooper – từng cộng tác với James Wan trong Malignant (2021). Dựa trên ý tưởng của Wan, nữ biên kịch xây dựng một câu chuyện đơn giản, dễ hiểu. Kịch bản vẫn tuân theo cấu trúc ba hồi kinh điển, được phát triển từ tốn. Tuy nhiên, cách đạo diễn Gerard Johnstone dẫn dắt câu chuyện còn hơi cũ kỹ, gợi nhớ các tác phẩm đầu thập niên 2000.
Theo IMDb, ban đầu biên kịch muốn xây dựng một tác phẩm máu me, rùng rợn hơn hẳn, bao gồm việc M3GAN giết nhiều nạn nhân hơn. Với ý đồ này, rất có thể phim sẽ bị dán nhãn R (hạn chế khán giả dưới 17 tuổi) khi ra rạp. Tuy nhiên, ê-kíp đã cố tình cắt gọn và giảm bớt độ bạo lực để phim được xếp loại PG-13 (không dành cho người dưới 13 tuổi). Hướng đi này khiến một số cảnh quay trong phim còn an toàn, chưa thực sự ấn tượng và không tạo được cảm giác sợ hãi cần thiết.
Các nhà làm phim không lạm dụng jumpscare nhằm hù dọa khán giả, cũng không nhồi nhét những cú twist để gây bất ngờ. Trái lại, họ muốn người xem nhìn ra bản chất của vấn đề. Thay vì tập trung vào việc cài cắm yếu tố gây sợ, biên kịch mượn chuyện robot để nói về chuyện người. Mọi thói hư tật xấu M3GAN học được đều xuất phát từ con người, bao gồm việc nói dối, đe dọa cho đến giết người. Đó vừa là mặt trái của công nghệ, vừa là điểm khiến câu chuyện trở nên đáng sợ.
Thông điệp ý nghĩa
Ngoài ra, tác phẩm cũng làm nổi bật thông điệp gia đình và cách nuôi dạy con cái. Về cơ bản, dì Gemma cũng không khác cha mẹ Cady. Họ đều là những người yêu thương con nhưng không dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc cô bé. Hậu quả khiến Cady buộc phải đắm chìm vào thế giới công nghệ, từ đó không còn biết lắng nghe người thân trong gia đình.
Hơn nữa, phim cũng cài cắm thông điệp chữa lành. Cady phải học cách tự vượt qua nỗi đau bản thân thay vì trốn tránh vấn đề, vùi mình vào thế giới công nghệ. Cách Gemma dùng M3GAN để nuông chiều cháu gái cũng không đúng, kết quả dẫn đến hậu quả kinh khủng, vượt khỏi tầm kiểm soát.
Thông điệp sâu sắc giúp M3GAN chiếm trọn tình cảm của khán giả lẫn giới phê bình, dù tác phẩm còn nhiều hạn chế mà ai cũng có thể nhận ra. Chẳng hạn như diễn xuất của Allison Williams – nổi tiếng với Get Out (2017) – còn đơn điệu, ít cảm xúc. Cách xây dựng nhân vật chính Gemma thì hời hợt, kém sâu sắc.
Nhìn chung, M3GAN không có nhiều phân đoạn quá rùng rợn hay đáng sợ. Tác phẩm hướng người xem đến với một câu chuyện đáng suy ngẫm hơn là cảm giác sợ hãi trong phút chốc. Sau khi phát hành, phim vẫn nhanh chóng được xếp loại “Tươi” trên Rotten Tomatoes với tổng điểm 94% - một thành tích đáng mơ ước với bất kỳ tác phẩm nào.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bup-be-sat-nhan-thoi-40-post1507685.tpo