Burkina Faso: Chuyện riêng, lo chung
Việc Burkina Faso chưa thể tìm thấy lời giải cho bài toán ổn định chính trị có thể tạo điều kiện cho chủ nghĩa khủng bố phát triển tại khu vực Tây Phi.
Tối 30/9, một cuộc đảo chính đã diễn ra, nhằm lật đổ chính quyền quân sự của Trung tá Paul-Henri Sandaogo Damiba, Chủ tịch Phong trào “Yêu nước nhằm Bảo vệ và Khôi phục” (MPSR). Sau đó, chính trị gia này đã sang thủ đô Lome của Togo.
Trong khi đó, lực lượng đảo chính của Đại úy Ibrahim Traore cũng tuyên bố đóng cửa biên giới vô thời hạn, đồng thời đình chỉ Hiến pháp và giải tán chính quyền hiện nay ở Burkina Faso. Theo thống kê, ít nhất 11 người đã thiệt mạng trong đụng độ sáng ngày 1/10. Đại sứ quán Pháp tại Burkina Faso đã bị đốt phá.
Với không ít người, câu chuyện ở Burkina Faso không còn xa lạ, khi đây đã là cuộc đảo chính quân sự thứ hai tại quốc gia này chỉ trong vòng tám tháng qua.
Cuộc đảo chính cho thấy lịch sử bất ổn tại đất nước Tây Phi này chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết. Kể từ năm 1966 tới nay, Burkina Faso đã trải qua tám cuộc đảo chính, trong đó hai cuộc trong năm 2022. Bất ổn chính trị, hạn hán, dịch bệnh kìm hãm tăng trưởng khiến Burkina Faso nằm trong nhóm các nước chậm phát triển nhất trên thế giới, với GDP chỉ hơn 16 tỷ USD. Đáng ngại hơn, môi trường này đang trở thành điều kiện lý tưởng cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và khủng bố phát triển.
Ngày 4/10, Cơ quan tình báo SITE của Mỹ cho biết nhóm Jama’at Nusrat al-Islam wal Muslimeen (JNIM), “chân rết” của Al-Qaeda tại khu vực Sahel của châu Phi, thừa nhận tấn công một đoàn xe tại Burkina Faso ngày 26/9, khiến trên 10 binh sĩ thiệt mạng. Trước đó, đoàn xe quân sự từ thủ đô Ouagadougou tới các thị trấn Djibo và Bourzanga cũng đâm phải vật liệu nổ, khiến ít nhất 70 người thiệt mạng.
Thống kê các vụ tấn công do lực lượng thuộc nhóm liên quân Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và 1,8 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Với tình hình hiện nay, các nhóm này sẽ càng có cơ hội phát triển và mở rộng sang các nước khác ở Tây Phi.
Cuối cùng, tình trạng này sẽ khó có thể được giải quyết chừng nào cộng đồng quốc tế và Burkina Faso không thể tìm kiếm một giải pháp bền vững. Mỹ, Nga, Pháp, Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU) đã chỉ trích vụ đảo chính và bày tỏ quan ngại về Burkina Faso, song không nêu giải pháp nào cụ thể.
Tín hiệu tích cực gần đây nhất đến từ Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) khi ngày 4/10, đại diện của tổ chức này đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo quân sự mới của Burkina Faso để thảo luận kế hoạch chuyển đổi dân chủ sau cuộc đảo chính thứ hai trong năm nay.
Trước đó, ECOWAS nhiều lần thúc giục các quan chức quân đội Burkina Faso tôn trọng lịch trình đã được thống nhất về đưa đất nước trở lại chế độ hiến pháp vào tháng 7/2024. Có thông tin rằng Đại úy Ibrahim Traore cho biết sẽ tuân theo thời hạn nêu trên của ECOWAS.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy ECOWAS từng đình chỉ tư cách thành viên của Burkina Faso. Do đó, các yêu cầu của ECOWAS không mang nhiều “sức nặng” với các lực lượng quân sự đang nắm quyền ở đất nước này. Tương lai của Burkina Faso vì thế vẫn là một câu hỏi không có nhiều đáp án.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/burkina-faso-chuyen-rieng-lo-chung-200913.html